Lu-ca | Tin Lành Được Bày Tỏ

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

John Wesley là một trong những tấm gương sáng chói về công việc rao giảng đạo Chúa. Lúc sinh thời, người ta thường thấy ông hằng ngày cưỡi ngựa đi khắp các nẻo đường ở Anh Quốc để rao giảng cho mọi người biết về tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa Jesus. Người ta ghi nhận trong cuộc đời của ông đã có trên 40.000 bài giảng. Lúc 51 tuổi, ông bệnh nặng tưởng chừng không thể qua khỏi, nhưng sau khi được bình phục, ông lại tiếp tục công việc rao giảng của mình, và năm 83 tuổi, người ta vẫn còn thấy ông tiếp tục đi rao giảng. Sự tận tụy với sứ mệnh mà Chúa đã kêu gọi khiến chúng ta liên tưởng như có một sợi dây vô hình nào đó liên kết ông với Chúa Jesus giống như các môn đồ được Chúa sai phái. Chúng ta cùng suy ngẫm phần Kinh Thánh hôm nay để tìm ra cách được Đức Chúa Trời bày tỏ Tin Lành cho mình như thế nào qua Lu-ca 10:21-24.

21 Cũng giờ đó, Đức Chúa Jêsus nức lòng bởi Đức Thánh Linh, bèn nói rằng: Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay! Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành.
22 Cha ta đã giao mọi sự cho ta; ngoài Cha không ai biết Con là ai; ngoài Con, và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không có ai biết Cha là ai.
23 Đoạn, Ngài xây lại cùng môn đồ mà phán riêng rằng: Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy!
24 Vì ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri và vua chúa ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng từng thấy, ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng từng nghe.

Giải thích

Phần Kinh Thánh hôm nay được ký thuật dưới tiêu đề “Tin Lành tỏ ra cho con trẻ”, khi chưa đọc vào phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta sẽ nhầm tưởng chữ con trẻ theo nghĩa đen, nhưng thật sự đối tượng được xem là con trẻ chính là những môn đồ được sai đi rao giảng về Nước Trời và trở về trong sự vui mừng vì những điều lạ lùng họ đạt được (câu 17). Những thành tựu trong đời sống họ khiến Chúa Jesus nức lòng mừng rỡ dâng lời tạ ơn Đức Chúa Cha. Lời cầu nguyện của Chúa Jesus trong câu 21 dẫn chúng ta đến hai đối tượng: Không ĐượcĐược Đức Chúa Trời bày tỏ sự nhập thể của Chúa Jesus cho họ.

Đối tượng Không đượcNgười khôn ngoan, thông sáng: Trong xã hội những người này được xem là tinh tuý của nhân loại. Sự học cao hiểu rộng đôi khi là con dao hai lưỡi, nó vừa đem lại lợi ích cho họ, đồng thời cũng sẽ tàn diệt chính bản thân nếu họ đem sự uyên bác đó vào một công trình nghiên cứu mang tính huỷ diệt. Đối với hạng người này, trước khi chấp nhận một vấn đề, họ thường đem ra mổ xẻ, soi xét mọi khía cạnh, tính logic… để quyết định chấp nhận hay không. Có một số nghề nghiệp trong xã hội, nếu làm như thế sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp cao nhưng trên phương diện tâm linh, không phải chỉ kiến thức là đủ mà cần phải có cả đức tin. Chúng ta thấy sự hiện hữu của những người này trong thời gian Chúa Jesus thi hành chức vụ trên đất qua giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Họ có vô số lý lẽ để bác bỏ hay không công nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si-a. Kho kiến thức được xây bởi lòng tự phụ đã nhốt họ trong giới hạn về sự hiểu biết để nhận ra giá trị thật về Con Đức Chúa Trời.

Tiếp theo, chúng ta cùng xem đối tượng Được xemTrẻ nhỏ. Dân gian Việt Nam có câu: “Ra đường hỏi người già, về nhà hỏi con trẻ”. Bản chất của một trẻ nhỏ là chân thật, tin cậy và vâng lời. Tâm hồn trong sáng và đơn sơ. Những môn đồ được Chúa Jesus sai phái, là những người trưởng thành về mặt thuộc thể nhưng đời sống tâm linh được Chúa Jesus ví như trẻ nhỏ. Dù là trẻ nhỏ nhưng họ có đức tin, có lòng tận hiến và sự vâng lời không chút thắc mắc. Qua những trẻ nhỏ mà Đức Chúa Trời có thể hành động một cách hữu hiệu nhất. Phúc Âm qua họ được truyền đạt cách chân thật không vụ lợi. Họ đặt niềm tin đơn sơ của mình vào Đấng sai phái, không chút bận tâm nghi ngờ, đó chính là tiền đề cho kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời được thành tựu qua họ trong mối liên kết với Chúa Jesus. Sự vui mừng Chúa Jesus thể hiện là vì những môn đồ Cha ban cho Ngài, thành công bước đầu của bảy mươi người là điềm báo trước sự sụp đổ sau cùng của Sa-tan.

Mọi sự đã được Đức Chúa Trời giao phó cho Chúa Jesus, những ai ở trong mối liên hệ với Chúa Jesus cũng sẽ được kết nối với Đức Chúa Trời (câu 22), chúng ta chỉ cần lấy đức tin như trẻ nhỏ mà giao phó cuộc đời cho Ngài sử dụng.

Phước hạnh Chúa Jesus nhắc đến trong câu 23 là các phép lạ và những lời giảng dạy mà các môn đồ được nghe, được thấy trực tiếp từ chính Đấng Mê-si-a mà trong Cựu Ước đã tiên tri. Họ đang sống trong những ngày hưởng đặc ân chưa từng có. Chúa Jesus tuyên bố Ngài chính là Đấng mà các tiên tri Cựu Ước đã trông mong.

Chúng ta ngày nay không hưởng được phước hạnh trực tiếp như các môn đồ ngày xưa, nhưng qua công lao cứu chuộc của Chúa Jesus, chúng ta đã được nhận lãnh và được dự phần vào kế hoạch mở rộng vương quốc của Ngài trên đất. Nguyện tấm lòng mỗi người chúng ta trở nên như con trẻ: tin cậy vào quyền tể trị của Chúa Jesus, mềm mại trong sự thuận phục với sứ mệnh như các môn đồ ngày xưa.

Cầu nguyện

Kính lạy Cha Thiên phụ từ ái của con, cảm tạ ơn cứu rỗi Ngài ban cho con bởi ân điển diệu kỳ mà trí con không sao hiểu được nhưng lòng cảm nhận được ơn ấy. Xin cho con luôn yêu mến, tin cậy và vâng lời Ngài, xin sử dụng cuộc đời con cách hiệu quả nhất theo ý muốn Ngài. Con cám ơn Ngài và thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa