Giăng | Lời Ứng Nghiệm & Hoàn Tất
Tuần Thánh
Bảy Lời Cuối Cùng của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá có một sức mạnh đặc biệt. Trong những ngày qua chúng ta đã đọc, suy ngẫm từng lời một và để từng lời vang vọng đi vào trong tâm hồn mình, khi đó chúng ta càng khám phá ra những giá trị cao quý của từng lời ấy như là những di ngôn mầu nhiệm của Đấng Cứu Thế để lại cho mỗi người chúng ta. Hai lời đầu tiên Ngài phán trong cương vị là Đấng Cứu Thế, Đức Chúa Jêsus bày tỏ tình yêu tha thứ và công bố sự cứu chuộc cho nhân loại, Lời Thứ Ba là sự uỷ thác bổn phận hiếu thảo của Ngài trong cương vị con người, Lời Thứ Tư là sự đau thương thống khiết trong tâm linh khi phải bị phân cách với Cha. Hôm nay chúng ta tiếp tục học và suy ngẫm Lời Thứ Năm và Thứ Sáu dựa trên Giăng 19:28-30. Hai Lời này được gọi là LỜI ỨNG NGHIỆM & HOÀN TẤT.
28 Sau đó, Đức Chúa Jêsus biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát.
29 Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm. Vậy, họ lấy một miếng bông đá thấm đầy giấm, buộc vào cây ngưu tất đưa kề miệng Ngài.
30 Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.
Lời Nói thứ Năm: “Ta khát”
Chúng ta có thể hình dung một khung cảnh u buồn và đầy kinh khiếp trong ngày đau thương đó tại đồi Gô-gô-tha. Giữa buổi trưa oi bức, với những tiếng rên xiết của những người bị đóng đinh phải vật vã với cơn đau đớn, tiếng khóc của những người đi theo Ngài, đặc biệt là những người phụ nữ đang xót thương cho Đức Chúa Jêsus, cùng với những tiếng la hét của những tên lính, tiếng chế giễu của những người đi qua đường cũng như những lời nhạo báng, thách đố của những lãnh đạo tôn giáo đang ở tại hiện trường để chứng kiến tận mắt nơi Chúa bị hành hình.
Sau ba tiếng đồng hồ bị treo giữa trời, với cái khát của một người máu dần cạn trong thân thể khiến Đức Chúa Jêsus thốt lên: “Ta khát” (Giăng 19:28) làm ứng nghiệm lời tiên tri được ghi trong Thi Thiên 22:15 – “Sức lực tôi khô như miếng gốm, Và lưỡi tôi dính nơi ổ gà; Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết.” Thật vậy, sự đau đớn thể xác mà Đức Chúa Jêsus đã chịu khiến sức lực của thân thể Ngài đã cạn kiệt. Lời kêu này cho thấy sự đau đớn tột cùng mà Đức Chúa Jêsus đã trải qua để trả thay tội lỗi chúng ta như lời tiên tri Ê-sai 53:5 đã nói: “Ngài đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương.” Tiếng kêu “Ta khát” nói lên sự đau đớn mà Chúa đã gánh chịu trong thân thể của Ngài trên thập tự giá. Khi Đấng đã từng phán: “Ta là nước hằng sống… Ai uống nước ta ban cho sẽ không hề khát nữa…” (Giăng 4:14) giờ đây lại thốt lên “Ta khát”.
Hai từ “Ta khát” mà Chúa thốt lên mang một ý nghĩa rất sâu xa. Một mặt, trong cương vị là con người thì đây là tiếng kêu phản ánh nhu cầu thân thể Ngài khi máu đổ ra nhiều khiến nước trong cơ thể cạn kiệt, mặt khác, trong cương vị là Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo đang kêu xin tình yêu của tạo vật Ngài đã dựng nên. Cái khát của Chúa không bao giờ hết. Ngài là Đấng Tạo Hóa, nhưng Ngài khao khát tình yêu của chúng ta. Đây cũng là lời kêu nài của Đức Chúa Jêsus cho bạn và tôi, chỉ có sự đáp ứng bằng tình yêu của chúng ta đối với Chúa mới làm thỏa mãn cái khát mà Ngài đã thốt lên nơi thập tự giá.
Lời Nói thứ Sáu: “Mọi việc đã được trọn”
Sau khi nghe lời kêu “Ta khát” của Đức Chúa Jêsus thì “tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm. Vậy, họ lấy một miếng bông đá thấm đầy giấm, buộc vào cây ngưu tất đưa kề miệng Ngài.” Giấm ở đây là loại rượu chua rẻ tiền mà quân lính hay uống và hành động này đã làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong Thi Thiên 69:21 – “Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, và cho tôi uống giấm trong khi khát.” Kinh Thánh ghi lại rằng: “Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.” (câu 30)
“Mọi việc đã được trọn” là lời công bố hoàn thành sứ mạng tình nguyện chuộc tội của Cứu Đức Chúa Jêsus cho tất cả nhân loại. “Mọi việc đã được trọn” trong tiếng Hy Lạp chỉ có một chữ là “tetelestai”, từ này có nghĩa là “đắc thắng”. Đức Chúa Jêsus chết nhưng là sự chết trong đắc thắng, giống như người được giải thoát khỏi bóng tối để bước ra ánh sáng, hay là người được ban mão triều vinh quang sau trận chiến, đó là tiếng reo mừng của người đã hoàn tất sứ mạng. Vì vậy, Đức Chúa Jêsus chết không phải là sự thất bại, mà Ngài chết trong sự chiến thắng với tiếng kêu đắc thắng trên môi Ngài. Chúa Cứu Thế đã làm trọn sứ mạng Cha giao trên đất.
Bạn thân mến, có khi nào bạn nghĩ đến sứ mạng của cuộc đời mình là gì không? Mỗi ngày đi học, đi làm hay đang làm một việc gì đó thì bạn có nhận biết được mục tiêu của những việc mình đang làm không? Nếu không thấy được mục đích và sứ mạng của cuộc đời mình thì chúng ta dễ dàng thả trôi cuộc đời khi có thử thách, khó khăn xảy đến. Khi đối diện trước những tranh chiến trong đời sống, thật được khích lệ khi nhớ lại rằng sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá là để chúng ta được sống, Ngài đã làm trọn sứ mạng của Ngài nên bởi thế mà sứ mạng của chúng ta cũng được làm trọn ở trong Ngài. Không điều gì có thể ngăn cản mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành trong chúng ta, đó là chúng ta được biến đổi trở nên giống như Đức Chúa Jêsus và sống yêu thương, phục vụ người khác như Đức Chúa Jêsus đã sống và phục vụ để hoàn thành sứ mạng của Ngài cho chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Đức Chúa Jêsus, con tạ ơn Chúa đã chết thay cho con trên thập tự giá. Nhờ công lao cứu chuộc của Ngài mà con được sống đắc thắng ở trong thế gian này. Xin giúp con biết ơn và sống xứng đáng với sự cứu rỗi Chúa ban cho và hoàn thành sứ mạng mà Chúa giao phó cho con, đó là hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Thế Jêsus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét