Xuất Ê-díp-tô Ký | Được Ơn - Nhớ Ơn - Làm Ơn
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Xuất Ê-díp-tô Ký | Châm Ngôn | Giê-rê-mi | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Bạn thân mến! Hãy đọc mẫu tin này: “Trong một căn nhà tồi tàn ở trung tâm thủ đô Tel Aviv (Israel), Hanna và Genet đang từng ngày chống chọi với những ký ức kinh hoàng trong quá khứ khi cả hai bị bọn buôn người lừa bắt và biến thành nô lệ tình dục. Cả hai đều là dân Ethiopia di cư, mong muốn tìm kiếm việc làm ổn định và cơ hội đổi đời cho bản thân cũng như gia đình. Nhưng ước muốn đơn giản ấy đã bị bọn buôn người lợi dụng và họ đã trở thành những nạn nhân mang danh “nô lệ hiện đại”[1]. Bạn nghĩ gì? Một dân tộc nô lệ được giải thoát, giờ đây tại nơi được tự do, họ lại biến thành nhà nô lệ cho các dân tộc khác. Được ơn phải nhớ ơn và làm ơn là điều mà chúng ta cần phải thực hiện mỗi ngày. Hãy đến với Lời Chúa hôm nay trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:21-22 để nhận biết điều Chúa làm cho mình qua những gì Ngài đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên xưa.
21 Ta sẽ làm cho dân nầy được ơn trước mắt người Ê-díp-tô; vậy, khi nào các ngươi ra đi, thì sẽ chẳng ra đi tay không;
22 nhưng mỗi người đàn bà sẽ hỏi xin người nữ lân cận, cùng kẻ ở tạm nhà mình những đồ bằng vàng, bằng bạc và quần áo, mặc lấy cho con trai con gái mình. Các ngươi sẽ lột trần dân Ê-díp-tô là như vậy.
Bốn trăm năm sống tại Ai Cập, trừ những năm tháng Giô-sép còn sống thì sau khi Giô-sép qua đời, dân Y-sơ-ra-ên phải sống trong cảnh nô lệ, bị áp bức bởi người Ai Cập, bị đau khổ cùng cực từ thể xác đến tinh thần. Họ bị tước mất hết mọi quyền lợi cá nhân, mọi quyền lợi tôn giáo, bị tước luôn cả quyền lợi được nuôi con. Giờ đây, khi Chúa kêu gọi Môi-se đi giải phóng dân tộc ra khỏi cảnh đời nô lệ, Ngài không chỉ đưa họ ra khỏi mà Ngài còn đòi lại từ dân Ai Cập những gì người Y-sơ-ra-ên bị mất.
Trước hết, Đức Chúa Trời đòi lại quyền con người: “Ta sẽ làm cho dân này được ơn trước mắt người Ê-díp-tô.” Từ ngữ được ơn nói lên rằng những nô lệ trước đó bị coi như không có giá trị gì, thì giờ đây trong mắt người Ê-díp-tô họ là những người đáng sợ, đáng kính và đáng được tôn trọng. Kế tiếp, Đức Chúa Trời đòi lại quyền lợi của người làm công một cách công bằng. Bao nhiêu năm làm nô lệ không công, họ không có tài sản riêng thì giờ đây Đức Chúa Trời làm cho lòng người Ai Cập tan chảy trước dân Y-sơ-ra ên, đến nỗi họ phải đem mọi của cải họ có dâng cho những người trước kia họ coi là nô lệ. Kinh Thánh dùng chữ “lột trần” để mô tả tình trạng cho hết.
Có một điều lạ trong ký thuật: “Nhưng mỗi người đàn bà sẽ hỏi xin người nữ lân cận, cùng kẻ ở tạm nhà mình.” “Kẻ ở tạm nhà mình”, bản Anh ngữ từ “sojourneth” là “người tạm trú” hoặc “kẻ ở tạm nhà mình”, “sống chung nhà với mình”. Dù cách dịch như thế nào thì cũng cho thấy dường như có sự thay đổi sở hữu chủ. Người nô lệ ở trong nhà chủ Ai Cập giờ đây, Kinh Thánh xem họ là chủ trong nhà người Ai Cập, nơi mà họ làm nô lệ.
Khi một người được giải thoát khỏi nô lệ cho tội lỗi thì cũng như vậy. Tội lỗi không còn cai trị trong họ, thay vào đó họ trở thành người chủ cai trị tội lỗi. Phao-lô đã khẳng định điều này trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình. Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển.” (Rô-ma 6:11-14).
Ngày nay chúng ta học được gì qua phân đoạn Kinh Thánh hôm nay? Đấng Christ đã giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ cho tội lỗi, Ngài cũng lại ban ơn cho chúng ta. Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta cơ nghiệp lớn lao ở các nơi trên trời. Thư Ê-phê-sô 1:3-14 cho thấy mọi quyền lợi chúng ta có trong Đấng Christ. Khi có được quyền lợi đó, chúng ta làm gì để báo đáp lại ơn mà Ngài ban cho chúng ta? Trong hành trình ra khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên sẽ không ra đi tay không mà sẽ đem theo rất nhiều của cải. Trên linh trình về nhà đời đời của chúng ta, chúng ta cũng sẽ không đi tay không mà sẽ đem rất nhiều tài sản theo mình. Tài sản đó không phải thuộc về vật chất mà thuộc về linh hồn. Khi chúng ta ra đi lảm chứng về Chúa đem nhiều tội nhân thoát khỏi sự nô lệ cho tội lỗi. Đó là gia tài chúng ta có được để đem về nước thiên đàng đời đời, nơi chúng ta sẽ hưởng phước vĩnh viễn bên Chúa cùng với những người chúng ta đã đem họ về trong nhà Chúa.
Bạn đã nhận ơn Chúa, bạn nhớ ơn Chúa thế nào? Bạn sẽ làm gì để báo đáp ơn Ngài?
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi! Cảm ơn Chúa đã cứu con ra khỏi kiếp đời nô lệ cho tội lỗi, Ngài lại ban cho con mọi ơn phước dư dật từ các nơi trên trời. Xin giúp con biết ơn Chúa để tiếp tục tìm và cứu nhiều người cũng được thoát khỏi đời nô lệ cho tội lỗi. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
[1] https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/No-le-thoi-hien-dai—Nhung-cau-chuyen-co-that-ngoai-suc-tuong-tuong-i301707/
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét