Thi Thiên | Trung Tâm Điểm Của Đời Sống
Quý vị thân mến, nếu nhìn vào xã hội xung quanh của chúng ta, chúng ta thấy dù gián tiếp hay trực tiếp, con người đã tự đặt ra cho chính mình những “trung tâm điểm” hay mục tiêu, đích đến cho cuộc đời của mình. Đó có thể là phải kiếm nhiều tiền, hay là đạt đến một tầm mức sự nghiệp và danh vọng nào đó, hoặc là một tiêu chí hưởng thụ cuộc sống, nói chung là mỗi người hướng đến một chủ nghĩa nhất định nào đó của chính mình. Vì cái mục tiêu ấy mà nhiều người đã liều mình vì những cái trung tâm điểm giả tạo đó. Nói khác đi, con người trong xã hội ngày nay đang có khuynh hướng quên đi trung tâm điểm đích thực của cuộc đời mình. Trong thì giờ tĩnh nguyện hôm nay xin mời quý vị cùng tôi quay lại với Lời Chúa trong Thi Thiên 25:1-7 và cùng suy ngẫm xem TRUNG TÂM ĐIỂM CỦA ĐỜI SỐNG mình là gì.
1 Lạy Đức Giê-hô-va, linh hồn con hướng về Ngài.
2 Đức Chúa Trời của con ôi! Con tin cậy nơi Ngài. Nguyện con không bị hổ thẹn; Đừng để kẻ thù của con thắng hơn con.
3 Thật chẳng ai trông cậy Ngài mà bị hổ thẹn; Ngoại trừ những kẻ đang tâm phản bội.
4 Lạy Đức Giê-hô-va, xin cho con biết các đường lối Ngài và dạy dỗ con các nẻo đường Ngài.
5 Xin dẫn con trong chân lý của Ngài và dạy dỗ con, vì Ngài là Đức Chúa Trời, Đấng cứu rỗi con; Hằng ngày con trông đợi Ngài.
6 Lạy Đức Giê-hô-va, xin nhớ lại sự thương xót và lòng nhân từ của Ngài, vì hai điều ấy hằng có từ xưa.
7 Xin đừng nhớ các tội lỗi của con ở tuổi thanh xuân hay sự nổi loạn của con; Lạy Đức Giê-hô-va, xin nhớ đến con tùy theo sự thương xót và lòng nhân từ của Ngài.
(Kinh Thánh Bản Truyền Thống Hiệu Đính)
Ngay trong câu đầu tiên, tác giả là vua Đa-vít đã thốt lên rằng: “Lạy Đức Giê-hô-va, linh hồn con hướng về Ngài”. Đây là tư thế và phương cách cần thiết của một người cầu nguyện tập trung với lòng khiêm nhường và hạ mình. Linh hồn là nơi sâu thẳm của một con người và khi linh hồn hướng vào điều gì hay ai đó thể hiện mục đích sống của người đó. Và Đa-vít đã kinh nghiệm điều này. Ông đã hướng linh hồn mình vào Đức Chúa Trời. Vì nếu ông để lòng tin vào con người thì điều đó là vô ích vì chính những người anh của ông đã không biểu được ông, cho ông là người gian ác trong khi chính họ là gian ác (I Sa-mu-ên 17:28). Nếu Đa-vít nhờ cậy vào vua (lúc đó là vua Sau-lơ) thì ông chắc không toàn mạng sống vì Sau-lơ đã nhiều lần phóng lao giết ông (I Sa-mu-ên 18:10-11, 19:9-10).
Ngày nay linh hồn nhiều người hướng về thần linh giả dối hay vật chất, danh vọng tạm bợ nên không thể thấy thỏa lòng và bình an. Khi chúng ta đặt niềm tin và trông cậy vào tài sản, con người, thế quyền hay tà thần thì chắc chắn rồi chúng ta cũng bị hổ thẹn vì họ không thể giải cứu và giúp đỡ chúng ta được mà đôi khi còn ngược lại, những người mà chúng ta tin cậy sẽ trở nên thù nghịch với chúng ta hơn hết.
Tiếp theo trong câu 3 tác giả đã khẳng định: “Thật chẳng ai trông cậy Ngài mà bị hổ thẹn”. Đa-vít đã cầu xin và được Chúa nhậm lời một cách rõ ràng. Không bao giờ bị hổ thẹn khi tin cậy vào Ngài. Dù phải chạy trốn kẻ thù, dù gặp gian nguy tính mạng, dù kẻ thù bao vây tứ bề, dù người ta chế nhạo đi nữa, Chúa sẽ bênh vực cho. Ngược lại những người gian ác, những kẻ chế nhạo người kính sợ Chúa ắt bị hổ thẹn vì điều mình làm. Chúng ta là những người đang cầu nguyện phải biết chắc về điều mình cầu xin đã được nhậm.
Từ câu 4-7 là lời cầu xin Chúa dạy cho ông biết đường lối của Ngài. Con người dù ở trong địa vị cao trọng thể nào thì cũng phải nhớ là có một Đấng lớn hơn mình, vì vậy tư thế khôn ngoan của người ấy là khiêm nhường và có lòng tìm kiếm, học hỏi đường lối tốt lành của Đức Chúa Trời. Dù Đa-vít là vua của dân Y-sơ-ra-ên nhưng ông không tìm kiếm con đường theo ý muốn của riêng mình như bao người đang tìm mà ông hết lòng hướng về Chúa, trông đợi Chúa, bám theo Chúa, cầu xin Ngài dạy dỗ mình ngày và đêm. Tại sao như vậy? Vì ông muốn tìm con đường và chân lý của Đức Chúa Trời. Vì ông biết rõ ràng đường lối Chúa cao hơn đường lối con người, tư tưởng Chúa cao hơn tư tưởng con người. Chúa là mục tiêu, là trung tâm của đời sống ông. Ông tìm đường lối Chúa thông qua Lời hằng sống của Ngài, vì trong Lời đó dạy dỗ và chỉ dẫn cụ thể con đường sự sống để đến với chính Ngài. Chúa là trung tâm điểm của đời sống ông. Ngài là Đấng Cứu Rỗi, là Đấng Chân Thần. Với sự xưng nhận như thế cho thấy đức tin và sự trông cậy của Đa-vít nơi Chúa là thế nào. Chúng ta nên học theo gương Đa-vít thể này về tấm lòng biết tìm cầu Chúa mỗi ngày.
Tuy nhiên, Đa-vít biết rõ sự hạn chế và yếu đuối của một con người khi tìm kiếm và theo đuổi đường lối Chúa. Ông không cậy sự khôn ngoan mình, sự giàu có mình, địa vị cao trọng mình, hay sự thành công trong cuộc đời mình, mà ông trông cậy vào hai bản chất trường tồn của Đức Giê-hô-va. “Lạy Đức Giê-hô-va, xin nhớ lại sự thương xót và lòng nhân từ của Ngài. Vì hai điều ấy hằng có từ xưa.” (câu 6). Đa-vít không cầu xin Chúa nhớ đến mình vì sự làm công đức, sự theo Chúa lâu năm hay sự công bình mình, vì điều đó là luống công trước mắt Chúa mà thôi, giống như áo dơ bẩn trước mặt Chúa thánh khiết. Mà ông cầu xin ơn thương xót và lòng nhân từ Chúa đoái đến ông và giải cứu ông, dạy dỗ ông. Bởi lòng thương xót Ngài chúng ta được giải cứu khỏi tội lỗi và bao nhiêu cạm bẫy trên đời. Bởi lòng nhân từ Chúa mà chúng ta không bị diệt mất bởi những tội lỗi, yếu đuối mình. Bởi lòng thương xót và nhân từ đó Ngài cũng không kể những tội lỗi vô tình hay cố ý, và những tội lúc còn trẻ tuổi chưa nhìn biết Chúa của mỗi người. Ngài tha thứ hết khi con người biết tìm cầu Ngài, xin Ngài thương xót giống như những người trong thời Đức Chúa Jêsus đã từng cầu xin Chúa: “Lạy Jêsus, xin thương xót lấy tôi” hoặc như người thâu thuế cầu nguyện trong đền thờ: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội” (Lu-ca 18:13).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con bởi bao lâu nay con đã tự tạo cho mình một “trung tâm điểm” của đời sống mà quên mất đi Trung Tâm Điểm Thật của đời sống con là Chính Chúa, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Ban Sự Sống. Thì giờ này con lấy tất cả linh hồn mình về Chúa, là nguồn sống đích thực, là Trung Tâm Điểm duy nhất, nơi chúng con phát xuất và cũng là nơi chúng con sẽ trở về. Con cầu nguyện nhân danh Đức Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét