Ma-thi-ơ | Chìa Khoá Nước Thiên Đàng

Chìa khóa là một công cụ được sử dụng để khóa hay mở ổ khóa. Chìa khóa được sử dụng phổ biến vì là một công cụ ít tốn kém mà vẫn có thể kiểm soát việc khóa mở cửa nhằm bảo vệ khỏi sự xâm nhập bất hợp pháp. Việc sử dụng chìa khóa là một phương pháp cũ, còn có nhiều điểm bất lợi nếu mất chìa khóa và công dụng của nó không hoàn hảo vì chìa khóa được thiết kế để dùng cho một ổ khóa nhất định. Hiện nay có nhiều loại khoá phong phú hơn, có thể không cần chìa khóa hoặc dùng kết hợp với mật khẩu hay những dấu hiệu liên quan đến dấu vân tay, mống mắt hay khuôn mặt để có thể mở được khóa. Nhưng có một loại chìa khóa đặc biệt, chìa khóa vạn năng đặt trên mỗi người mà chính bản thân của người đó cũng không biết tự thể mình là chiếc chìa khóa, đó chính là niềm tin vào Đấng Christ, Cứu Chúa của nhân loại. Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 16:17-20 có ghi:

17 Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy.
18 Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.
19 Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời.
20 Đoạn, Ngài cấm môn đồ đừng nói cho ai biết rằng Ngài, Đức Chúa Jêsus, là Đấng Christ.

Chúa đã dạy về chân lý này dựa trên lời tuyên xưng đức tin của Phi-e-rơ, và ông đã khẳng định “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Sau đó Chúa tuyên bố hai điều quan trọng sau:

1. “Ta lập Hội thánh trên đá này”

Trong câu nói “ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (câu 18) cho đến ngày nay có ít nhất là 4 khuynh hướng giải thích như sau:

Thứ nhất, theo Augustine thì chữ “đá” chỉ về chính Đức Chúa Jêsus. Và ý của Chúa Jêsus muốn nói là “ngươi là Phi-e-rơ, Ta sẽ thiết lập Hội Thánh Ta trên chính Ta đây là tảng đá. Những ngày kế đến đây, đức tin ngươi đã xưng nhận về Ta sẽ được loan báo rộng rãi, ngươi sẽ được tưởng thưởng và sẽ có vai trò lớn trong Hội Thánh”.

Thứ hai, tảng đá là “Chân Lý” qua sự xưng nhận “Chúa Cứu Thế Jêsus là Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Chân lý ấy được Đức Chúa Trời mặc khải cho Phi-e-rơ; bởi vì Chúa đã mở mắt tâm linh cho Phi-e-rơ khám phá ra chân lý mầu nhiệm giấu kín từ bấy lâu nay. Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng Mê-si hằng được trông đợi. Lời xưng nhận ấy chính là viên đá nền tảng cho niềm tin cùng tín ngưỡng của Hội Thánh Đấng Christ.

Thứ ba, viên đá chính là “Đức Tin” của Phi-e-rơ. Hội Thánh mang danh Đấng Christ được thành lập trên chính “đức tin” mà Phi-e-rơ đã tin và đã tuyên xưng cách công khai. Chính đức tin đó của Phi-e-rơ là tia lửa nhen nhúm cho đức tin chung của toàn thể Hội Thánh trên thế giới. Đức tin của Phi-e-rơ là động lực sơ khởi để về sau Hội Thánh phổ thông được thành hình và được cải cách cùng với khái niệm “đức tin”.

Thứ tư, Phi-e-rơ có tên với nghĩa là đá; nhưng ông không phải là tảng đá đủ để xây dựng Hội Thánh lên trên. Bởi nền tảng Hội Thánh được lập trên chính Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ được xưng nhận là Vầng Đá đời đời của mọi thời đại. Như vậy, Phi-e-rơ là viên đá được đặt đầu tiên của toàn thể Hội Thánh. Bởi vì Phi-e-rơ là người đầu tiên khám ra ra Chúa Jêsus là ai, ông là người đầu tiên khám phá một bước nhảy vọt trong đức tin khi nhận ra Chúa Jêsus là Đấng Mê-si và là Con Đức Chúa Trời hằng sống. Rồi những thời đại tiếp theo thì những ai tìm được chân lý như Phi-e-rơ đã nhận biết thì sẽ trở nên những viên đá kế tiếp xây lên ngôi nhà mang tên Hội Thánh Chúa Cứu Thế Jêsus.

Trong 4 cách giải thích trên thì mỗi quan điểm cũng có cái hay và cái chưa hay lắm. Chúng ta nên kết hợp với nhau để thấy sự đa dạng trong nhận thức về Chúa. Điều quan trọng hơn là chính tâm linh mình có thật lòng tin và thừa nhận Chúa là Cứu Chúa của đời mình không.

2. “Ta sẽ giao chìa khóa thiên đàng cho ngươi”

Điều kế tiếp mà chúng ta cần tìm hiểu là Chúa Jêsus giao chìa khóa thiên đàng cho Phi-e-rơ mang ý nghĩa gì? Trước hết, “chìa khóa” thường được hiểu mang ý nghĩa về một quyền lực đặc biệt nhưng Kinh Thánh Tân ước bày tỏ chỉ có Chúa Jêsus là Đấng xứng đáng cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ sau khi Ngài phục sinh (Khải Huyền 1:18), và Ngài cũng là Đấng cầm chìa khóa của sự sống. Ngài mở thiên đàng thì không ai đóng được, và Ngài đóng thì không ai mở được (Khải Huyền 3:7). Vậy thì, cũng như khái niệm “viên đá” và “tảng đá” ở trên thì Phi-e-rơ được giao nhiệm vụ quản gia của Nước Chúa trong thời kỳ đầu của Hội Thánh. Trong lịch sử Hội Thánh, vào ngày lễ Ngũ Tuần đầu sau khi Chúa Jêsus phục sinh thì ông là người quản gia đi mở cửa cho hơn ba nghìn người tin Chúa Jêsus là Đấng Christ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:41). Và cũng chính Phi-e-rơ là sứ đồ đầu tiên người Do Thái đi đến nhà Cọt-nây để giảng Phúc Âm cứu rỗi cho gia đình người Rô-ma ngoại bang, mở cửa Phúc Âm cho việc bắt đầu chính thức truyền giáo cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:1-48). Trong hội nghị đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem của Hội Thánh thời kỳ đầu, thì nhờ lời làm chứng tốt của Phi-e-rơ mà hội đồng đi đến kết quả là truyền giáo tự do cho mọi dân một cách công khai. Như vậy, Lời Chúa Jêsus hứa ban chìa khoá Nước Thiên Đàng cho Phi-e-rơ là ban cho ông cơ hội làm người tiên phong để khai phóng chương trình cứu rỗi cho mọi dân trên đất.

Nhưng chúng ta lưu ý chìa khoá Nước Thiên Đàng trong ý nghĩa này không chỉ ban cho một mình Phi-e-rơ để rồi sau này là căn cứ cho hệ thống Giáo Hoàng. Bởi trong Ma-thi-ơ 18:18 bày tỏ Chúa Jêsus ban cơ hội mở cửa thiên đàng với vai trò “buộc và mở” cơ hội cho người khác vào Nước Chúa cho tất cả các sứ đồ nói riêng, và trong Ma-thi-ơ 28:18-20 với sứ mạng của Chúa Jêsus ban cho toàn thể Cơ Đốc nhân nói chung.

Điều Đức Chúa Jêsus phán với Phi-e-rơ có thể tóm tắt trong cách dễ hiểu như thế này: “Hỡi Phi-e-rơ, giống như nghĩa của tên con là “viên đá” (petra) thì vai trò của con như là viên đá đầu tiên sẽ đặt trên chính Ta là “Vầng Đá” (Petros) vì con là người đầu tiên công khai xưng nhận danh xưng của Ta là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Con đã nhận được ơn lớn của Cha bày tỏ trong tâm linh ngươi. Cho nên, con sẽ là người liên kết với những kẻ tin và tuyên xưng đức tin giống như vậy. Các thế lực tối tăm và gian ác sẽ kéo đến dàn trận cùng những người tin Ta trong Hội Thánh mang danh Ta, nhưng chúng không thể thắng được. Bởi vì, chúng không thể giữ Ta mãi trong âm phủ và sào quyệt Sa-tan vì Ta sẽ phục sinh đắc thắng nó và lấy chìa khóa của sự chết và âm phủ để quản lý. Trong những ngày sắp tới, con như là người quản gia để mở và đóng những cơ hội về Nước Trời cho dân Do Thái, cũng như cho dân ngoại bang bước vào. Con sẽ làm người quản trị trụ cột của Hội Thánh để giải quyết những vấn đề quan trọng trong Hội Thánh sơ sinh được phát triển. Nhưng bây giờ thì hãy yên lặng, chờ đợi cho đến khi mọi việc được ứng nghiệm từng bước.”

Sứ đồ Phi-e-rơ tuy chưa khám phá hết chân lý quan trọng này, nhất là ông chưa biết “mão triều thiên nào cũng cần phải thông qua thập tự giá” nên điều Chúa Jêsus phán cho đến khi Ngài đã chết và sống lại mới được hiểu đúng, và nhất là trong thời đại của chúng ta. Không chỉ Phi-e-rơ đã được trao đặc quyền và trách nhiệm lớn lao đó; mà như điều ông ký thuật trong thư tín của ông thì ông chỉ là người tiên phong, nhưng nhiệm vụ đó Chúa giao cho tất cả mọi Cơ Đốc nhân như là những thầy tế lễ của Đấng Christ là Vua thiên thượng. Cho nên, mỗi người chúng ta cũng phải cùng các đầy tớ Chúa gánh vác quyền và trách nhiệm mở mang Nước Đức Chúa Trời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Nguyện xin Chúa kêu gọi và sử dụng chúng con là các tôi con của Chúa như dụng cụ tốt lành cho công tác cứu rỗi của Ngài. Đó là điều mà Ngài kêu gọi và ban cho người có đức tin chân thật nơi Ngài và vâng theo ý chỉ tốt lành của Chúa. Lạy Chúa, Ngài đã đại dụng Phi-e-rơ thế nào cho công tác cứu rỗi để nhiều người, nhiều dân tộc nghe được Phúc Âm của Chúa Jêsus thì xin Chúa tiếp tục kêu gọi và sử dụng chúng con ngày nay như Ngài đã dùng Phi-e-rơ và các sứ đồ. Chúng con nguyện vâng phục Ngài để được Chúa tin dùng mà giải cứu dân tộc Việt Nam chúng con, và các dân tộc khác nữa. Chúng con cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa