Lu-ca | Lời Yêu Thương Tha Nhân
Tuần Thánh
Cuộc đời trên đất của Đức Chúa Jêsus rất ngắn ngủi, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jêsus khởi sự chức vụ ở độ tuổi 30 và Ngài thi hành chức vụ trong khoảng 3 năm, Ngài không để lại một tác phẩm nào cho thế giới nhưng những việc Ngài làm, những phép lạ chữa lành tật bệnh, đuổi trừ tà ma, cùng những lời giảng đầy năng quyền đã được ghi lại còn có giá trị cho đến đời đời. Những lời phán của Đức Chúa Jêsus là những lời đầy năng quyền đã biến đổi biết bao cuộc đời. Mùa Thương Khó năm nay chúng ta cùng nhắc lại “Bảy Lời Nói Cuối Cùng” của Đức Chúa Jêsus trên cây thập tự. Thông thường những lời trăn trối của một người trước khi qua đời thường để lại những thông điệp quan trọng cho người ở lại. Vì vậy, “bảy lời nói cuối cùng” của Đức Chúa Jêsus bày tỏ những sứ điệp cốt lõi đầy sâu nhiệm của Đấng Thần Nhân Jêsus dành cho nhân thế. Hôm nay chúng ta cùng xem Kinh Thánh trong Lu-ca 23:33-43 và học biết về hai lời nói đầu, đây còn được biết như là LỜI YÊU THƯƠNG ĐỐI VỚI THA NHÂN.
33 Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó, cùng hai tên trộm cướp, một tên bên hữu Ngài, một tên bên tả.
34 Song Đức Chúa Jêsus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. Đoạn, họ bắt thăm chia nhau áo xống của Ngài.
35 Dân chúng đứng đó mà ngó. Các người coi việc nhạo cười Ngài, rằng: Nó đã cứu kẻ khác; nếu nó là Đấng Christ, Đấng Đức Chúa Trời đã lựa, thì hãy cứu mình đi!
36 Quân lính cũng giỡn cợt Ngài, lại gần đưa giấm cho Ngài uống,
37 mà rằng: Nếu ngươi là Vua dân Giu-đa, hãy tự cứu lấy mình đi!
38 Phía trên đầu Ngài, có đề rằng: Người nầy là Vua dân Giu-đa.
39 Vả, một tên trộm cướp bị đóng đinh cũng mắng nhiếc Ngài rằng: Ngươi không phải là Đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi cùng chúng ta nữa!
40 Nhưng tên kia trách nó rằng: Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao?
41 Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì ác.
42 Đoạn lại nói rằng: Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!
43 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.
Lời đầu tiên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (câu 34)
Đức Chúa Jêsus sau khi bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-nê, họ giải Ngài đi từ tòa công luận của người Do Thái đến trước tòa án của người La Mã, Ngài bị tra khảo trong đêm, bị vu cáo, bị sỉ nhục, bị nhạo báng, bị tra tấn, bị hình phạt đánh đòn với 40 roi móc sắt, thân thể Ngài bị tan nát, da thịt bị rỉ máu bởi đòn roi. Chúa còn phải mang vác thập tự giá đi đến nơi chịu hình đến nỗi Ngài không đủ sức để vác nên bọn lính phải tìm người cùng vác thập tự với Ngài. Người ta đã lột trần rồi đóng đinh Ngài trên cây thập tự.
Thật Chúa phải chịu bao nhiêu đau đớn, tủi nhục về cả thân xác lẫn tâm linh. Nếu là con người bị nạn một cách oan ức như Đức Chúa Jêsus hẳn chúng ta căm hận lắm và sẽ dễ dàng buông ra những lời nguyền rủa đối với kẻ thù. Dù là con người hoàn toàn nhưng Đức Chúa Jêsus không cư xử như con người chúng ta. Vì Ngài biết rằng đây là lúc Ngài phải thực thi sứ mạng của Ngài trên đất, bởi tình yêu nhân loại mà Chúa vui lòng gánh chịu mọi hình phạt thay cho con người tội lỗi chúng ta.
Thay vì nguyền rủa Ngài đã cầu thay và công bố sự tha thứ cho kẻ thù: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” Thật ra những kẻ tàn ác này biết họ đang làm điều gì nhưng họ thật sự không biết việc đại ác họ đang làm đó là giết hại Con Đức Chúa Trời. Chỉ có tình yêu mới đủ sự hy sinh và tha thứ mà cầu xin Đức Chúa Cha tha tội cho những người đang hành hình Ngài.
Lời cầu nguyện này cho thấy thẩm quyền tha thứ và cầu thay của Chúa cho mỗi một chúng ta, là những con người ngu muội không nhận biết chương trình cứu rỗi của Ngài mà còn chống đối, nhạo báng Ngài. Lời cầu nguyện này cũng chứng minh năng quyền sống động của những lời Ngài phán dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:44). Vậy bạn ơi, thay vì căm hận, trả thù thì Chúa muốn chúng ta yêu thương nhiều hơn, cầu nguyện nhiều hơn và tha thứ nhiều lần hơn đối với những người đang chống đối, vu cáo, trù dập, ganh ghét chúng ta.
Lời nói thứ hai: “Hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.” (câu 43)
Khi Chúa chịu đóng đinh thì bên trái và bên phải của Ngài có hai tên cướp cũng bị xử hình. Điều này ứng nghiệm với lời tiên tri Ê-sai 53:12 nói, Ngài “bị liệt vào hàng kẻ làm ác”. Với lời cầu nguyện và thái độ của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá khiến một tên cướp nhận ra sự gian ác của mình trong khi tên kia vẫn mắng nhiếc Ngài thì anh ta lên tiếng “trách nó rằng: Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì ác.” (câu 40-41).
Dù phạm tội trọng đến nỗi bị kết án tử hình, nhưng tên tử tội này có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Tên cướp này nhận biết anh ta là người có tội trước Đức Chúa Jêsus là Đấng vô tội, và đây là điểm khởi đầu lóe sáng lên trong linh hồn của anh, khiến anh ta bật lên lời cầu xin: “Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!” Đức Chúa Jêsus liền đáp ứng ngay lời kêu cầu của tội nhân: “Quả thật, Ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ ở với ta trong nơi ba-ra-đi.” Đây là một lời công bố cứu chuộc cho người nào nhận biết tội lỗi của mình, biết kêu xin sự tha thứ và cứu rỗi cho linh hồn mình.
Vậy thì bạn ơi, lòng nhân từ và sự tha thứ của Đức Chúa Jêsus vẫn làm thay đổi con người ngày nay, vì hễ ai có lòng kính sợ Đức Chúa Trời và nhận biết tội lỗi của mình thì người ấy có hy vọng được cứu chuộc, cho nên bất cứ lúc nào bạn nhận biết sự bất lực và sự phá sản thuộc linh của mình thì hãy lập tức kêu cầu Đức Chúa Jêsus, Ngài luôn là Đấng cứu giúp và đáp ứng sự cứu rỗi cho ai biết kêu cầu và phó thác cho Ngài.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu! Cảm tạ Ngài về sự tha thứ và ơn cứu chuộc của Ngài cho chính con. Xin cho con biết áp dụng tình yêu tha thứ và luôn biết phó thác cuộc đời mình trong tay Chúa. Con cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Jêsus Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét