Ma-thi-ơ | Yên Lặng & Kiên Nhẫn

Có người đã ví cuộc đời như một trò chơi xếp hình những mảnh ghép của một bức tranh. Người nào cũng được phát 1000 miếng ghép, và ai cũng có một thời gian nhất định để hoàn thành bức tranh ấy. Có người mới đầu rất hứng thú với những mảnh ghép đầu tiên, có người lại chỉ tập trung ghép được một thời gian ngắn, có người ghép được nửa bức tranh… đa phần người ta không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu, rồi nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả vào nhau, đến lúc rối tung, mệt mỏi, chán nản, thắc mắc, phàn nàn rồi bỏ cuộc. Chỉ có người chịu khó kiên nhẫn, tận tụy, tập trung cho đến mảnh ghép cuối cùng. Để hoàn thành được bức tranh có đầy đủ 1000 mảnh ghép đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, yên lặng, tập trung vào mục đích mà mình đang làm thì mới có thẻ tận hưởng vẻ đẹp hoàn thành công trình của mình. Kiên nhẫn và yên lặng là hai đức tính cần có của mỗi Cơ Đốc nhân trên con đường đức tin bước đi với Chúa. Chúng ta cùng xem xét chủ đề này qua đoạn Kinh Thánh hôm nay trong Ma-thi-ơ 17:9-13.

9 Đang khi Đức Chúa Jêsus và môn đồ ở trên núi xuống, thì Ngài ra lịnh cấm rằng: Sự các ngươi đã thấy chớ thuật lại cùng ai, cho đến khi Con người từ kẻ chết sống lại.
10 Môn đồ hỏi Ngài rằng: Vậy thì sao các thầy thông giáo nói rằng Ê-li phải đến trước?
11 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật Ê-li phải đến mà sửa lại mọi việc.
12 Nhưng ta phán cùng các ngươi rằng: Ê-li đã đến rồi, và người ta không nhận biết, song họ lại xử với người theo ý muốn mình; Con người phải chịu khốn khổ bởi họ cũng như vậy.
13 Môn đồ bèn hiểu rằng Ngài nói đó là nói về Giăng Báp-tít.

Trước đó Chúa Jêsus đưa ba môn đồ thân tín lên núi, tại đó Ngài hóa hình trước mặt họ. Chắc chắn đây là một đặc ân vì chỉ có ba môn đồ này trải nghiệm được còn các vị khác không ai trải nghiệm được giờ phút vinh quang ấy của Chúa Jêsus. Lòng họ rất phấn khích, nóng nảy với trải nghiệm diệu kỳ này của Chúa, đến nỗi họ không muốn xuống núi. Thế nhưng Chúa Jêsus phải đưa họ trở về với thực tại, rằng đây chỉ là điều Chúa báo trước cho họ biết, Ngài còn phải trải qua con đường chịu khổ và chịu hy sinh cho đến cuối cùng thì Ngài mới nhận được sư vinh quang ấy. Điều tiếp theo mà các môn đệ phải học là “Ngài ra lịnh cấm rằng: Sự các ngươi đã thấy chớ thuật lại cùng ai” (câu 9).

Đây không phải là một lời khuyên mà đây là một cấm lệnh, tức là bắt buộc phải tuân giữ. Các môn đồ phải tuân giữ điều gì?

1. Yên lặng

Việc tách ba môn đồ đi riêng với Chúa đã là khó mà phải đảm bảo giữ yên lặng việc này với chín vị kia và với tất cả mọi người lại còn khó hơn. Họ không được phép nói cho đến chừng nào sự việc này được thực hiện. Đến thời điểm này thì các môn đồ đã nhận biết Chúa Jêsus chính là Đấng Mê-si và Ngài sẽ thực hiện sứ mạng của Ngài. Nhưng sứ mạng đó khác với sự hiểu biết và sự trông đợi của họ. Khi tuyên xưng Chúa Jêsus là Đấng Mê-si mà lại không biết, không hiểu được sứ mạng của Ngài là thế nào thì thật là nguy hiểm. Trong một vài lần trước đó, dân chúng đã tìm cách ép Chúa rồi lập Ngài làm vua để thực hiện theo ý muốn của con người nên Chúa Jêsus ngăn chặn việc này. Đến lúc này thì ba môn đồ thân tín đã chứng kiến điều này tận mắt với sự xác thực của vị tiên tri Ê-li và là nhà lãnh đạo vĩ đại Môi-se, cùng với sự xác tín của Đức Chúa Cha từ trời: “Nầy là Con ta, Người được lựa chọn của ta, hãy nghe Người.” (Lu-ca 9:35). Chúa Jêsus không đến với vai trò của một nhà lãnh đạo chính trị mà Ngài là Vua trong tấm lòng và trong tâm linh của chúng ta. Nếu câu chuyện này mà đồn ra với sự thiếu hiểu biết sai trật như thế sẽ làm hỏng cả một chương trình cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời.

2. Kiên nhẫn chờ đợi thời điểm

Đây là điều rất cần thiết. Ba môn đồ phải học bài học về sự kiên nhẫn và về thời điểm. Chúa Jêsus muốn họ kiên nhẫn chờ đợi khi thời điểm của Chúa đến. Thời điểm đó là khi nào? Đó là cho đến “khi Con người từ kẻ chết sống lại”, tức là đến lúc Chúa Jêsus phục sinh. Khi họ chứng kiến một Đấng từ kẻ chết sống lại thì họ mới được rao truyền cho thế giới.

Con người vốn dĩ rất thiếu kiên nhẫn, chúng ta thường muốn Chúa hành động cách nhanh chóng. Nhưng chờ đợi chính là một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng ta, để biết được chúng ta là ai, và chúng ta phải làm gì với những điều Chúa ban cho mình. Đó chính là một phần quan trọng trong tiến trình nhận biết chương trình của Chúa trên đời sống mình. Những ai Chúa muốn sử dụng nhiều thì phải trải qua thời gian chuẩn bị lâu hơn. Chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi lâu hơn để Chúa có thể bày tỏ chương trình lớn hơn và vinh quang của Ngài nhiều hơn trong đời sống của chúng ta.

3. Thắc mắc và giải đáp

Các môn đồ vẫn chưa hiểu được kế hoạch và chương trình của Chúa Jêsus, nên họ đã hỏi Chúa: “Vậy thì sao các thầy thông giáo nói rằng Ê-li phải đến trước?” (câu 10). Thực ra, đây là điều mà tiên tri Ma-la-chi đã cho biết: “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy.” (Ma-la-chi 4:5-6). Và Chúa Jêsus đã khẳng định về lời tiên tri này là đúng: “Thật Ê-li phải đến trước.” Tuy nhiên, Ngài tiếp tục phán rằng: “Ê-li đã đến rồi, và người ta không nhận biết.” Theo điều này thì Ê-li không đến bằng chính con người của Ê-li theo khái niệm mà người ta trông chờ, mà trong tinh thần của tiên tri Ê-li với một hình ảnh khác nên người ta “đã xử với người theo ý mình” vì thế Chúa Jêsus phán rằng: “Con Người phải chịu khốn khổ bởi họ cũng như vậy.” (câu 12). Đến lúc này thì các môn đồ “bèn hiểu rằng Ngài đang nói về Giăng Báp-tít” (câu 13).

Có thể nói, toàn thể quan niệm về người tiền phong và về Đấng Mê-si cần phải thay đổi tận gốc rễ. Vì thế, cần có thời gian dài mới thay đổi được quan niệm này. Người ta đều tin rằng trước khi Đấng Mê-si đến, tiên tri Ê-li sẽ trở lại và làm nhà tiền phong của Ngài. Vì vậy Chúa Jêsus đang sửa lại quan niệm đó. Chúng ta có thể hiểu điều Chúa giải thích ở đây “Ê-li phải đến mà sửa lại mọi việc, thật ra người đã đến rồi, nhưng con đường của người là con đường chịu khổ và hi sinh, cũng như con đường của Đấng Mê-si vậy.”

Chúa Jêsus đã dạy rõ ràng rằng, chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại không bao giờ là con đường dùng bạo lực để triệt hạ hay trừng phạt, mà đó là con đường dùng tình yêu hy sinh để thu phục lòng người. Đó là điều các môn đồ và tất cả chúng ta phải học biết, vì thế chúng ta phải yên lặng cho đến khi thực sự học biết được. Trước khi muốn rao giảng về Chúa Cứu Thế, chúng ta phải biết Ngài là ai? Mục đích của Ngài là gì? Sứ điệp mà Chúa muốn chúng ta mang đến cho thế giới và cho mọi người là gì? Vì thế chúng ta phải kiên nhẫn học hỏi và yên lặng chờ đợi cho đến lúc cần nói ra.

Các bạn thân mến, đời sống theo Chúa của mỗi Cơ Đốc nhân luôn cần có khoảng lặng học hỏi và kiên nhẫn chờ đợi. Có lúc cần mạnh mẽ, sốt sắng, nhiệt thành nhưng cũng có lúc cần kiên nhẫn chờ đợi Chúa bày tỏ và hướng dẫn. Bài học khó học đối với chúng ta ngày nay là sự kiên nhẫn và yên lặng. Có những việc chúng ta biết nhưng Chúa chưa cho phép nói thì chúng ta phải giữ yên cho đến thời điểm của Ngài. Trong lúc yên lặng đòi hỏi cần có lòng kiên nhẫn cho đến cuối cùng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Có những lúc con cần phải học sự yên lặng và chờ đợi vì chưa đủ sự hiểu biết về chính Ngài như ba môn đồ đã chứng kiến vinh quang của Chúa. Lòng họ sốt sắng muốn rao báo về vinh quang đó. Chúng con đôi khi cũng vội vàng chạy trước Chúa. Xin dạy chúng con học biết Chúa cách sâu nhiệm hơn, để mỗi ngày càng yêu Chúa hơn và chờ đợi đến thời điểm mà Chúa cho phép được nói ra. Chúng con thật cảm tạ Chúa và cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa