Sáng Thế Ký | Phép Cắt Bì Mang Ý Nghĩa Gì?

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônRu-tơLu-caGia-cơI Phi-e-rơ

Lời ngỏ

Thưa quý anh chị em! Phép cắt bì được thực thi trên con người để làm dấu hiệu của giao ước mà Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham và dòng dõi ông. Trong giao ước đó Đức Chúa Trời đổi tên của Áp-ram ra thành Áp-ra-ham, lập ông thành cha của nhiều dân tộc. Ngài sẽ là Đấng ban phước cho dòng dõi ông đến đời đời và sẽ ban cho ông và dòng dõi ông xứ Ca-na-an để làm cơ nghiệp. Ngài đòi hỏi ông bước đi theo Ngài và sống thật trọn vẹn. Phép cắt bì bày tỏ rằng dân Y-sơ-ra-ên thuộc về Ngài, kính sợ Chúa và đi theo đường lối Ngài.

Phép cắt bì không phải là phương tiện để được thêm người, được tài sản của họ, được ở chung cùng với họ! Thiên Chúa hoàn toàn không có mặt trong thỏa thuận cắt bì này. Một nghi thức tôn giáo có thể vắng bóng Chúa. Con người có thể thực thi tôn giáo mà không hề biết đến Chúa cũng như không hiểu hoàn toàn ý nghĩa của những việc mình làm. Sáng Thế Ký 34:20-24 kể tiếp câu chuyện Si-chem thuộc dân Ca-na-an phải chịu phép cắt bì để được cưới vợ là nàng Đi-na.

20 Vậy, Hê-mô và Si-chem, con trai người, đi đến cửa thành mình, nói cùng dân trong thành như vầy:
21 Các người đó ăn ở hòa thuận giữa vòng chúng ta; vậy cho họ ở trong xứ đặng buôn bán. Nầy, xứ cũng rộng cho họ ở; chúng ta sẽ cưới con gái họ làm vợ, và gả các con gái chúng ta lại.
22 Nhưng họ bằng lòng ở cùng chúng ta đặng thành một dân, miễn khi nào các người nam trong bọn mình phải chịu phép cắt bì chính như mọi người nam của họ vậy.
23 Thế thì, há rằng các súc vật, các tài sản và các bầy của họ sẽ chẳng thuộc về chúng ta sao? thôi, ta hãy nhận theo họ điều đó đi, để họ ở chung cùng chúng ta.
24 Mọi người đi ra cửa thành mình đều nghe theo lời Hê-mô và Si-chem, con trai người, và hết thảy người nam đi ra cửa thành mình đều chịu phép cắt bì.

Giải thích

Sau khi bắt cóc và hãm hiếp Đi-na, Si-chem con trai Hê-mô, người Ca-na-an muốn cưới Đi-na. Họ đã đến gặp Gia-cốp và các con trai ông để xin cưới Đi-na. Một cuộc hôn nhân có lợi cho hai bên đã được thỏa thuận: Bên phía bộ tộc của Gia-cốp sẽ được đất để sinh sống, được buôn bán làm ăn trong xứ. Bên phía bộ tộc của Hê-mô các anh của Gia-cốp yêu cầu tất cả những người nam phải chịu cắt bì. Vì yêu Đi-na nên Si-chem đã đồng ý.

Những người nam trong thành Si-chem phải chịu cắt bì để được nhiều cái lợi: súc vật, tài sản và các bầy chiên, bò, dê, lạc đà của bộ tộc Gia-cốp sẽ là của họ. Các con trai Gia-cốp với sự siêng năng, cần mẫn của họ sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân Si-chem về lâu về dài. Những người nam trong thành Si-chem đã được thuyết phục như thế để đồng ý chịu phép cắt bì. Họ không hề biết giao ước phước hạnh mà Đức Chúa Trời ban cho Áp-ra-ham và dòng dõi ông. Họ không biết rằng người chịu phép cắt bì sẽ phải sống theo ý muốn của Chúa, phải đi theo đường lối Ngài, phải sống thật trọn vẹn (Sáng Thế Ký 17:1). Mặt khác, hôn nhân phải hoàn toàn dựa trên tình yêu chứ không phải trên tài sản, cho dù lợi lộc đó có nhiều đến đâu. Về mặt thuộc linh, chính Chúa là Đấng tuyển chọn một dân cho Ngài và chỉ có dân Y-sơ-ra-ên dưới giao ước của Chúa với họ mới phải làm phép cắt bì.

Trong giao ước mới của Đức Chúa Giê-xu, Đấng chuộc tội cho nhân loại, tất cả những người dân ngoại tìm đến với ơn cứu rỗi ấy, cho dù được làm con dân Chúa nhưng không cần phải chịu phép cắt bì (Công vụ 15:28). Kinh Thánh cũng dạy phép cắt bì thật là cắt bì nơi lòng (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:6; Giê-rê-mi 4:4; 9:25-26) là sự biến đổi để trở nên con người thuận phục Chúa (Rô-ma 2:25-29).

Hôn nhân là việc trọng đại trong đời sống con dân Chúa. Các thanh niên thiếu nữ khi chọn lựa người phối ngẫu tương lai cần phải nhớ rằng làm các nghi thức để được lấy người mình yêu, kể cả theo đạo và làm hôn phối trong nhà thờ… không hề có nghĩa là mình đã được ở trong giao ước của sự cứu rỗi. Giao ước đó đòi hỏi chúng ta thật lòng tin Đức Chúa Giê-xu là Đấng cứu chuộc mình ra khỏi tội lỗi bởi thập tự giá của Ngài. Có nhận biết cái giá của sự cứu chuộc, người đó mới biết yêu quý ân điển vô giá mình được ban cho. Ân điển đó quá đến nỗi mình không thể làm gì khác hơn là đầu phục Chúa kể cả trong việc vâng lời, chỉ kết hôn một cuộc hôn nhân đẹp ý Chúa.

Nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Để có sức Chúa mà làm theo ý Ngài, chúng ta cần cầu nguyện.

Cầu nguyện

Lạy Cha ái từ! Hiểu được ý nghĩa của phép cắt bì thì chúng con mới biết cách ứng dụng đúng đắn. Cho dù ngày nay chúng con không bị buộc phải làm phép cắt bì nữa, nhưng xin cho chúng con thận trọng trước tất cả mọi hình thức theo Chúa tương tự như hình thức cắt bì. Xin cho chúng con vâng phục Chúa trong hôn nhân của mình. Xin cho chúng con chọn lựa một cuộc hôn nhân mà mình biết chắc Chúa sẽ đẹp lòng, bởi Cha ơi, ân điển Chúa dành cho chúng con qua công lao của Chúa trên thập tự giá quý báu lắm cho cuộc đời chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Ân Điển

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa