Lu-ca, II Ti-mô-thê | Vẫn Không Có Chỗ Cho Chúa

Mừng Chúa Giáng Sinh

Bạn thân mến! Khi còn trong tuổi thiếu niên, tôi nghe kể câu chuyện: Một giáo sư muốn biết các sinh viên của mình nghĩ gì trong mùa Giáng Sinh, ông ra đề tài “Bạn nghĩ gì về Giáng Sinh?”. Sau khi các sinh viên nộp bài, ông xem từng bài, bài nào ông cũng lắc đầu thốt lên “vẫn không có chỗ cho Chúa”. Không phải ông không hài lòng về văn chương, nhưng không một ai đề cập đến ý nghĩa và mục đích Chúa Giê-xu Giáng Sinh. Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân rất vui mừng khi nhận thấy lễ Giáng Sinh trở thành một ngày lễ được toàn xã hội công nhận. Đi đâu cũng thấy cây thông Noel với những dòng chữ “Mừng Giáng Sinh”, “Mừng ngày Noel”. Là một Cơ Đốc nhân chân chính, bạn đáng mừng hay đáng lo khi nhìn thấy những điều đó? Hãy cùng trở về với Thánh Kinh Lu-ca 2:6-7 II Ti-mô-thê 3:1-5 là nơi bày tỏ câu chuyện Giáng Sinh đích thực.

Lu-ca 2:6-7 Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri đã đến. Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.

II Ti-mô-thê 3:1-5 Hãy biết rằng trong ngày sau rốt sẽ có những thời kỳ khó khăn, vì người ta… ưa sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời. Bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó.

Nhìn trong khía cạnh con người, chúng ta nhận thấy Lu-ca đã rất tinh tế trong việc chứng minh sự Giáng Sinh của Chúa Giê-xu khi ông đặt sự kiện này trên bối cảnh lịch sử. Nếu sự kiện lịch sử không có mặt trong câu chuyện Giáng Sinh thì đời sau sẽ cho rằng câu chuyện Giáng Sinh là một huyền thoại không có thật. Khi xã hội loài người không thể chối cãi một sự thật thì vì lòng vô tín họ biến sự thật có giá trị thành một điều tầm thường.

“Đang khi hai người ở nơi đó” là một thời gian không xác định, nhưng có lẽ cũng không chóng vánh một đôi ngày, bởi vì công tác hành chính kê khai dân số không phải là việc dễ dàng, nhanh chóng với quá nhiều người từ xa đổ về nguyên quán. Bản tường thuật của Lu-ca ghi “vì nhà quán không có đủ chỗ ở”. Từ điển Thánh Kinh giúp chúng ta có thể hiểu từ ngữ “nhà quán” trong thời Chúa Giê-xu, đó là một nơi nghỉ chân công cộng dành cho lữ khách thập phương. Nhà quán thường là một khoảng không gian rộng, có mái che và có một khoảng để cột súc vật của khách đi đường, có những chiếc máng đựng cỏ cho súc vật. Vào thời kỳ đó, phương tiện di chuyển của con người là những con la, con lừa hoặc lạc đà. Vì là nơi công cộng, ai đến trước thì dành một chỗ tốt, ai đến sau thì đành chịu chen chúc. Lòng con người rất chật hẹp, không dễ nhường nhau phần mình. Trong hoàn cảnh đó Chúa ra đời, và vì không còn chỗ để trải “manh chiếu hẹp”, nên Chúa đành phải được đặt trong máng cỏ. Chúng ta thường nghĩ rằng trong đêm Giáng Sinh không có ai, chỉ có bọn chăn. Nhưng trong cái không gian nhà quán công cộng có rất nhiều người, dù nhiều nhưng vì họ bận lo cho mình, không ai quan tâm đến Ngài. Chúng ta có cảm nhận được sự cô đơn giữa dòng người đông đúc không? Nếu có, đó là cái cảm nhận của Con Trời trong hoàn cảnh này.

Chúa Giê-xu Giáng Sinh theo dòng lịch sử đã qua 2023 năm rồi. Cả thế giới loài người đã biết, đã có lễ kỷ niệm việc Chúa Giê-xu Giáng Sinh. Bắt đầu vào tháng 12, người người nhà nhà bắt đầu phát thảo những kế hoạch cho kỳ lễ. Các cửa hàng nhập nhiều món hàng trưng bày cho ngày lễ, các nhà thờ họp lại bàn kế hoạch tổ chức như thế nào, ăn gì trong ngày lễ, ban hát chuẩn bị bài gì cho chương trình thật hấp dẫn, đường phố về đêm tràn ngập sắc màu lung linh, đâu đâu cũng nghe những bản nhạc Giáng Sinh êm dịu có, vui vẻ, rộn ràng có, đủ loại. Các băng rôn giăng giăng khắp nơi “Mừng Giáng sinh về”, “mừng Noel về”. Một người đứng ngắm tấm pano “Mừng Chúa Giáng Sinh”. Tôi hỏi: “Mừng Chúa nào vậy thưa ông?” Người đàn ông lật ngửa hai bàn tay về hai phía kèm theo cái nhún vai, vội vàng bỏ đi. Tôi hiểu ý nghĩa của cử chỉ đó, nó không lời nhưng lại nói “chả quan tâm”. Thế mới biết Lời Chúa soi thấu lòng người: “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt sẽ có những thời kỳ khó khăn, vì người ta… ưa sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời. Bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó.” Thật vậy, ngày nay không chỉ những con người bàng quan ngoài phố, cả những “con người tôn giáo” cũng bận rộn lo cho ngày lễ đến nỗi tấm lòng cũng chật cả. Mặc dù Hội Thánh nào cũng có tổ chức những đêm truyền giảng cho thân hữu, nhưng điều quan tâm là những con số đem vinh dự cho chi hội hơn là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.

Bạn ơi! Chúng ta đã nhìn vào lịch sử, chúng ta cũng đã nhìn vào con người, giờ là lúc chúng ta hãy nhìn vào chính lòng mình để trả lời “tôi đã dành cho Chúa một chỗ trong lòng mình chưa?” Đừng để câu nói “vẫn không có chỗ cho Chúa” lại rơi vào chính đời sống mình. Hãy dọn sạch lòng cho Chúa đến ngự, đừng để Chúa cứ nằm mãi trong máng cỏ mỗi năm, bạn nhé!

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-xu, Cứu Chúa của con! Xin hãy đến với con, con xin mở lòng mời Chúa ngự vào chính con, để đời sống con trở thành một bài thần ca làm vinh hiển danh Chúa. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa