Lu-ca | Kinh Doanh Tôn Giáo
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Lời ngỏ
Chào quý anh chị em thân mến! Kinh doanh không chỉ thuộc về lĩnh vực kinh tế thương mại mà còn liên quan đến mọi lĩnh vực và mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta. Ngày nay người ta không xa lạ gì với những hình thức kinh doanh dịch vụ, kinh doanh giáo dục, kinh doanh tri thức, thậm chí cả đến vấn đề tâm linh là kinh doanh tôn giáo. Trong thời gian gần đây, nền kinh tế toàn cầu đang bị khủng hoảng, nhiều nước đang gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế nhưng lại hưng thịnh về kinh doanh tôn giáo. Điển hình là tại Ấn độ, trong khi nền kinh tế nước này đang chững lại thì có một “mảng kinh tế” lại đang tăng trưởng nhanh và còn rất nhiều tiềm năng, đó là kinh tế liên quan đến kinh doanh tôn giáo. Ấn Độ được biết đến như một đất nước có tôn giáo hiện diện khắp nơi, vì thế kinh doanh từ tôn giáo đang hốt bạc tại đất nước này. Không chỉ tại Ấn độ mà ở nhiều quốc gia, các tôn giáo đã biến thành một ngành công nghiệp mang lại rất nhiều lợi nhuận. Đây là thực trạng không chỉ thời đại ngày nay mới có mà ngày xưa, từ thời Chúa Giê-xu đã nhan nhản tệ nạn này. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong Lu-ca 19:45-48 về việc Chúa Giê-xu đã có thái độ thế nào trước tình trạng kinh doanh tôn giáo này.
45 Đức Chúa Jêsus vào đền thờ rồi, bèn đuổi những kẻ bán ở đó ra,
46 mà phán rằng: Có lời chép rằng: Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện; song các ngươi làm thành ra một cái hang trộm cướp.
47 Hằng ngày Ngài giảng dạy trong đền thờ. Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, cùng người tôn trưởng trong dân tìm phương giết Ngài;
48 nhưng họ không biết dùng chước chi, vì dân sự đều chăm chỉ mà nghe Ngài nói.
Giải thích
Theo luật pháp Do Thái thì tất cả những người nam phải về đền thờ và dâng tế lễ vào những dịp lễ lớn trong năm. Do đó, các lãnh đạo tôn giáo đã tạo ra việc kinh doanh sinh lợi ở đây. Có một khu vực được gọi là hành lang của đền thờ, đây là nơi dành cho phụ nữ và dân ngoại đến. Còn bên trong là Nơi Thánh dành cho thầy tế lễ và những người nam Do Thái vào dâng tế lễ. Các lãnh đạo tôn giáo cho phép những kẻ buôn bán dựng lều ở nơi hành lang này. Các con buôn này bán những con thú dùng làm sinh tế phải được thầy tế lễ phê chuẩn, nên người ta không thể tự mang con thú đến dâng mà phải mua những con thú được bán tại đây với giá cao, và giá thường cao gấp 10 lần so với giá thị trường. Ngoài ra, người ta không thể dâng lễ bằng bất cứ loại tiền tệ nào. Tiền phải đem đổi bằng một loại tiền của đền thờ. Vì lẽ đó những kẻ đổi bạc chủ yếu đổi tiền mặt của khách hành hương với mức thù lao lên đến 25%. Vì thế, việc buôn bán trong nhà Đức Chúa Trời của họ đã làm nản lòng những người muốn đến để thờ phượng Chúa.
Đây là một việc làm Chúa không thể chấp nhận được. Những kẻ kinh doanh này đã lợi dụng vào niềm tin của những người đến thờ phượng Chúa để thu lợi bất chính. Cho nên Chúa Giê-xu đã “đuổi những kẻ bán ở đó ra”. Có lẽ cảnh tượng lúc ấy rất là náo loạn.
Ở giữa cảnh hỗn độn ấy, Chúa Giê-xu đã lớn tiến la lên: “Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện; song các ngươi làm thành ra một cái hang trộm cướp.” Đây là Lời Chúa đã dẫn chứng trong Kinh Thánh Cựu Ước qua lời tiên tri của Ê-sai (Ê-sai 56:6-7) cho biết nhà Chúa là nơi cho các dân đến thờ phượng và cầu nguyện nhưng những kẻ kinh doanh tôn giáo trục lợi cá nhân đã biến thành ra “ổ trộm cướp” như lời tiên tri của Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 7:8-11). Về phía các lãnh đạo đền thờ thì họ đang mưu tính giết hại Đức Chúa Giê-xu. Để thực hiện ý đồ này, họ tìm cách xúi giục quần chúng nổi giận, nhưng quần chúng đều chăm chỉ nghe Chúa giảng dạy.
Nhà Chúa phải là nơi để mọi người có thể đến tương giao với Chúa, học biết về Ngài để thờ phượng Ngài, thế mà đáng buồn thay các thầy tế lễ, các lãnh đạo tôn giáo đã biến chỗ đó thành một nơi lừa lộc, thu lợi bất chính. Bất kỳ một tập tục nào gây trở ngại cho việc thờ phượng Đức Chúa Trời đều cần phải được ngăn chặn.
Qua đây cho thấy tất cả những hình thức nào không giúp cho người ta biết thờ phượng Chúa, nhận biết Chúa và tôn vinh Ngài đều là những hình thức kinh doanh tôn giáo. Khi nhìn vào hiện trạng của nhiều Hội Thánh ngày nay, chúng ta không khỏi đau lòng khi thấy nhiều nhà lãnh đạo không hết lòng chăm lo cho bầy chiên của Chúa mà chỉ xem đó như là một ngành nghề, nhiều Hội Thánh chỉ chạy theo trào lưu của thời đại để đánh bóng danh tiếng của mình, hay để làm giàu vật chất.
Con người có thể có nhiều hạn chế, còn nhiều sai trật nhưng điều sai trật lớn nhất liên quan đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời thì Ngài không thể chấp nhận được. Thờ phượng luôn luôn là trọng điểm đối với Đức Chúa Trời. Nếu sự thờ phượng của chúng ta sai thì không một điều nào trong đời sống chúng ta là đúng cả.
Vì thế, đây là điều chúng ta cần tra xét lại chính mình. Chúng ta có đang lợi dụng vào Chúa và lợi dụng vào niềm tin của các tín hữu mà trục lợi cho danh lợi quyền của cá nhân mình không? Chúng ta có đang ngăn trở người khác đến với Chúa và thờ phượng Ngài qua những việc làm sai trật của chúng ta không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con vì có những lúc chúng con vô tình hay cố ý lợi dụng Danh Chúa, lợi dụng Hội Thánh để làm những việc trục lợi cho cá nhân mình. Đó là những việc làm đáng bị Chúa trừng phạt. Nhưng chúng con tin rằng khi chúng con thực lòng xưng nhận ra những vi phạm của mình thì chúng con sẽ được Ngài tha thứ bởi ơn thương xót dồi dào của Ngài. Từ nay, xin Chúa luôn cảnh tỉnh con hầu cho trong mọi động cơ, từng lời nói, hành động của con không ngăn cản người khác đến với với Chúa và thờ phượng Ngài. Con thật cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét