Ma-thi-ơ | Chúa Của Ngày Sa-bát

Bạn nghĩ gì khi nghe nói đến từ “ngày sa-bát”? Về mặt ngữ nghĩa, đối với một số người có lẽ hai từ này còn xa lạ. Muốn biết từ này cách cặn kẽ, chúng ta cần phải quay lại với nguồn gốc xuất phát của nó. Lời Chúa cho chúng ta hôm nay được chép trong Ma-thi-ơ 12:6-8.

6 Vả lại, ta phán cùng các ngươi, tại chỗ nầy có một đấng tôn trọng hơn đền thờ.
7 Phải chi các ngươi hiểu nghĩa câu nầy: Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ, thì các ngươi không trách những người vô tội;
8 vì Con người là Chúa ngày Sa-bát.

Kinh Thánh trong Sáng Thế Ký 2:1-3 cho biết, sau khi Đức Chúa Trời đã tạo nên muôn vật trong sáu ngày: “Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.” Cụm từ “ngày thứ bảy” được đề cập ba lần trong các câu trên. Từ “ngày thứ bảy” ở đây trong tiếng Do Thái, là tiếng mà Kinh Thánh Cựu Ước được viết ra, là từ “sa-bát”. Theo ý nghĩa rút ra từ những câu Kinh Thánh trên thì “ngày thứ bảy” hay “ngày sa-bát” có nghĩa là “ngưng làm việc và nghỉ ngơi” nhưng “nghỉ ngơi” ở đây không có nghĩa là Đức Chúa Trời làm nhiều nên mệt mỏi, mà có nghĩa là công việc sáng tạo của Chúa đã hoàn thành trọn vẹn như Lời Chúa phán “thật rất tốt lành”. Có ba đặc điểm về “ngày thứ bảy” này trong tuần lễ Chúa sáng tạo trời đất.

(1) Thứ nhất, ngày thứ bảy không đề cập đến “buổi chiều và buổi mai”, tức không có giới hạn như sáu ngày kia, vì vậy sự nghỉ ngơi của ngày Sa-bát không có giới hạn.

(2) Thứ hai, Chúa ban phước cho ngày thứ bảy. Trong sáu ngày kia không có sự ghi chép nào cho thấy Chúa ban phước cho ngày đó, nhưng Ngài thật đã ban phước cho ngày thứ bảy và Ngài khiến ngày này là một ngày phước hạnh.

(3) Thứ ba, khi ban phước cho ngày thứ bảy thì Đức Chúa Trời thánh hoá ngày ấy. Thánh hóa có nghĩa là “biệt riêng” ngày này ra với một mục đích đặc biệt của Ngài.

Ba câu Kinh Thánh vừa đọc trên có liên quan đến bối cảnh từ đầu đoạn 12. Đó là vào ngày sa-bát, khi các môn đồ của Chúa đi trên đường và vì đói nên họ bứt bông lúa mì ăn. Thế nhưng những người tuân giữ luật pháp cách máy móc, đó là những người Pha-ri-si, đã lên án Chúa và các môn đồ của Ngài không giữ luật ngày Sa-bát. Đức Chúa Jêsus đã dẫn chứng hai điều liên quan đến luật về đền thờ và luật ngày Sa-bát trong thời Cựu Ước để dạy dỗ những người chống đối về cách giữ luật pháp của Chúa. Trong phần Kinh Thánh hôm nay Chúa dạy hai nguyên tắc quan trọng liên quan đến luật lệ này.

1. “Lòng nhân từ hơn của tế lễ”

Sau khi nêu lên hai ví dụ liên quan đến luật đền thờ và luật ngày Sa-bát , Đức Chúa Jêsus bèn nói: “Ta phán cùng các ngươi, tại chỗ nầy có một đấng tôn trọng hơn đền thờ.” (câu 6). Mục đích của việc xây đền thờ là để cho người ta đến đó đặng thờ phượng Đức Chúa Trời. Những lãnh đạo tôn giáo này quá chú trọng vào phần lễ nghi, giáo điều đến nỗi đánh mất đi chủ đích của đền thờ là nhằm đưa người ta đến với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus muốn cho người Pha-ri-si biết rằng có một Đấng còn quan trọng hơn cả đền thờ, Ngài là Đấng mà Đức Chúa Trời sai xuống để qua đó con người đến với Đức Chúa Trời và chính Ngài còn có thể đưa người ta đến với Đức Chúa Trời hữu hiệu hơn là đền thờ. Đức Chúa Jêsus vượt trên đền thờ, các thầy tế lễ và những nghi lễ của đền thờ. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời, Đấng mà chúng ta thờ phượng, vốn quan trọng hơn các công cụ được chế tạo ra để dùng cho việc thờ phượng. Nếu chúng ta chú trọng vào các phương tiện để thờ phượng hơn là quan tâm đến Đấng mà mình phải thờ phượng, là chúng ta đánh mất chính Đức Chúa Trời mà mình tưởng rằng mình đang thờ phượng. 

Tiếp theo Chúa trích Lời Kinh Thánh Cựu Ước, Ô-sê 6:6: “Phải chi các ngươi hiểu nghĩa câu nầy: Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ thì các ngươi không trách những người vô tội.” Đức Chúa Jêsus cho thấy thái độ khắt khe, xét nét và thiếu yêu thương của người Pha-ri-si đối với các môn đồ của Ngài. Dù cho họ có sai phạm đi nữa nhưng thái độ lên án, buộc tội, bắt bẻ người khác là thiếu lòng nhân từ, là điều Đức Chúa Trời mong muốn hơn của tế lễ. Qua đây Chúa muốn nhắc họ và cả chúng ta về thái độ của tấm lòng chúng ta đối với Đức Chúa Trời là quan trọng những việc chúng ta làm. Chỉ khi chúng ta có tấm lòng hướng đến Đức Chúa Trời, là mục đích của sự thờ phượng và tôn thờ của chúng ta rồi thì chúng ta mới có thể vâng giữ và thực hành các quy tắc và lễ nghi thờ phượng đẹp lòng Ngài được.

2. “CON NGƯỜI là Chúa ngày Sa-bát”

Đức Chúa Jêsus kết luận bằng sự nhấn mạnh về nguồn gốc của ngày Sa-bát. “Con người” ở đây không phải chỉ chung loài người mà là danh hiệu của Đức Chúa Jêsus, Ngài là Con Đức Chúa Trời đã tạo ra ngày Sa-bát, và Ngài mới là Đấng có thẩm quyền tối hậu về ngày Sa-bát. Ngài chính là Đấng Sáng Tạo, và hiển nhiên Đấng Sáng Tạo bao giờ cũng lớn hơn vật thọ tạo, như thế Đức Chúa Jêsus có quyền trên các truyền thống và quy tắc đặt ra.

Trong sách Phúc Âm Mác khi ghi lại chuyện này, có một câu nhấn mạnh: “Vì loài người mà lập ra ngày Sa-bát, chứ không phải vì ngày Sa-bát mà lập nên loài người.” (Mác 2:27). Chúng ta thấy ý định ban đầu của Đức Chúa Trời khi dựng nên ngày Sa-bát là vì ích lợi của con người. Chúng ta cần nhắc lại Điều Răn Thứ Tư dạy rằng: “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh… trong ngày đó… chớ làm công việc chi hết” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-10).

Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian và Ngài đã thiết lập giao ước mới với cả nhân loại. Trong thời kỳ của giao ước ân điển thì Đức Chúa Jêsus là Chúa của chúng ta nên chúng ta không còn cần giữ luật lệ ngày Sa-bát nữa. Lời Chúa trong Rô-ma 14:5 rằng: “Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí minh.” Chúng ta không cần thiết phải giữ ngày, giữ tháng nhưng Đức Chúa muốn con người nghỉ ngơi để thờ phượng Ngài, qua sự thờ phượng chúng ta nhận được ơn phước tốt lành, được nuôi dưỡng về tâm linh và được phục hồi về sức khỏe sau 5, 6 ngày làm việc. Trong thời kỳ của Hội Thánh Đầu Tiên, các tín hữu cũng đến nhóm nhau lại vào ngày thứ nhất trong tuần, vừa để kỷ niệm công ơn Tái Sáng Tạo, tức là công ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jêsus, Đấng đã phục sinh, đắc thắng sự chết cách khải hoàn, vừa để thờ phượng Chúa, nghe giảng dạy và kỷ niệm về sự chết của Đức Chúa Jêsus qua Lễ Tiệc Thánh như Lời Chúa trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7 có chép: “Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh (tức là lễ tiệc thánh)…”

Ngày nay Cơ Đốc nhân chúng ta đã được giải phóng khỏi việc giữ luật trong ngày Sa-bát, nhưng chúng ta lại quên mất ý nghĩa thật sự của ngày nghỉ là “Đức Chúa Jêsus là chủ, là Chúa của ngày nghỉ” như Lời Chúa dạy trong điều răn thứ 4 “hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh”. Có nhiều người đã lạm dụng sự tự do để sử dụng ngày nghỉ theo ý riêng của mình. Nhiều Cơ Đốc nhân đã không dành một ngày nghỉ trong tuần để thờ phượng Chúa và nghỉ ngơi để cơ thể được phục hồi sức lực; không dành thời gian với gia đình và làm những điều tốt cho anh em trong cộng đồng. Chúng ta đã sử dụng ngày đó để làm thêm, để vui chơi, để làm những việc không đẹp lòng Chúa. Khi làm như vậy là chúng ta đã quên mất ai là Chúa, là chủ của ngày giờ và quỹ thời gian của mình và chúng ta đi ngược ý định tốt lành từ ban đầu của Đấng Sáng Tạo.

Bây giờ có một câu hỏi dành cho bạn: Bạn có luôn ưu tiên dành thời gian để nhóm lại thờ phượng Chúa và phục vụ người khác trong ngày của Chúa không?

Cầu nguyện

Lạy Cha nhân từ và giàu lòng thương xót! Con cảm tạ Chúa vì mọi điều Chúa ban cho chúng con đều tốt lành. Xin giúp con nhận biết Ngài là Chúa của mọi ngày tháng mà con có trong cuộc đời này. Đặc biệt xin cho con biết gìn giữ và biệt riêng ngày nghỉ để thờ phượng Chúa, hầu con được bồi bổ về sức khỏe thuộc thể lẫn thuộc linh, được trải nghiệm những thì giờ vui thỏa trong Chúa và với những người thân trong gia đình và anh chị em trong Hội Thánh. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa