I Cô-rinh-tô | Kiến Thức Đi Đôi Với Yêu Thương

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Kính chào anh chị em thân mến trong Chúa! Một người học cao hiểu rộng, có đời sống đạo đức mẫu mực thường được tôn trọng và họ vô tình trở nên một tiêu chuẩn nào đó cho sự thành công. Như vậy một người tin Chúa và đi nhà thờ lâu năm, có thể nhớ và đọc trôi chảy từng phân đoạn Kinh Thánh, ghi chép đầy đủ những bài giảng hằng tuần liệu có được kể là một Cơ Đốc Nhân thành công không? Điều cốt lõi của một cộng động tin và sống theo Chúa Jesus chính là tình yêu thương. Dù bạn có biết hàng trăm hàng nghìn điều trong cuộc sống, có thuộc lòng cả quyển Kinh Thánh nhưng nếu kiến thức ấy không đi đôi với tình yêu thương thì rất dễ khiến bạn trở nên tự cao, ngạo mạn, thậm chí là làm gương xấu cho người khác. Phân đoạn Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 8:1-6 hôm nay Phao-lô đã làm rõ vấn đề này cho Hội Thánh Cô-rinh-tô khi xưa, và cũng là cách giải quyết những nan đề cho Hội Thánh chúng ta ngày nay.

1 Luận đến của cúng các thần tượng thì chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả. Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt.
2 Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết.
3 Nhưng nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó.
4 Vậy, về sự ăn của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác.
5 Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều chúa),
6 về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.

Giải thích

Sau khi giải đáp các câu hỏi về hôn nhân, Phao-lô quay lại một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong bức thư ông nhận được từ Hội Thánh Cô-rinh-tô: “Cơ Đốc nhân có được ăn thịt đã cúng cho thần tượng không?” Đời sống của một người đi theo Đấng Christ sẽ có những vấn đề không xét theo phương diện đúng hay sai, mà nó liên quan đến yếu tố xã hội trong một nền tảng văn hóa nhất định. Điều này bao gồm cả việc uống rượu, để râu, để tóc dài… Và trong nền văn hóa của Cô-rinh-tô thời bấy giờ đó là vấn đề ăn của cúng các thần tượng. Bên ngoài Hội Thánh, người dân thành Cô-rinh-tô thờ lạy nhiều thần tượng, họ cử hành những nghi thức cùng dâng tế lễ cho nhiều thần nhằm đem lại lợi ích cho bản thân, sau khi dâng tế lễ bằng súc vật rồi họ xẻ ra bán thịt với giá rẻ tại các đền miếu địa phương. Những tín hữu mạnh mẽ trong Hội Thánh nhận thấy rằng thần tượng không thể làm ô uế thức ăn, do vậy họ tiết kiệm tiền bằng cách mua thịt rẻ có sẵn tại các đền thờ. Điều này gây khó chịu cho các tín hữu mới, tức là những người còn non trẻ trong niềm tin. Nhiều người trong số họ đã được cứu khỏi việc thờ lạy thần tượng và họ không thể hiểu tại sao anh em cùng đức tin của họ muốn liên quan đến thịt đã cúng cho thần tượng. Vì điều này mà những người hướng dẫn Hội Thánh đã gửi thư để xin lời khuyên của Phao-lô.

Trong thư hồi đáp, Phao-lô đã nhấn mạnh vào yếu tố quan trọng đầu tiên: Sự hiểu biết phải được quân bình bởi tình yêu thương. Người Cô-rinh-tô được dư dật về hiểu biết thuộc linh (I Cô-rinh-tô 1:5) và thực ra họ khá hãnh diện về những thành quả đạt được. Họ biết rằng thần tượng là hư không, chỉ có duy nhất một Đức Chúa Trời đáng để thờ phượng mà thôi (câu 6). Phao-lô phân tích sự hiểu biết ấy như sau: Kiến thức có thể là vũ khí để chiến đấu hoặc một công cụ để xây dựng, tùy thuộc vào cách người ta sử dụng nó. Nếu sự hiểu biết “trở nên cao ngạo” thì sự hiểu biết đó không thể “xây dựng gì được”. Hơn nữa, việc học biết giáo lý hoàn toàn khác với việc hiểu biết Đức Chúa Trời. Bạn có thể lớn lên trong sự hiểu biết Thánh Kinh nhưng không trưởng thành trong ân điển hoặc trong mối tương giao riêng tư với Đức Chúa Trời.

Như vậy chỉ có hiểu biết thì không đủ. Hiểu biết cần phải đi đôi với yêu thương. Người ta nói rằng: “Sự hiểu biết không có tình yêu là độc ác, nhưng tình yêu mà không hiểu biết là đạo đức giả.” Hiểu biết là sức mạnh và nó phải được sử dụng trong sự yêu thương. Nhưng tình yêu phải luôn luôn được chi phối bằng sự hiểu biết. Điều Phao-lô quan tâm nhiều hơn hết đó là các thánh đồ mạnh mẽ giúp đỡ những anh em yếu đuối được lớn lên và thôi không còn ở trong tình trạng non trẻ nữa. Nhưng thực tế thì những tín hữu mạnh mẽ trong Hội Thánh chỉ có sự hiểu biết mà không sử dụng sự hiểu biết bằng lòng yêu thương. Thay vì xây dựng các anh em yếu đuối thì các Cơ Đốc nhân cho rằng mình mạnh mẽ thì chỉ là tự đề cao chính mình. Điều phải có ở đây chính là lòng yêu thương trở thành tấm gương, vì “tình yêu gây dựng” và đặt người khác lên trên. Khi sự hiểu biết thuộc linh được đem ra sử dụng trong tình yêu, tín hữu mạnh mẽ có thể nắm tay tín hữu yếu đuối và giúp người ấy đứng dậy bước đi để tận hưởng sự tự do trong Đấng Christ.

Còn bạn, bạn có đang sử dụng kiến thức, sự hiểu biết với lòng yêu thương để khích lệ, nâng đỡ những anh chị em mới tin Chúa không?

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa yêu dấu, xin Chúa tha thứ vì có lúc con kiêu ngạo với những hiểu biết thuộc linh của mình. Chúa ơi con cần phải khiêm nhường hơn nữa trước mặt Chúa. Xin dạy con biết học cách sử dụng sự hiểu biết với lòng yêu thương người khác, để qua con thì Danh Chúa Jesus được vinh hiển. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.

Thiên Mỹ Ngôn

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa