Ma-thi-ơ | Việc Chúa Hay Việc Người?
Vào thế kỷ 14 tại đại học Oxford nước Anh, có một vị giáo sư thần học tên là John Wycliffe, ông là một học giả lỗi lạc lúc ấy. Nhận thấy giáo dân hoàn toàn không biết đến Kinh Thánh, nên ông đã quyết tâm phiên dịch Kinh Thánh từ nguyên văn Hê-bơ-rơ và Hi Lạp ra tiếng Anh để phổ biến. Việc làm trong nhiều năm của ông đã bị mọi giới đương thời phản đối. Họ xem việc làm của ông là làm theo ý riêng, chỉ để thỏa mãn công việc nghiên cứu ông, và mọi người còn lên án ông là dụng cụ của ma quỷ, nên công việc dịch Kinh Thánh này bị liệt vào tà đạo. Vì người ta cho rằng Lời Kinh Thánh không thể biên dịch ra một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng La-tin, là tiếng mà chỉ được giới học giả và các giám mục nghiên cứu rồi giảng ra cho tín hữu. Ba mươi năm sau khi John Wycliffe mất, giáo hội vẫn còn tuyên bố ông là tà đạo. Mộ của ông bị khai quật, xương bị thiêu cháy và tro bị rải trên sông. Một sử gia đương thời đã viết về sự kiện này như sau: “Người ta thiêu cháy xương của Wycliffe, tro rải trên dòng suối. Con suối này đưa tro của Wycliffe ra sông Avon, sông Avon dẫn ra biển. Và như thế tro của thân xác John Wycliffe là biểu tượng cho tinh thần và những kết quả công việc của ông thấm dầm cho cả thế giới cho đến ngày nay.”
Việc phiên dịch toàn bộ bản Kinh Thánh ra tiếng Anh của John Wycliffe ban đầu người ta phê phán đó là việc của con người nhưng sau này người ta mới thấy đó là việc Chúa làm. Ông là người gieo những hạt giống đầu tiên của phong trào cải chính để Cơ Đốc nhân có thể học biết Phúc Âm bằng chính thứ tiếng mà chúng ta dễ hiểu nhất.
Chúng ta cùng đến với đoạn Kinh Thánh hôm nay trong Ma-thi-ơ 16:21-23, sau lời xưng nhận của Phi-e-rơ về Chúa Jêsus, Ngài là “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16) thì từ đó Chúa mới tỏ cho các môn đồ rõ hơn về chính mình Ngài và công việc của Ngài.
21 Từ đó, Đức Chúa Jêsus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.
22 Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!
23 Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phi-e-rơ rằng: Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.
1. Việc của Chúa
Chúa Jêsus đã từng phán trong Phúc Âm Giăng 4:34 rằng: “Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài.” Sứ mạng của Chúa Jêsus trên đất là tập trung vào chương trình của Đức Chúa Cha giao phó cho Ngài và làm trọn công việc đó. Giờ đây Chúa Jêsus muốn tỏ cho các môn đồ của Ngài biết những công việc Ngài cần phải làm trong thời điểm này.
– Ngài “phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem”, hiện tại Chúa và các môn đồ của Ngài đang ở thành Sê-sa-rê Phi-líp, tức là ở biên giới phía Bắc của xứ Do Thái, đây là nơi an toàn cho Chúa và môn đồ của Ngài vì những lãnh đạo Do Thái giáo âm mưu tìm cách bắt Ngài. Thế nhưng Chúa lại báo với các môn đồ của Ngài rằng Chúa phải đi lên thành Giê-ru-sa-lem là nơi có trụ sở Do Thái giáo và đền thờ đặt tại đó. Vì thế việc này là một điều mà các môn đồ thấy khó có thể hiểu nỗi tại sao Chúa phải làm việc như thế.
– “Phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo.” Chúa cho các môn đồ biết điều tiếp theo là Ngài sẽ đối mặt với các lãnh đạo tôn giáo. Khi nghe đến điều này có lẽ các môn đồ thắc mắc nhiều, trong khi hiện tại thì Chúa tránh đối diện với họ và Chúa cấm người ta đồn về danh tiếng của Ngài hay xưng Ngài là Đấng Mê-si thế mà giờ đây Chúa lại đương đầu với họ.
– “Phải bị giết”, mặc dù các môn đệ đã nhận biết Chúa Jêsus là Đấng Mê-si của Đức Chúa Trời. Đối với họ, Đấng Mê-si phải là một vị vua chinh phạt, quét sạch quân La Mã ra khỏi bờ cõi của đất Do Thái và mang đến sự chiến thắng cho dân tộc. Nhưng giờ đây Ngài lại báo cho họ biết rằng chẳng có con đường nào khác ngoài thập tự giá, chịu sỉ nhục và chịu chết. Đây là một việc làm khó có thể chấp nhận được theo quan điểm và sự trông đợi của các môn đồ và cả dân Do Thái. Các môn đồ của Chúa vẫn chưa lĩnh hội được chủ đích sứ mạng thật sự của Chúa Jêsus.
– “Đến ngày thứ ba phải sống lại”, đây là niềm hy vọng, là giá trị của niềm tin của Cơ Đốc nhân. Chúng ta tin Chúa vì biết rằng Chúa sống lại. Thế nhưng lúc bấy giờ các môn đồ không quan tâm đến điều này, họ chỉ nghĩ đến việc Chúa phải chịu sỉ nhục, mang thập tự giá như kẻ tội đồ là điều họ không thể chấp nhận được.
2. Việc của con người
Vì thế nên các môn đồ phản ứng ngay, mà tiêu biểu là Phi-e-rơ, người đại diện cho những suy nghĩ của các môn đồ. “Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” (câu 22). Thực ra Phi-e-rơ có ý ngăn Chúa vì ông muốn bảo vệ Ngài không phải chịu khổ như Lời Ngài tiên báo. Lúc ấy, Phi-e-rơ và các môn đồ đều cho rằng việc chịu khổ này là không đáng và Đức Chúa Trời sẽ không cho phép điều này xảy ra đâu. Đối với con người thì không ai muốn phải chịu khốn khổ, chịu hy sinh nhưng ai cũng thích được thoải mái và hưởng nhiều ích lợi.
Chúa Jêsus trách Phi-e-rơ rằng: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta.” Điều này không có nghĩa rằng Chúa bảo Phi-e-rơ là Sa-tan, mà Ngài muốn nói ý tưởng không chấp nhận thập tự giá là đến từ Sa-tan. Trong những cám dỗ tại sa mạc, Chúa Jêsus từng nghe Sa-tan bảo rằng Ngài có thể làm vua, được thế gian xưng tôn mà chẳng cần phải chịu chết. Ở đây Ngài lại được nghe cùng một bức thông điệp giống như thế từ Phi-e-rơ. Đối chiếu Lời Chúa phán với Sa-tan lúc kết thúc cơn cám dỗ trong Ma-thi-ơ 4:10: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra.” Còn lời Chúa Jêsus quở trách Phi-e-rơ: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta.” Tức là Chúa bảo ông hãy trở lại vị trí của ông làm môn đệ Chúa, chỗ của ông là đằng sau Chúa, bước theo Chúa chứ không phải là người dẫn đường và cản trở con đường của Chúa. Còn đối với Sa-tan thì Chúa đuổi “hỡi Sa-tan, hãy lui ra”. Sa-tan không bao giờ thuận phục Chúa, tính kiêu căng khiến nó không thể hạ mình làm theo ý Chúa. Chỉ nghĩ đến việc của con người chính là sự cám dỗ cho chúng ta.
3. Hãy nghĩ đến việc của Chúa, đừng nghĩ đến việc của con người
“Nghĩ đến việc Đức Chúa Trời” tức là thuận phục ý muốn của Chúa. Đức Chúa Jêsus là gương mẫu của sự thuận phục ý Cha. Vì ý muốn và mọi đường lối của Đức Chúa Trời luôn luôn tốt đẹp. Và Lời Chúa trong Giê-rê-mi 29:11 cho chúng ta biết: “Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa.”
“Nghĩ đến việc Đức Chúa Trời” là “ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất” (Cô-lô-se 3:2), tức là đặt để các ưu tiên về Nước Trời trong mọi sinh hoạt hằng ngày của ngày của chúng ta. Chúng ta cần chú trọng vào những việc có giá trị đời đời chớ không phải vào những giá trị ngắn hạn và tạm bợ.
Con người chúng ta dễ bị cám dỗ nghĩ đến những việc trước mắt, việc của chính mình hơn là nghĩ đến Chúa và công việc của Ngài. Chúa Jêsus vốn biết rõ Sa-tan đã đặt điều này trong Phi-e-rơ cũng như trong suy nghĩ của mỗi chúng ta. Đó chính là cái bẫy vô hình mà chúng ta khó nhận ra với ngụy tạo cho rằng những điều đó tốt hơn, thoải mái hơn, sung túc hơn, nhiều người ưa thích hơn… chứ không phải đi theo con đường khổ nạn như Chúa Jêsus đã đi. Vì thế để tâm trí và lòng chúng ta không hướng về những việc của con người là những ý tưởng xấu xa, ác độc thì phải làm đầy tâm trí mình bằng những tư tưởng đến từ Đức Chúa Trời, như lời khuyên của Phao-lô trong Phi-líp 4:8 rằng: “Phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” Cách tốt nhất để làm điều này là bạn và tôi cần thấm dầm tâm trí của mình trong Lời Ngài: “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa.” (Thi Thiên 119:11).
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu, là con người còn những suy nghĩ giới hạn, tầm nhìn thấp kém nên chúng con chỉ muốn làm theo điều mà chúng con cho là phải mà chưa thấy được những công việc lớn lao diệu kỳ mà Đức Chúa Trời hoạch định cho chúng con. Cầu xin Chúa cho chúng con luôn thấm dầm trong Lời Ngài hầu có thể thấu hiểu ý Chúa và những việc lớn lao của Ngài. Chúng con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét