Giê-rê-mi | Chớ Cầu Thay
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Xuất Ê-díp-tô Ký | Châm Ngôn | Giê-rê-mi | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Bạn thân mến! Có một vị mục sư đã làm chứng lại cuộc đời mình. Trong câu chuyện ấy, có một chi tiết liên quan đến giá trị của một lời cầu thay. Ông đã kể: Trước đó, tôi là một thanh niên lêu lõng, dù được sinh ra trong một gia đình tin kính Chúa, cuộc đời tôi gắn chặt với những thú vui sa đọa của trần gian. Mẹ tôi bao lần năn nỉ tôi đi nhà thờ, tìm kiếm Chúa để tin Chúa cách cá nhân, tôi đều cười nhạo. Một đêm tôi về rất khuya, trong không gian tối của căn nhà, tôi chợt nghe tiếng khóc xen lẫn trong lời thì thầm của mẹ: Chúa ôi, xin thương xót con của con… Tôi đứng lặng nghe một lúc rồi trở về phòng. Trọn đêm đó tôi không sao ngủ được, nhắm mắt lại tôi nhìn thấy tôi đang chạy băng trên con đường xuống vực sâu. Ray rứt, ân hận, tôi đã khóc. Tôi biết Đức Chúa Trời đang hành động thay đổi tôi qua lời cầu thay của mẹ. Bây giờ, tôi đã là một tôi tớ Chúa, Ngài đã kêu gọi tôi, chọn lựa tôi cho công việc Ngài.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy tầm quan trọng thực tế của lời cầu thay. Nhưng, bạn có ngạc nhiên không, khi phần Kinh Thánh trong Giê-rê-mi 7:16 Đức Chúa Trời lại không cho cầu thay? Vì sao? Hãy cùng nhau tìm hiểu lý do về điều này.
16 Cho nên ngươi chớ vì dân nầy mà cầu thay; đừng vì nó mà cất tiếng khấn vái cầu nguyện, cũng đừng cầu thay cùng ta, vì ta sẽ chẳng nghe ngươi.
Từ ngữ “cho nên” là một liên từ kết nối hành động trước đó để quyết định cho hành động tương ứng sẽ đến sau. Như vậy, khi Đức Chúa Trời bảo Giê-rê-mi không được cầu thay cho dân Giu-đa, chúng ta sẽ xem hành động của họ trước đó là gì. Điều này giống như tòa án xem xét hành vi của bị cáo trước khi ra phán quyết tương thích với hành động. Khi xem xét, thẩm phán sẽ nhắc lại để chứng minh cho bị cáo thấy tội của họ là không thể tha thứ, cho dù luật sư có biện hộ như thế nào cũng không thể thay đổi số phận của bị cáo. Cũng vậy, Đức Chúa Trời giải thích cho Giê-rê-mi lý do tại sao Ngài không cho ông cầu thay.
Đức Chúa Trời cho biết bao lần Ngài đã dậy sớm để dạy dỗ dân Ngài mà họ không nghe, không trả lời, không ghé tai vào, mà cứ cứng cổ, cứng lòng đi theo đường ác mình. Vì vậy, Đức Chúa Trời không nghe lời cầu thay. Nhưng nếu bảo Đức Chúa Trời không nghe thì có phải Ngài không toàn năng? Đấng luôn nghe mọi lời cầu nguyện dù trong tiếng thì thầm của linh hồn sao lại không nghe? Ê-sai đã cho biết: “Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng phải ngắn mà không cứu được; Tai Ngài cũng chẳng phải nặng mà không nghe được đâu. Nhưng chính vì sự gian ác của các ngươi đã phân cách các ngươi với Đức Chúa Trời mình, Và tội lỗi các ngươi đã che khuất Ngài khỏi các ngươi đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:1-2).
Tội ác của dân Giê-ru-sa-lem được mô tả trong đoạn 7, được thấy qua các chiều kích khác nhau: thời gian, không gian, độ sâu của tấm lòng, độ bền của sự thông đồng trong tội ác.
Về thời gian, Giê-rê-mi tính từ khi Đức Chúa Trời dẫn tổ phụ của họ ra khỏi Ê-díp tô cho đến nay, không lúc nào họ không phạm tội ác với Chúa. Chưa kể ông cho biết trước đó trong Giê-rê-mi 2:32 rằng “dân Ta đã quên ta từ những ngày không tính ra được”. Về không gian, Giê-rê-mi mô tả họ phạm tội từ trong các thành phố thuộc Giu-đa, từ mọi đường phố của Giê-ru-sa-lem và ngay cả trong đền thờ thánh của Chúa, tại đó họ cũng phạm tôi. Về độ sâu của tội ác, họ “chẳng nghe, chẳng ghé tai vào, cứ bước đi trong mưu mình, theo sự cứng cỏi của lòng ác mình, thụt lùi chẳng bước tới” (Giê-rê-mi 7:24). Và về độ bền của sự thông đồng, Giê-rê-mi cho thấy cả gia đình đều hiệp nhất trong sự thờ hình tượng, phục vụ cho thần tượng. Trong không gian bốn chiều đó họ bị nhốt kín, bị phân rẽ, bị che khuất “đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa”. Còn gì đau buồn hơn khi Đức Chúa Trời mong muốn nghe, nhưng Ngài lại không thể nghe được.
Qua Lời Chúa trên, chúng ta có thể rút ra cho mình hai bài học quý giá: Nếu là người cầu thay, Chúa không muốn chúng ta làm một việc không đem lại kết quả. Thật vậy, cho dù cầu thay là một nhiệm vụ cao quý, đem lại sự thay đổi tích cực cho người được cầu thay, nhưng nếu người mà chúng ta cầu thay cứ tiếp tục trên con đường ác của mình, không thay đổi nếp sống mình, thì trong mắt Đức Chúa Trời đó chỉ là một công việc vô ích vì sẽ không được Đức Chúa Trời lắng nghe.
Nếu chúng ta là người được cầu thay, chúng ta nên dừng lại, yên lặng lắng nghe lời tha thiết, để nhìn vào đời sống mình, soi mình trong gương của Đức Chúa Trời để thấy chính mình tội lỗi, xấu xa đáng bị loại bỏ. Nhưng nhờ sự cầu thay, chúng ta thấy được tình yêu của Chúa, Ngài vì tôi đã đứng vào chỗ sứt mẻ của tôi mà cầu thay để xoay hướng, ăn năn.
Ngày nay có lẽ chúng ta không phạm tội như dân Y-sơ-ra-ên xưa về hình thức, nhưng cách sống thờ ơ về thuộc linh, chú trọng về vật chất cuốn hút mọi tâm lực của chúng ta, trở thành những đối tượng để chúng ta hướng về thay vì Chúa. Đó cũng là một hình thức thờ hình tượng ngày nay. Xin Chúa mở mắt tâm linh của chúng ta để nhìn thấy rõ thực trạng của mình mà ăn năn, trở lại với mối quan hệ đúng đắn với Chúa. Bằng không Ngài cũng sẽ đối đãi với chúng ta như cách mà Ngài đã đối đãi với Giu-đa xưa.
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi! Là Đấng vui thích nghe những lời cầu thay của chúng con. Xin ban cho dân Chúa tấm lòng ăn năn khi được nhắc nhở. Xin ban cho chúng con lòng cưu mang để lời cầu nguyện của chúng con được Ngài nghe và nhậm lời chúng con cầu thay vì dân Chúa. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét