Ma-thi-ơ | Tinh Sạch & Ô Uế
Trong tập hồi ký của Premanand, một người trong giai cấp thượng lưu của Ấn Độ giáo đã cải đạo tin Chúa và trở thành Cơ Đốc nhân, có đoạn ông viết: “Kể từ khi tôi quyết định tin Chúa Jêsus thì cả gia đình từ bỏ tôi và kể tôi là kẻ làm ô uế cả dòng họ. Một lần tôi quyết định trở về thăm mẹ tôi là người vẫn rất mực yêu thương tôi. Dù bà từng đau lòng vì nghĩ tôi đã bội đạo nhưng vì nghĩa tình máu thịt mà cho tôi về thăm mẹ. Thế nhưng, khi cha tôi hay tin tôi trở về thăm nhà thì ông đã ra lệnh cho Rum-rúp, là người bảo vệ của gia đình, không cho tôi vào nhà vì sẽ làm ô uế cả mọi thứ trong nhà. Tuy nhiên, mẹ tôi đã thuyết phục được người giữ cửa và tôi được vào nhà để gặp mặt bà. Dù vậy, họ nghĩ những nơi tôi chạm vào như chiếc ghế ngồi, những chén bát tôi ăn đã trở nên ô uế đến mức người giúp việc trong nhà không dám rửa mà phải đem đi bỏ như đồ rác rưởi. Người dì tôi đã lấy nước sông Hồng hòa với phân bò từ đền thờ Ấn về để tẩy uế chiếc ghế bành mà tôi đã ngồi khi vào trong nhà.” Có thể thấy quan điểm khác biệt về niềm tin tôn giáo đã khiến cho Premanand bị chính gia đình mình coi là ô uế, và mọi thứ mà ông đụng vào đều trở nên vật ô uế theo.
Tương tự như vậy, đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay trong Ma-thi-ơ 15:1-9 bày tỏ một điều vô cùng quan trọng trong Phúc Âm. Đó là sự khác biệt hoàn toàn về hai quan niệm giữa niềm tin của truyền thống tôn giáo với niềm tin theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.
1 Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si và mấy thầy thông giáo từ thành Giê-ru-sa-lem đến gần Đức Chúa Jêsus, mà thưa rằng:
2 Sao môn đồ thầy phạm lời truyền khẩu của người xưa? Vì họ không rửa tay trước khi ăn.
3 Ngài đáp rằng: Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền khẩu mình mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời?
4 Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn nầy: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại, điều nầy: Ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết.
5 Nhưng các ngươi lại nói rằng: Ai nói cùng cha mẹ rằng: Những điều mà tôi có thể giúp cha mẹ, đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi, thì người ấy không cần phải hiếu kính cha mẹ.
6 Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời.
7 Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi phải lắm, mà rằng:
8 Dan nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm.
9 Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.
1. Quan niệm ô uế liên quan đến niềm tin và giáo lý
Trước hết, câu chuyện tại đây không đơn thuần là quan điểm cá nhân của Chúa Jêsus và một vài cá nhân quá khích của phái Pha-ri-si. Mà đó là cuộc đụng độ rất nghiêm trọng về quan niệm niềm tin và giáo lý giữa một phía là Đức Chúa Jêsus – Đấng đến từ trời cùng các môn đồ theo Ngài, với một phía khác là hệ thống các nhà lãnh đạo chính thống Do Thái giáo bao gồm những thầy dạy luật Do Thái được đặc cách cử đi từ thủ phủ đền thờ Giê-ru-sa-lem đến xứ Ga-la-ti.
Cụ thể, phân đoạn này được khai mào với quan niệm về sự tinh sạch và ô uế. Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm rằng sự tinh sạch và ô uế ở đây chỉ liên quan đến vấn đề vệ sinh thân thể qua việc rửa tay trước khi ăn. Nhưng đó là vấn đề liên quan đến những lễ nghi nghiêm khắc, liên quan đến sự tinh sạch trong việc tôn thờ Đức Chúa Trời tại đền thờ. Các thầy thông giáo Do Thái cho rằng người nào không giữ đúng nghi thức tinh sạch thì không được đến gần và tôn thờ Đức Chúa Trời. Và sự ô uế này có thể lây từ người này sang người khác như một bệnh truyền nhiễm. Ban đầu những luật lệ tinh sạch này chỉ áp dụng cho những thầy tế lễ là người trực tiếp dâng của lễ trong đền thờ Giê-ru-sa-lem vì họ thay mặt dân sự mà trình dâng của lễ tinh sạch cho Đức Chúa Trời. Thế nhưng, phong trào thanh tẩy đền thờ của anh em nhà Mạc-ca-bê khởi nghĩa lật đổ đế quốc Hy Lạp đã diễn ra vào năm 165 TC. Trước đó, những người Hy Lạp gây ô uế đền thờ của Chúa trong việc dâng con heo trong đền thờ. Sau phong trào này, luật truyền khẩu về sự thanh tẩy và những luật lệ tinh sạch được làm thành một bộ luật tỉ mỉ hơn bao giờ hết, luật này áp đặt cho tất cả những người dân Do Thái và đó là tiêu chuẩn đánh giá về mức độ tin kính.
Chúa Jêsus đã phản bác lời buộc tội về quan niệm giữ hình thức bên ngoài này, mà cụ thể là nghi thức rửa tay trước khi ăn không phản ánh được niềm tin chân thật. Và Ngài đã dẫn chứng về sự hiếu kính cha mẹ đã bị họ áp dụng sai lời Chúa. Bởi theo luật truyền thống của Do Thái giáo, nếu đã lỡ “cô-ban” tức là có lời hứa nguyện dâng cho Chúa rồi thì dù cha mẹ khó khăn thế nào, dù hoàn cảnh có ra sao cũng không được giúp cha mẹ, không được báo hiếu cho cha mẹ. Điều đó khiến cho nhiều người theo đạo tìm cách tránh né bổn phận hiếu kính, nuôi nấng cha mẹ khi họ về già. Để hợp thức hoá sự vô trách nhiệm đó và tránh việc lương tâm bị cáo trách, họ đã nhờ các thầy Ra-bi cho họ sự xác nhận rằng, họ có lời hứa nguyện dâng tài sản này cho Chúa và đền thờ rồi, nên không phải thực hiện bổn phận giúp đỡ cha mẹ nữa. Đối với Chúa Jêsus thì đó là sự giả hình.
2. Quan niệm đối lập giữa hai hình thức thờ phượng
Thật ra, đây là một cuộc đụng độ, chạm trán nghiêm trọng giữa hai hình thức thờ phượng. Đối với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si Do Thái giáo thì việc tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và các lễ nghi bên ngoài như việc rửa tay đúng cách trước khi ăn là vấn đề nghiêm trọng, là tiêu chuẩn đánh giá mức độ tin kính và sự tinh sạch trong sự thờ phượng. Trong khi đó đối với Chúa Jêsus thì niềm tin và sự thờ phượng Đức Chúa Trời phải xuất phát từ trong tấm lòng và dựa trên Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời hằng sống. Đây là một khái niệm mang tính thuộc linh và ý nghĩa sâu sắc bên trong chứ không phải chỉ là biểu hiện bên ngoài với văn tự và hình thức nghi lễ. Nói cách khác, các ra-bi và thầy dạy luật Do Thái giáo cho rằng sự thờ phượng đúng đắn phải xét trên phương diện hành động, tức có làm đúng theo các nghi lễ với những luật lệ và hình thức quy định về luật tinh sạch thân thể bên ngoài hay không; còn Chúa Jêsus thì sự thờ phượng là phải ăn năn, dọn tấm lòng trong sạch với đời sống được biến đổi, biết tha thứ và yêu thương hay không.
Ngày nay, đôi khi chúng ta vẫn còn thấy có sự đối lập này trong nhiều hệ phái Cơ Đốc giáo trên thế giới và ngay trong Hội Thánh chúng ta sinh hoạt. Một phía bảo thủ cho rằng phải có một vị linh mục hay mục sư được thụ phong hướng dẫn thờ phượng cùng với các nghi lễ do giáo hội đặt ra thì mới gọi là sự thờ phượng nghiêm túc. Một bên cấp tiến cho rằng đó chỉ là những hình thức bên ngoài và bỏ qua mọi luật lệ để tiến hành việc thờ phượng bằng sự ngợi khen, dọn lòng mình để bước vào sự đón nhận Lời Hằng Sống của Chúa rao giảng.
Hiển nhiên, mỗi một hệ phái có những hình thức thờ phượng khác nhau. Nhưng điều quan trọng là Lời Hằng Sống của Chúa được rao giảng và được hiểu cách đúng đắn hay không. Nhất là mỗi tín hữu đã nghe thì có áp dụng thích ứng vào cuộc sống để bày tỏ sự biến đổi, đó mới là điều quan trọng hơn. Qua đây phản ảnh, người theo Chúa phải là người được thanh tẩy và biến đổi từ bên trong ra bên ngoài hơn là chỉ đổi hình thức bên ngoài mà thôi. Cũng vậy, mỗi Cơ Đốc nhân chúng ta thật sự cần tỉnh thức theo Lời Chúa dạy mà nhờ huyết Chúa Jêsus thanh tẩy tội lỗi bên trong lòng và biến đổi đời sống ra bên ngoài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin Chúa biến cải đời sống con từ bên trong tấm lòng để chúng con thật sự biết thờ phượng Chúa từ trong tâm linh. Cầu xin Chúa giúp chúng con coi trọng Lời Hằng Sống của Chúa hơn là những hình thức và nghi lễ rườm rà bên ngoài. Cảm tạ Chúa, con cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Jêsus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét