Gia-cơ | Mau Nghe, Chậm Nói, Chậm Giận

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônRu-tơLu-caGia-cơI Phi-e-rơ

Lời ngỏ

Thân mến chào quý anh chị em yêu dấu trong Chúa! Trong cuộc sống hằng ngày, thông thường người ta thích nói hơn là lắng nghe. Nhiều người lại mắc lỗi lầm là nói nhiều. Người nói nhiều có thể là người hiểu biết nhưng sự hiểu biết ấy thường là nông cạn, rộng mà không sâu vì thiếu lắng nghe. Thực tế cho thấy, có nhiều sự hiểu lầm xảy ra làm phương hại đến quan hệ giữa các cá nhân với nhau phần lớn là bởi người ta không nghe mà vội nói. Khi đó sẽ phát sinh sự bất đồng thì dễ nổi nóng rồi buông ra những lời nói thiếu suy nghĩ đã dẫn đến hậu quả tai hại khôn lường, mà dù hối hận đến đâu cũng không thể bù đắp được những thiệt hại đã gây ra. Trong buổi tĩnh nguyện hôm nay chúng ta cùng xem lời Chúa ghi trong Gia-cơ 1:19-21 để học cách MAU NGHE – CHẬM NÓI – CHẬM GIẬN. Ước ao mỗi con cái Chúa áp dụng nguyên tắc rất thực tế này trong đời sống mỗi ngày của mình hầu có thể giúp cho nhiều người nhận biết Chúa Giê-xu đang sống và hành động trong đời sống chúng ta.

19 Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận;
20 vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.
21 Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em.

Giải thích

Có ba điều cụ thể giúp cho một người sống thành công trong mối quan hệ với mọi người xung quanh là mau nghe, chậm nói và chậm giận.

1. Mau nghe: một trong những thiếu sót của chúng ta là thiếu kiên nhẫn để nghe người khác nói. Lắng nghe là cách để phục vụ người khác, đặc biệt với những ai đang có tâm trạng thì có một người biết lắng nghe cũng giúp ích cho người ấy rất nhiều. Tuy nhiên, để có thể nghe được người khác thì con cái Chúa cần phải lắng nghe lời phán của Chúa như lời Chúa Giê-xu đã kêu gọi: “Ai có tai, hãy nghe!” (Ma-thi-ơ 13:9). Khi gặp khó khăn, thử thách xảy đến mà chúng ta không chú ý, không mau nghe Lời của Chúa, chỉ nghe người xung quanh mình, nghe hoàn cảnh xảy đến cho mình thì chúng ta dễ có những phản ứng sai. Chúa Giê-xu cũng dạy rằng: “Hãy coi chừng cách các ngươi nghe!” (Lu-ca 8:18). Vậy, để có thể nghe đúng thì trước hết cần nghe tiếng phán của Chúa cho chúng ta qua Lời của Ngài.

2. Chậm nói: Châm Ngôn 10:19 cũng dạy điều tương tự: “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan.” Chúa ban cho chúng ta cái lưỡi là để nói lời ích lợi, gây dựng. Muốn vậy chúng ta phải xin Chúa cho biết sống khôn ngoan, học tập cách nói năng phải thì, đúng lúc, đúng chỗ chứ đừng vội nói, trước khi nói ra điều gì thì nên suy nghĩ chín chắn, kẻo sẽ phải hối hận vì không chỉ làm tổn thương người khác mà chính mình phải gánh lấy hậu quả của lời mình nói ra.

3. Chậm giận: Lời khôn ngoan trong Châm Ngôn 14:29 cũng đã khuyên: “Kẻ nào chậm nóng giận có thông sáng lớn, nhưng ai nóng nảy tôn lên sự điên cuồng.” Chúng ta dễ nổi giận khi người khác nói hay làm điều trái với ý mình, đôi khi sự giận dữ với điều sai trái cũng là hợp lý. Nhưng Lời Chúa nhắc chúng ta là đừng vội nổi nóng, Gia-cơ nêu lý do ngay ở câu bên dưới, “vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời”. Rõ ràng là sự nóng giận của chúng ta không giúp cải thiện được sự sai trật mà càng khiến cho chúng ta hành động thiếu khôn ngoan, như thế không thể khiến người ta thấy được đức công bình của Chúa chúng ta.

Để có thể áp dụng được bí quyết “mau nghe – chậm nói – chậm giận” với người khác thì Gia-cơ quay lại cá nhân mỗi người cần đối diện với chính lòng mình. Lòng người được ví như một mảnh vườn, nếu không chăm sóc đất sẽ sinh cỏ dại. Vì vậy chúng ta phải nhổ hết cỏ dại để đất lòng có thể tiếp nhận “Lời Đức Chúa Trời” được gieo trồng vào. Nhổ đi cỏ dại là “bỏ đi mọi điều ô uế và mọi điều gian ác còn lại” vì khi chúng ta tin Chúa nhưng vẫn còn những thói quen xấu, những lối sống cũ theo thế gian nên cần phải bỏ đi. Từ “bỏ đi” có thể hiểu như là việc cởi bỏ quần áo cũ dơ bẩn và thay vào đó là “đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em”. Vậy chúng ta phải chuẩn bị đất lòng như thế nào để tiếp nhận lời Đức Chúa Trời? Trước hết, chúng ta phải xưng tội mình và xin Chúa tha thứ (I Giăng 1:9). Kế đến, hãy nhớ lại tình yêu và ơn phước Chúa dành cho mình, cầu xin Ngài “đánh tơi” phần đất cứng trong lòng chúng ta như Giê-rê-mi 4:3 đã nói: “Hãy cày mở ruộng mới các ngươi, chớ gieo trong gai góc.” Và cuối cùng, chúng ta phải có thái độ nhu mì để tiếp nhận sự dạy dỗ từ Lời Chúa. Tiếp nhận Lời Chúa với lòng nhu mì là đặt lòng tin vào Lời Chúa, không lý luận, bóp mép hay phàn nàn nhưng trân trọng lời ấy, vì đó là “Lời cứu được linh hồn” chúng ta. 

Từ hôm nay, trước hết chúng ta cần thực hành Lời Chúa dạy, đó là từ bỏ mọi điều thuộc lối sống cũ, có lòng mềm mại tiếp nhận Lời Chúa để có thể mau nghe, chậm nói và chậm giận đối với mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Xin cho con biết từ bỏ mọi điều ô uế còn vương vấn trong đời sống con và có tấm lòng nhu mì tiếp nhận Lời Chúa gieo trồng trong con hầu con có thể áp dụng được bí quyết sống thành công mau nghe, chậm nói và chậm giận để nhiều người thấy được chính Chúa đang sống trong con. Con cảm tạ ơn Chúa và cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa