Ma-thi-ơ | Lời Nói & Tấm Lòng

Con người là loài thọ tạo duy nhất được Đức Chúa Trời ban khả năng truyền thông bằng lời nói. Vì vậy, lời nói đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người chúng ta. Trừ những người mất khả năng nói, tất cả chúng ta đều phải nói mỗi ngày. Người ta tính một người bình thường một ngày phải nói chuyện tối thiểu khoảng 30 lần và nếu tổng hợp những lời nói đó lại thì có thể đóng thành một quyển sách dày khoảng 50-60 trang. Mỗi năm lời nói của người ấy có thể chứa trong hơn 100 quyển sách, mỗi quyển dày 200 trang. Chúng ta sử dụng lời nói quá nhiều nên không có gì lạ khi chúng ta dễ dàng vấp phạm trong lời nói.

Kinh Thánh đề cập rất nhiều về lời nói. Tác giả sách Châm Ngôn có rất nhiều lời khuyên về lời nói, như: “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan.” (Châm Ngôn 10:19), “Sự buồn rầu ở nơi lòng người làm cho nao sờn; Nhưng một lời lành khiến lòng vui vẻ.” (Châm Ngôn 12:25). Trong thư tín Gia-cơ cũng bàn nhiều về cái lưỡi và sức mạnh của lời nói: “Nhưng cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết.” (Gia-cơ 3:8). Đoạn Kinh Thánh hôm nay trong Ma-thi-ơ 12:33-37 đề cập đến vấn đề này, Đức Chúa Jêsus cho chúng ta thấy tầm quan trọng của lời nói và chúng ta cần phải gìn giữ lời nói và môi miệng mình như thế nào.

33 Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.
34 Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.
35 Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác.
36 Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói;
37 vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.

1. Lời nói thể hiện tấm lòng (câu 33-35)

Trước hết, Đức Chúa Jêsus dạy cho chúng ta một nguyên tắc trong việc trắc nghiệm để có thể nhìn nhận cách đúng đắn và chính xác về con người. Chúa dùng ví dụ về trái và cây như Bài Giảng Trên Núi Ngài đã đề cập trong Ma-thi-ơ 7:17. Đức Chúa Jêsus phán: “Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.” (câu 33). Cây táo thì sinh trái táo. Cây cam phải sinh trái cam. Cây mít thì ra trái mít. Cây cam không thể ra trái mít và cây mít không thể ra trái táo được. Cũng một thể ấy, người ta được nhận biết bởi kết quả của việc mình làm. Chúng ta có thể nhìn thấy tính cách bên trong qua cách sống và lời lẽ mà người đó nói ra.

Nhưng, Lời của Đức Chúa Jêsus có tiêu cực quá không khi Ngài khiển trách rằng: “Hỡi dòng dõi rắn lục; bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.” (câu 34). Chúng ta cần phải hiểu bối cảnh của lời phán này. Trước đó người Pha-ri-si vu cáo Đức Chúa Jêsus khi Ngài đuổi quỷ và chữa lành cho người bị tà ma ám khiến bị đui mù và câm điếc. Họ đã phát ngôn bằng những lời phỉ báng đến thân vị của Đức Chúa Jêsus khi cho rằng: “Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi.” (Ma-thi-ơ 12:24). Không thể chấp nhận được sự vu cáo lố bịch và phi lý đó nên Chúa đã chỉ ra họ đã phạm thượng đối với Đức Thánh Linh khi khước từ những việc Ngài làm. Sa-tan đã đưa tội lỗi vào trong thế gian, từ đó sinh ra những dòng dõi gian ác nên trong lời phát ngôn của những người phơi bày tấm lòng xấu xa, vô tín của họ trước năng quyền của Đức Chúa Trời.

Tại đây, Đức Chúa Jêsus còn chỉ cho chúng ta thấy không chỉ biết tính cách của con người qua lời nói mà còn có thể thấy được tấm lòng sâu kín của người đó “bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”. Tấm lòng là ngai của ý chí và động lực sống của tư tưởng con người. Tấm lòng tiêu biểu cho nhân cách bề trong của một người. Lời nói ra cho thấy điều ấp ủ ở trong lòng. Bởi thế nên Châm Ngôn 4:23 đã dạy rằng: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” 

Tấm lòng là nguồn sự sống, nơi chứa tư tưởng, những điều ham muốn, tình cảm và mọi thái độ sống của một con người nên Đức Chúa Jêsus đã phán tiếp “người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác”. Có những tấm lòng là “nơi chứa điều thiện” nhưng cũng có những tấm lòng là “nơi chứa điều ác”. Người có tấm lòng “chứa điều thiện” thì tự nhiên phát ra những điều tốt lành, còn người có tấm lòng đầy dẫy việc ác thì hiển nhiên chỉ tuôn ra những điều ác mà thôi.

2. Hậu quả của “lời nói hư không” (câu 36-37)

Đức Chúa Jêsus phán: “Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói.” (câu 36). “Lời nói hư không” không chỉ là lời nói vô giá trị, thiếu suy nghĩ hay nông cạn mà còn là lời suồng sã, trơ trẽn, xúc phạm người khác. Câu này Đức Chúa Jêsus cho thấy chính vì lời nói của chúng ta mà chúng ta “sẽ khai ra” trong “ngày phán xét”. Chúng ta cũng cần nhắc lại, con người không được cứu hay chịu phán xét bởi lời nói hay việc làm của mình vì sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Tuy nhiên, lời nói và việc làm của chúng ta là bằng chứng của đức tin chúng ta nơi Ngài. Chúa khẳng định rõ rằng con người sẽ được xưng công bình hay bị phạt đều do lời nói của mình mà ra (câu 37).

Tại sao Đức Chúa Jêsus lại quy ra hậu quả nặng nề của lời nói như thế. Chúng ta thấy có hai điểm ở đây: Thứ nhất, trong lúc vô tình, con người dễ phát ra những lời nói thiếu suy nghĩ, qua đó chứng tỏ tấm lòng thật của người đó. Thứ hai, trong lúc nóng giận, không kiềm chế, người ta sẽ phát ra những điều thật sự chứa ở trong lòng mà lúc bình thường cố gắng dè giữ không nói ra. Có nhiều người biết giữ mình ra vẻ lịch sự, nhã nhặn, thận trọng trong từng lời nói nhưng khi không kiềm chế được hoặc những lúc ở nhà thì lại có những lời nói cay cú, cộc cằn, chỉ trích, phàn nàn… Một khi đã nói ra những lời tục tĩu, gây thương tổn cho người khác thì khó có thể rút lại được và gây ảnh hưởng, thiệt hại với những hậu quả khôn lường. Lời nói trong lúc giận hoảng hay vô ý bày tỏ con người thật nên đó là lý do tại sao mà Chúa cảnh cáo chúng ta cần phải cẩn thận giữ tấm lòng mình để không buông ra những “lời hư không” là thế.

Lời dạy của Chúa hôm nay là sự nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải xem xét kết quả của những lời nói và việc làm của mình. Môi miệng chúng ta thường thốt ra những lời lẽ nào thì đó là dấu chỉ cho thấy tấm lòng của chúng ta như thế ấy. Chúng ta cần giữ gìn tấm lòng của mình cẩn thận và tránh xa “mọi lời nói hư không” vì hậu quả của nó không chỉ phải chịu ở đời này mà cả trong cõi đời đời.

Tuy nhiên, chúng ta không thể tự giải quyết được vấn đề của tấm lòng mình. Để có một tấm lòng trong sạch chỉ bằng cách là để cho Đức Thánh Linh đổ đầy vào lòng chúng ta Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời từ đó mới có thể thay đổi động cơ và thái độ sống, lúc ấy tự nhiên lời ăn tiếng nói của chúng ta thoát ra những điều nhân đức, thiện lành và không thể có một lời dữ hay xấu xa nào ra từ miệng chúng ta được vì tấm lòng của chúng ta đã được thanh tẩy tận gốc rễ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tấm lòng con, nguyện xin Chúa Thánh Linh cai trị và biến đổi tấm lòng con. Xin Chúa giúp con biết gìn giữ tấm lòng của mình có thể phát ra những lời nói đẹp lòng Chúa, xin cho con tránh xa những lời nói hư không hay làm tổn thương người khác nhưng thay vào đó là những lời khích lệ và giúp ích cho người nghe. Con thật cảm tạ Chúa và cầu nguyên nhân danh Đức Đức Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa