Ma-thi-ơ | Làm Trọn Luật Pháp & Lời Tiên Tri
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5:17-20
17 Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật-pháp hay là lời tiên-tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.
18 Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật-pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.
19 Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều-răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên-đàng; còn như ai giữ những điều-răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên-đàng.
20 Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công-bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công-bình của các thầy thông-giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên-đàng.
Lời ngỏ
Các bạn biết đó, ngôn ngữ Tiếng Việt của người Việt Nam chúng ta rất khó học đối với người nước ngoài. Một trong những cái khó được phản ánh nhiều nhất là cách phát âm. Bởi vì, trong ngôn ngữ tiếng Việt chúng ta có 6 dấu là sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và ngang; chỉ cần sai hay lệch một chút về dấu thì câu chữ xem như là hoàn toàn khác nhau về phát âm lẫn ý nghĩa.
Trong ngôn ngữ tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thuỷ chỉ có phụ âm mà không có nguyên âm; vì nguyên âm được ngầm hiểu trong tâm trí của người đương thời. Thế nhưng, ở thế hệ hiện đại từ thời Tân Ước, phải ghi vào những nguyên âm thì mới có thể đọc được. Nguyên âm trong ngôn ngữ tiếng Hê-bơ-rơ đa phần là những dấu chấm nhỏ hay nét nhỏ phía trên hay phía dưới phụ âm; cho nên chỉ cần lệch một chấm một nét là phát âm và ý nghĩa bị chênh lệch rất lớn.
Trong phân đoạn Kinh Thánh vừa đọc cho chúng ta thấy hai điều:
1. Đức Chúa Giê-xu đến thế giới để làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri và những điều luật pháp đòi hỏi theo đúng văn tự của giao ước
Trong quá trình tiến bước theo Chúa Giê-xu, nhiều Cơ đốc nhân vẫn còn ưu tư về điều mình nên làm hay không nên làm; nên giữ hay không nên giữ những luật lệ; nên sống hay không nên sống như những con cái Chúa thời Cựu ước từng sống? Và một trong những điều đó là việc có nên tiếp tục gìn giữ luật pháp mà Chúa truyền thông qua Môi-se nữa hay không?
Phần lớn con cái Chúa cho rằng hiện nay đã là thời Tân ước với giao ước mới, cũng được gọi là thời ân điển, cho nên đương nhiên không cần giữ luật pháp và điều răn luật lệ của thời Cựu ước nữa; bởi những người đó cho rằng luật pháp và lời tiên tri đã kết thúc cho đến hết chức vụ của Giăng Báp-tít. Nhất là có người căn cứ Cựu ước là giao ước cũ, và nếu cũ thì không còn tác dụng gì nữa cho thời Tân ước với giao ước mới.
Trong khi đó, những người giữ vững truyền thống cho rằng luật pháp và lời tiên tri trong Kinh thánh Cựu Ước vẫn còn tác dụng cho con cái Chúa. Bởi vì, truyền thống đức tin của thế hệ ngày nay luôn phải kế thừa truyền thống đức tin của con cái Chúa từ xưa. Chính vì thế mà Kinh thánh của chúng ta vẫn bao gồm cả Kinh thánh Tân Cựu ước, những bài học lịch sử của tuyển dân Do Thái cũng có thể áp dụng cho tuyển dân thuộc linh. Nhất là chính Chúa Giê-xu đã tuyên bố: “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.” Đức Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời đã hạ mình xuống thế giới này không phải để phá đổ luật pháp, nhưng Ngài đã làm cho trọn vẹn luật pháp.
Trong cuộc đời của Chúa Giê-xu trên đất thì Ngài đã làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri và luật pháp đã đòi hỏi theo đúng văn tự của giao ước. Chúa Giê-xu đã làm ứng nghiệm đến tận những chi tiết nhỏ của luật pháp và lời tiên tri.
Có nhiều điều mà chúng ta là Cơ đốc nhân ngày nay không cần làm nữa theo luật lệ giống như các con cái Chúa thời Cựu ước, chẳng hạn như phép cắt bì, hay dâng sinh tế động vật là bò, chiên, dê con giáp năm… Thật ra, Cơ đốc nhân chúng ta ngày nay đáng lẽ cũng phải làm như thế cho trọn luật pháp và lời Chúa đã phán dặn. Tuy nhiên, Chúa biết những hạn chế và yếu đuối trong xác thịt của chúng ta giống như các con cái Chúa thời Cựu ước; cho nên Ngài đã phải giáng sinh trên đất thành con người bằng xương bằng thịt để làm trọn vẹn mọi đòi hỏi của luật pháp tốt lành mà Ngài từng ban cho con cái Ngài tại núi Si-nai.
Như vậy, không phải chúng ta không làm theo luật pháp Chúa ban, nhưng vì Đức Chúa Giê-xu đã thay chúng ta làm trọn vẹn hết rồi. Điều còn lại chúng ta cần phải làm đó là hết lòng tin Đức Chúa Trời và nhờ cậy Đức Chúa Giê-xu là Đấng thay chúng ta làm trọn luật pháp. Chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin thông qua công lao cứu chuộc của Đức Chúa Giê-xu. Đức tin của chúng ta nơi Chúa không căn cứ trên khả năng và tài lực của chúng ta, nhưng căn cứ trên đức tin và sự trông cậy nơi Chúa Giê-xu.
Tuy nhiên, những luật lệ và điều răn trong cả Kinh thánh liên quan đến đạo đức, cũng như nếp sống đạo thì chúng ta tiếp tục theo gương của các anh hùng đức tin mà tuân giữ; chính Đức Chúa Giê-xu là gương mẫu tốt lành trong sự vâng phục Đức Chúa Trời để thực hiện trọn vẹn giao ước từng điều, dù một chấm một nét cũng không bỏ qua.
2. Đức Chúa Giê-xu làm cho trọn vẹn luật pháp & lời tiên tri theo tinh thần của Lời Hằng Sống
Tại sao Đức Chúa Giê-xu đã thường trách và phê bình những thầy thông giáo và người Pha-ri-si trong lúc Ngài thi hành chức vụ trên đất. Ngài trách họ không phải vì họ chối bỏ và không tuân giữ luật pháp; ngược lại họ tuân giữ rất khắt khe đến từng câu từng chữ trong điều gọi là luật pháp Môi-se. Thậm chí họ còn cụ thể hoá những điều luật chung thành những điều thực tế theo truyền khẩu cha ông để lại. Chẳng hạn như luật pháp quy định về luật ngày Sa-bát là “hãy lấy ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” thì họ cụ thể hoá trong ngày đó không ai được đi bộ quá bao nhiêu cây số, không mang vác quá bao nhiêu cân hàng trên vai, những dây những nút nào không được thắt… Vì luật truyền khẩu họ thêm vào đó được xem như luật pháp đương thời, cho nên họ trở nên những người quá khích khi bắt bẻ Chúa Giê-xu vì Ngài đã chữa lành nhiều người đau bệnh, hay bảo người bại đứng dậy vác giường mà đi để chứng tỏ được sự chữa lành ngay trong ngày Sa-bát.
Cho nên, Đức Chúa Giê-xu với danh hiệu là Ngôi Lời hay Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời đã đến trên đất này. Ngài đã thi hành một trong những chức vụ quan trọng là tái giải thích hay chỉ ra phương pháp thực hiện theo đúng nghĩa tinh thần của Lời Chúa đã được ghi chép thành Kinh Thánh. Một trong điều bày tỏ rõ ràng nhất là loạt bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu mang tinh thần siêu việt của Lời Chúa theo ý nghĩa thuộc linh chứ không theo văn tự.
Sứ đồ Phao-lô ngày trước là người theo phái Pha-ri-si cực đoan tuân giữ luật pháp theo văn tự rất rập khuôn, dẫn đến việc ông bắt bớ Hội thánh và những người theo Chúa Giê-xu. Nhưng khi ông gặp được Chúa Giê-xu phục sinh trên đường đi bắt bớ Ngài thì ông được thay đổi và trở nên người sống và làm theo Lời Hằng Sống trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Cho nên ông đã bày tỏ rằng: “Ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống.” (II Cô 3:6). Ngày nay, Cơ đốc nhân chúng ta cần tuân giữ Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời theo gương của Đức Chúa Giê-xu trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.
Vì vậy, là con cái Chúa, bạn và tôi cần nhờ cậy chính Chúa Giê-xu bởi Đức Thánh Linh đã giáng sinh, sống và làm xong mọi lời tiên tri cùng những điều luật pháp đòi hỏi theo đúng văn tự của giao ước về sự cứu rỗi. Và bởi đức tin, nhờ ân điển mà chúng ta được xưng công bình bởi đức tin để được sống và làm cho trọn vẹn luật pháp và lời tiên tri theo tinh thần và sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh về Lời hằng sống dành cho chúng ta là những người tin Ngài.
Sứ đồ Phao-lô là người từng bắt bẻ và đưa ra những luận cứ hùng hồn về ân điển vượt trên luật pháp và Cơ Đốc nhân được cứu bởi đức tin chứ không phải việc làm. Thế nhưng, ông cũng đã khẳng định “Vả, chúng ta biết luật pháp vẫn tốt lành cho kẻ dùng ra cách chính đáng” (I Tim 1:8). Tại đây, Phao-lô không có ý nói chúng ta phải tuân thủ theo luật pháp theo văn tự, nhưng bày tỏ luật pháp theo Thánh Linh vẫn là điều mà chúng ta phải tuân giữ. Chính Đức Thánh Linh giúp chúng ta sống trong luật pháp của giao ước mới khiến cho chúng ta trở nên Cơ đốc nhân tăng trưởng và làm đúng theo tinh thần của Lời Hằng Sống.
Cầu nguyện
Lạy Cha! Cảm tạ ơn Cha vì Ngài đã phán “Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời của Đức Chúa Trời còn mãi đời đời!” Chính Đức Chúa Giê-xu là Ngôi Lời đã đến thế gian để trực tiếp phán dạy chúng con và chỉ cho chúng con phương cách giải thích, để hiểu và áp dụng Lời hằng sống của Ngài. Và Đức Thánh Linh là Đấng tiếp tục ở cùng, dẫn dắt và dạy dỗ chúng con hằng ngày về Lời Ngài trong tinh thần thuộc linh đáng phải có. Nguyện xin Chúa đã cứu rỗi chúng con bởi đức tin thông qua Chúa Giê-xu là Đấng làm trọn luật pháp thì tiếp tục dẫn dắt chúng con làm trọn theo Lời hằng sống của Chúa để trở nên giống Ngài càng ngày càng hơn. Chúng con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét