Ma-thi-ơ | Việc Làm Của Sự Khôn Ngoan Thật
Là con người ai cũng muốn được gia đình, xã hội và cộng đồng công nhận năng lực của mình. Bởi thế nên người ta phấn đấu trong nhiều phương diện để được ghi nhận trong những công việc mình làm. Chẳng hạn một đứa trẻ trong lớp học mẫu giáo cố gắng ăn ngoan, ngủ giỏi để được cô giáo khen, một người làm công nhân cố gắng làm việc chăm chỉ để được làm quản lý, hay một ca sĩ mới vào nghề cố gắng luyện giọng để hát hay sẽ được nhiều người ủng hộ, các chính trị gia sẽ phải nỗ lực đưa ra những chính sách đổi mới trong các cuộc vận động để được ủng hộ bầu cử… nếu chỉ nghe nhận xét hay đánh giá của người khác thì sẽ có người này khen, kẻ kia chê, thời này được kể là anh hùng nhưng thời khác sẽ bị kể là tội đồ… Vì vậy những công nhận hay kết luận đó chỉ là nhất thời chứ chưa hẳn là giá trị đích thực. Mời bạn cùng suy ngẫm Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 11:16-19 để học cách làm những việc bày tỏ sự khôn ngoan thật.
16 Ta sẽ sánh dòng dõi nầy với ai? Dòng dõi nầy giống như con trẻ ngồi giữa chợ, kêu la cùng bạn mình,
17 mà rằng: Ta đã thổi sáo, mà bây không nhảy múa; ta đã than vãn, mà bây không khóc.
18 Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống, người ta nói rằng: Giăng bị quỉ ám.
19 Con người đến, hay ăn hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham ăn mê uống, bạn bè với người thâu thuế cùng kẻ xấu nết. Song le, sự khôn ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy.
Đức Chúa Jêsus khi còn tại thế, Ngài cũng đã bị người ta khen chê, so sánh những công việc và cách sống giữa Ngài và Giăng Báp-tít. Người ta đã không công nhận và đã tìm cách tẩy chai, lên án, phỉ báng, tố cáo cả Giăng và Đức Chúa Jêsus đủ điều bởi những công việc và cách sống của Giăng và của chính Ngài. Đức Chúa Jêsus rất đau buồn vì bản chất chai đá của con người, đến nỗi Ngài đã phải thốt lên rằng: “Ta sẽ sánh dòng dõi nầy với ai? Dòng dõi nầy giống như con trẻ ngồi giữa chợ, kêu la cùng bạn mình.” (câu 16). Chúa ví những con người của thời đó như những đứa trẻ lêu lỏng ngoài phố chợ, chúng chơi đùa và tranh cãi nhau: “Ta đã thổi sáo, mà bây không nhảy múa; ta đã than vãn, mà bây không khóc.” Vì trong cái nhìn của họ thì cách sống của Giăng Báp-tít và của Đức Chúa Jêsus dường như không hưởng ứng nhau, thậm chí trái ngược nhau. Họ chỉ trích Giăng “thổi sáo” nhưng Đức Chúa Jêsus “không nhảy múa” hay là lúc Giăng “than vãn” thì Ngài lại “không khóc” như sự đồng tâm hiệp lực với nhau. Thực tế thì Giăng kiêng ăn, ông chỉ ăn châu chấu và uống mật ong rừng, ông xem nhẹ việc ăn uống; còn Đức Chúa Jêsus thì họ chỉ trích Ngài ăn uống cách vui vẻ thân mật với bọn người thu thuế và những kẻ có tội. Giăng đã đến, sống cô độc trong đồng vắng, xa lánh xã hội loài người, có vẻ như trái ngược với Đức Chúa Jêsus, Ngài đến và hòa đồng với mọi hạng người, chia sẻ buồn vui với mọi người, thì họ cũng phê phán Ngài là kẻ ham vui, là bạn của phường vô lại mà người đàng hoàng không ai muốn tiếp xúc. Họ phê phán Giăng là điên khùng, bị quỷ ám bởi lối sống ẩn dật, lánh xa thế giới còn Đức Chúa Jêsus thì họ chỉ trích là sống phóng túng khi hòa mình vào xã hội. Cách nào họ cũng tìm được lý do để phê phán, chỉ trích.
Thật ra, những lời phê phán, chỉ trích này xuất phát từ những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ. Đó là những người Pha-ri-si và các chuyên gia về luật pháp, vì Đức Chúa Jêsus đã chỉ ra lối sống giả hình và ích kỷ của họ nhưng lại làm ra dáng vẻ đạo đức, công bình. Vì thế Chúa phơi bày thói giả hình, hai mặt của họ trước dân chúng khiến họ rất cay cú và tìm đủ mọi cách để hạ giá trị của Chúa trước dân chúng đang đi theo và ủng hộ Ngài. Họ đã bịt mắt, bịt tai trước lẽ thật. Điều đó cho thấy, con người vốn ích kỷ, khi người ta không muốn nghe sự thật vì sự thật đó phơi bày mưu đồ của họ thì họ sẽ tìm cách khích bác và phê phán lại.
Lời quở trách của Đức Chúa Jêsus trong đoạn Kinh Thánh hôm nay không chỉ dành cho người lãnh đạo Do Thái lúc bấy giờ mà còn cho bất cứ ai cứ mải mê chỉ trích, phê phán và luôn luôn tìm kiếm lỗi lầm của người khác để hạ thấp người khác thì đó cũng chính là sự che đậy những tội lỗi mà bản thân kẻ phê phán đã phạm. Nếu người ta đánh giá một người trên tiêu chuẩn người đó ăn gì, ăn với ai, ăn ở đâu thì đó chỉ là những cái thấy được bên ngoài mà không chú tâm vào sự công bình và lẽ thật. Qua đây, Đức Chúa Jêsus dạy một lẽ thật quan trọng: “Sự khôn ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy.” (câu 19). Mặc dù dân chúng lúc bấy giờ từ chối không thỏa mãn trong chức vụ của cả Giăng lẫn của Đức Chúa Jêsus, nhưng chức vụ của Giăng và Đức Chúa Jêsus đã chứng tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, và đó là sự khôn ngoan thật. Sự khôn ngoan này không phải theo tiêu chuẩn con người nhưng theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.
Từ khi Đức Chúa Jêsus đến thế gian cho đến bây giờ đã hơn 20 thế kỷ, nhưng lòng vô tín của con người vẫn đối nghịch với lẽ thật và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Người ta đã bất công trong việc chỉ trích phê phán Đức Chúa Jêsus, Lời Hằng Sống của Chúa và sự khôn ngoan của Ngài. Vô luận những tôi tớ Chúa hay con cái của Ngài sống ở thế giới này được biến đổi bởi quyền phép của Đức Chúa Trời như thế nào nhưng người vô tín vẫn luôn phê phán và khước từ lẽ thật và sự khôn ngoan vô hạn của Ngài.
Ngoài ra, sự chỉ trích và phê phán này không chỉ đối với kẻ vô tín mà thậm chí có những người tự xưng là Cơ Đốc nhân nhưng vẫn chưa tiếp nhận lẽ thật và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Họ chỉ chú trọng và phê phán hình thức bên ngoài nhưng không chú trọng đến nội dung của Phúc Âm. Những người này như trẻ con chơi ngoài đường phố, kiểu nào cũng không vừa lòng họ. Đến với Hội Thánh thì không muốn nghe Lời Chúa mà chỉ mục tiêu phê bình mục sư giảng hay, giảng dỡ, than phiền ban hát chơi nhạc kích động quá hay cách thờ phượng theo khuôn mẫu hoặc tự do quá… mà lại không chú trọng đến việc tìm kiếm Chúa và thờ phượng Ngài. Đây là những cản trở khiến họ không nhận được sự khôn ngoan thật, và đây cũng là nguyên nhân khiến hội thánh bị chia rẽ.
Điều này nhắc bạn và tôi đang đến với Hội Thánh Chúa với mục tiêu gì? Chúng ta có thấy mình nhận được sự khôn ngoan thiên thượng chưa? Nếu chưa thì điều gì cản trở chúng ta khiến không ra kết quả qua những việc làm của mình. Chúng ta cần xem lại mình có giống như những người bị Chúa quở trách như bọn trẻ ở phố chợ đang kêu la “bọn tao diễn trò vui, bay không thích, mà diễn trò buồn, bay cũng không ưa”. Xin lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh mỗi chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì đời sống con còn nhiều cay đắng, còn những suy nghĩ và thái độ cùng hành động tiêu cực như những lãnh đạo Do Thái giáo ngày xưa. Xin giúp con bỏ được tính hay phê phán, chỉ trích anh em mình và giúp con biết chú tâm nhìn xem Chúa, là Nguồn Cội của sự Khôn Ngoan, và cho đời sống con ra những kết quả của sự khôn ngoan thiên thượng. Nguyện mọi sự khôn ngoan, tôn quý, vinh hiển của Chúa đều thuộc về Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét