Ma-thi-ơ | Thời & Kỳ
Nhà truyền đạo danh tiếng, cũng từng được gọi là nhà thông thái nhất từ cổ chí kim không ai sánh bằng là vua Sa-lô-môn. Trong sách Truyền Đạo ông đã tóm lược về bổn phận ưu tiên hàng đầu của con người là phải: kính sợ Chúa. Cũng trong sách này, có đoạn ông đã bày tỏ rằng, mọi thời điểm trên thế giới này thật ra đều có “kỳ định” trong chương trình của Chúa Toàn Năng. Cuộc đời con người cũng vậy, Đức Chúa Trời đều có kỳ định cho mỗi người khác nhau. Vậy nên chúng ta cùng xem xét lời dạy của Đức Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 12:15-21 về thời điểm và kỳ định này như thế nào.
15 Song Đức Chúa Jêsus biết điều ấy, thì bỏ đi khỏi chỗ đó; có nhiều người theo, và Ngài chữa lành cả.
16 Ngài cấm ngặt họ đừng cho ai biết Ngài;
17 để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng:
18 Nầy, tôi tớ ta đã chọn, Là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người, Người sẽ rao giảng sự công bình cho dân ngoại.
19 Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la, Và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái.
20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, Cho đến chừng nào người khiến sự công bình được thắng.
21 Dân ngoại sẽ trông cậy danh người.
1. Nhận biết thời điểm của Chúa để vâng phục trọn vẹn
Hiển nhiên, đối với Cơ Đốc nhân chúng ta thì chúng ta không nên xem đó là “số phận, vận mệnh hay định mệnh” như nhiều người thường nói là “giày dép đều có số thì con người không thoát khỏi”. Nhưng con cái Chúa phải nhận thức là mỗi thời gian đều là một thời điểm mà Chúa dành cho cho chúng ta nói riêng và thế giới nói chung. Cho nên, hãy nhận biết thời điểm của Chúa dùng vào việc gì thì sẽ biết mình cần phải chuẩn bị hay nên xúc tiến cho công việc gì. Nhất là biết thời điểm của Chúa để vâng phục cách trọn vẹn hơn.
Đức Đức Chúa Jêsus vốn là Đức Chúa Trời toàn năng, Ngài có thể làm bất cứ việc gì và bất cứ nơi nào, thời điểm nào. Thế nhưng, khi Ngài giáng sinh trên đất với vai trò là Đấng Cứu Thế để thi hành chương trình cứu rỗi nhân loại khỏi thế giới đầy bóng tối và tội lỗi, thì Ngài đã tiến hành theo từng thời điểm mà Cha đã hoạch định. Ngài khởi thi hành chức vụ công khai khi Giăng Báp-tít vừa làm xong phần dọn đường, dọn lòng con người. Đến khi ông bị bắt vào ngục vì lên tiếng phản ứng cho sự công bình của xã hội nhằm ngăn không cho vua Hê-rốt cố tình lấy vợ của em trai minh thì Đức Chúa Jêsus bước vào giai đoạn được mọi người ủng hộ và mến mộ. Dân chúng muốn tôn Đức Chúa Jêsus làm vua để lãnh đạo dân chúng khởi nghĩa giành lại độc lập từ tay đế quốc Rô-ma; nhưng Ngài đến trên thế giới với mục đích là làm Vua trong Nước Thuộc Linh, giải cứu linh hồn và thân thể của những con người đang bị làm nô lệ cho tội lỗi và Sa-tan. Bởi vì Chúa từ chối không chịu theo yêu cầu con người; nên Ngài bị họ ganh ghét vô cớ, còn những người cầm quyền lực và cán cân công lý luật pháp sợ mất ghế địa vị, mất tiếng tăm, mất quyền cai trị nên ra mặt chống đối Chúa và lập mưu để giết Ngài.
“Song Đức Chúa Jêsus biết điều ấy, thì bỏ đi khỏi chỗ đó” (câu 15) và Ngài đã quyết định chuyển từ việc rao giảng cách công khai, làm nhiều phép lạ cách công khai bằng cách làm việc âm thầm như lời đã chép trong câu 16 “Ngài cấm ngặt họ đừng cho ai biết Ngài”. Ngài vẫn tiếp tục chữa lành nhiều người bị bệnh, giải cứu nhiều người bị ma quỷ ám, giảng dạy nhiều về Phúc Âm nhưng sau đó Ngài phán họ hãy yên lặng chứ không đồn ra như trước. Tại sao vậy? Tại sao Chúa không dám công khai minh bạch? Lẽ nào Đức Chúa Jêsus lo sợ ám hại chăng? Hiển nhiên là không. Vì Đức Chúa Jêsus nhận thiết thời điểm của Cha chưa đến, Chúa phải âm thầm làm một số việc quan trọng để ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai đã chép về Ngài trong một giai đoạn của chức vụ thuộc về năm khổ nạn.
Cũng vậy, mỗi tôi con Chúa đều có những thời gian nhất định được cơ hội phục vụ Chúa. Đó là điều được Cha hoạch định trong chương trình đầy ân điển của Ngài. Vì thế, chúng ta cần cầu nguyện để sớm nhận biết thời điểm thích hợp của Chúa cho mình hầu có thể bắt đầu đúng lúc và kết thúc đúng hạn định. Trong thời điểm thi hành đó chúng ta cần hiểu rõ ý Chúa và chương trình tốt lành của Ngài để tự nguyện và vui lòng làm theo. Bởi vì, đó là điều tốt lành và cần thiết cho mỗi chúng ta là tôi con của Chúa, và Chúa là Đấng hoạch định sẽ thêm sức, thêm ơn, thêm can đảm để làm cho đến khi hoàn tất.
2. Sự âm thầm đúng thời điểm sẽ có kết quả
Trong suốt năm mến mộ, danh tiếng của Đức Đức Chúa Jêsus lên hơn diều gặp gió, khắp bốn phương ùn ùn kéo đến để được Chúa chữa lành và nghe Ngài giảng. Đến mức vua Hê-rốt và các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị xa gần đều tìm và muốn gặp Ngài. Thế nhưng đa số họ muốn gặp Đức Chúa Jêsus vì tò mò thắc mắc, vì muốn xem phép lạ hay vì dò xem Ngài có ý tạo thân thế làm phản hay tự xưng làm vua chúa để kéo dân chúng khởi nghĩa hay không? Và khi đến với Chúa thì Ngài khẳng định Ngài là Vua trong Nước Đức Chúa Trời và là Đấng Cứu Thế về phương diện thuộc linh. Nên họ bắt đầu hoặc thoái lui, hoặc là tìm cách tẩy chay Ngài.
Dù vậy, mục đích chính của Đức Chúa Jêsus không phải là để đối chất với họ việc nào đúng việc nào sai, vì Đức Chúa Jêsus đã nói rõ về căn nguyên của sự cứu rỗi trọn vẹn phải thông qua Ngài: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Cho nên, Đức Chúa Jêsus cũng không cần biện minh điều này điều kia khi người ta cố tình vu khống Ngài, cáo gian Ngài. Trái lại, Đức Chúa Jêsus chọn phương pháp là âm thầm làm việc cho đến khi sự công bình của Đức Chúa Trời được hoàn tất và đắc thắng. Chúa đã âm thầm trong hoạch định của Đức Chúa Trời để chịu khổ nạn, chịu thương khó, chịu chết qua con đường thập tự giá. Cho nên, Ngài thật là Đấng Cứu Thế cho cả nhân loại. Đức Chúa Jêsus chính là nguồn ban sự yêu thương, đức tin và hy vọng cho mỗi chúng ta nói riêng và thế giới nói chung.
Noi gương theo Đức Chúa Jêsus, mỗi tôi con Chúa chúng ta nếu nhận biết mình có những thời điểm gặp khó khăn trong niềm tin, bởi vì rao giảng chân lý cứu rỗi mà phải đứng trước sự chống đối công khai của nhiều người, bị nhiều sự vu cáo quá khắc nghiệt thì chúng ta không vì thế mà ngã lòng, bỏ cuộc; cũng không nhất thiết phải thanh minh, biện bạch cho mình. Song cứ âm thầm làm những công việc mà Cha giao phó cho mình cách trung tín. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nhớ rằng mọi việc mình đang làm là bởi sức lực Chúa ban cho nên phải hạ mình, khiêm nhường trước những kết quả có được. Cần phải giúp những người được chữa lành, được cứu rỗi biết ngợi khen và cảm tạ Đức Chúa Trời và sốt sắng sống cuộc đời được biến đổi chứ đừng ca ngợi, khen tụng cho cá nhân mình.
Chúng ta cần âm thầm làm việc Chúa giao phó. Nhờ ơn Thánh Linh mà rao giảng sự công bình cách thành thật; nhưng chẳng nên mạnh tay bẻ cây sậy đã gãy, chẳng nên hùa theo để thổi ngọn đèn leo lét gần tàn; mà cần phải nâng đỡ kẻ mồ côi, người góa bụa; và đem hy vọng cho người hết hy vọng, đem yêu thương cho người không còn tình yêu, đem đến niềm tin cho người không còn biết tin ai. Vì Đức Chúa Jêsus đã từng làm như vậy và kêu gọi chúng ta làm theo sự sai phái của Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Nguyện xin Chúa vùa giúp chúng con không ngã lòng, thoái chí khi sự chống đối và sự ganh ghét vô cớ của người xung quanh áp đảo chúng con khi biết chúng con là con cái của Chúa. Trong hoàn cảnh đó, xin cho chúng con biết khôn ngoan hơn trong việc âm thầm làm công việc tốt lành của Chúa giao phó cho đến khi việc công bình được chiến thắng và hoàn thành. Xin vùa giúp chúng con biết học và sống theo gương của Đức Chúa Jêsus trong năm chịu khổ nạn cho đến khi hoàn tất sứ mạng công bình Cha giao phó. Cảm tạ Chúa và cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét