Ma-thi-ơ | Lý Do Cơ Đốc Nhân Phải Tha Thứ

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 6:14-15

14 Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha-thứ các ngươi.
15 Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.

Lời ngỏ

Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi (Lev Nikolayevich Tolstoy) có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một lão hành khất kia đứng trước cửa nhà của một ông phú hộ để xin bố thí. Nhưng thay vì bố thí cho kẻ nghèo, ông phú hộ lại nhặt một hòn đá ném vào lão ăn mày để xua đuổi đi. Bị hòn đá ném trúng vào mặt, máu chảy đầm đìa, lão hành khất tức giận lắm, nhưng không làm gì được. Sau khi băng tạm vết thương, lão ta nhặt lấy cục đá ném mình cho vào bị, rồi tự nhủ: “Ta sẽ mang theo hòn đá này cho đến ngày hắn bị sa cơ thất thế. Bấy giờ ta sẽ dùng chính nó để ném trả vào mặt tên phú hộ kẹp kiệt kia”. Nhiều năm sau, lời rủa sả của lão hành khất đã thành sự thật. Vì biển thủ công quỹ, tên phú hộ đã bị bắt. Trong lúc lính đến vây bắt ông ta, thì lão hành khất kia cũng có mặt ở đó. Lòng căm hận ngày xưa giờ đây lại có dịp bùng phát trở lại. Lão ta cứ bám theo đám người áp tải kia, tay nắm chắc hòn đá năm xưa, chờ cơ hội ném tên phú hộ để rửa hận. Nhưng đến khi nhìn thấy gương mặt tiều tụy hốc hác của người này, thì một sự thương cảm lại nổi lên trong lòng lão. Lão tự nhủ: “Bây giờ thì tên phú hộ này cũng chỉ là một kẻ khố rách áo ôm còn khổ hơn ta. Hắn vừa mất hết tài sản, lại còn bị cùm trong ngục tối không biết đến khi nào. Như vậy là ông Trời đã trả báo điều dữ xưa mà hắn làm cho ta rồi. Vậy ta cần chi phải báo oán nữa?”. Nghĩ thế rồi lão hành khất buông tay ra cho hòn đá rơi xuống đất và bỏ đi nơi khác.

Thực tế cho thấy, việc tha thứ cho người khác không phải là điều dễ dàng. Lão hành khất của câu chuyện vừa kể đã không trả thù ông phú hộ vì thấy ông kia đáng thương, chứ không phải ông ta đã tha thứ thực sự. Vậy thì làm thế nào để có thể tha thứ cho người đã làm cho mình bị tổn thương?

Chúng ta hãy cùng tìm lời giải đáp và sự hướng dẫn từ lời Kinh Thánh hôm nay. “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:14-15)

Tại đây, Chúa Giê-xu đưa ra một lời cảnh cáo đầy kinh ngạc về sự tha thứ: nếu chúng ta không chịu tha thứ cho người khác thì Đức Chúa Trời cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta. Vì sao lại thế? Bởi khi chúng ta không tha thứ cho người khác là chúng ta phủ nhận việc mình vốn cũng là tội nhân cần được Đức Chúa Trời tha tội. Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta không phải bởi vì chúng ta tha thứ cho người khác mà chỉ vì lòng nhân từ thương xót lớn lao của Ngài. Một khi chúng ta nhận thức được tình yêu thương rất lớn của Đức Chúa Trời đối với mình thể nào thì chúng ta sẽ có ước muốn sống trong tình yêu thương của Chúa và xem đó như là phương châm sống của mình. Khi sống trong tình yêu thương của Chúa thì sự tha thứ là điều không thể tách rời được, như Lời Chúa trong Ê-phê-sô 4:32: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” Thật vậy, khi tha thứ cho người khác không chỉ vì cảm biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với mình mà còn là quyết định của một người tăng trưởng thuộc linh muốn trở nên một sự hợp nhất với Chúa Cứu Thế, Đấng vốn sẵn sàng tha thứ cả cho những kẻ đã đóng đinh Ngài vào thập tự giá.

Tuy nhiên, lý do khiến con người thấy khó tha thứ được là vì tha thứ là đồng nghĩa với sự thiệt thòi. Con người rất thích luật “mắt đền mắt, răng đền răng” trong luật pháp Cựu Ước vì có thể giúp người ta báo oán công minh. Nhưng chính luật công bằng này lại là nguyên nhân khiến cho con người càng lâm vào tình trạng hận thù và tranh chiến liên miên. Theo bản tính tự nhiên, con người chúng ta khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự hận thù và báo oán. Chỉ khi chúng ta tha thứ thì mới có thể cắt đứt được cái vòng thù hận lẩn quẩn kia, chỉ khi tha thứ thì bởi tình yêu thương, chúng ta mới có thể đánh tan băng giá của thù hận. Sự tha thứ sẽ làm cho tấm lòng thù hận và chai lì của kẻ thù trở nên mềm mại và rung động trước tình yêu thương. Khi đó con người mới có thể sống chung hòa bình và hạnh phúc thực sự.

Chúng ta đã biết nền tảng lời Chúa về sự tha thứ nhưng thực tế con cái Chúa phải làm gì để có thể thực hành sự tha thứ theo lời Chúa dạy? Điều này đòi hỏi mỗi chúng ta phải quyết tâm áp dụng một số tiến trình sau:

1. Có một sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-xu như nhánh nho luôn gắn kết với thân cây nho, như lời Chúa Giê-xu đã phán dạy “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:5). Một trong những kết quả của đời sống gắn kết với Chúa Giê-xu là có lòng tha thứ. Nhiều người cố gắng nỗ lực để tha thứ nhưng chỉ là tha thứ tạm thời và chỉ nói bằng môi miệng nhưng trong lòng vẫn chưa thể tha thứ được. Không có Chúa Cứu Thế, mọi nỗ lực của con người đều không có kết quả.

2. Sẵn lòng tha thứ cho người khác vì Chúa đã tha thứ cho bao tội lỗi của mình. Đừng để đến ngày sau rốt Chúa quở trách chúng ta rằng “Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? “ (Mathiơ 18: 32-33).

3. Xem kẻ có lỗi như người đang bị lầm lạc như lời Đức Giê-xu đã cầu xin Đức Chúa Cha tha tội cho những kẻ đã đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Luca 23:34)

4. Thường xuyên cầu nguyện theo Bài Cầu Nguyện Chúa dạy về sự tha thứ “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma-thi-ơ 6:12).
Bài học áp dụng: Các bạn thân mến, thiết nghĩ giờ này tôi và bạn mỗi người cần tự xét mình: tôi có thể tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình chưa? Hoặc ngược lại: tôi có làm điều gì khiến cho người khác thù ghét hoặc giận hờn mình không? Hay tôi cần làm việc gì cụ thể để biến thù thành bạn?

Chúng ta cần nên biết, tha thứ không chỉ là cách chúng ta đem đến một cơ hội mới, một khởi đầu mới cho người đã phạm lỗi lầm với mình, mà quan trọng hơn, đó chính là cách để chúng ta được giải phóng. Chỉ khi quyết định tha thứ hoàn toàn, chúng ta mới có thể trở nên hoàn toàn tự do khỏi mọi sự buồn giận và thù oán. Ngoài ra, chúng ta không chỉ tha thứ cho người khác mà còn tha thứ cho chính bản thân mình nữa. Đừng cầm giữ, hãy trao mọi gánh nặng của mình cho Chúa, cố giữ sự không tha thứ trong lòng không những không đem lại lợi ích, mà nó còn kìm hãm và hủy hoại cuộc sống của chúng ta. Vì thế, bất kể nỗi đau của chúng ta lớn đến mức nào, khi chúng ta trao phó điều đó lên cho Chúa và quyết định tha thứ, thì chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu thương, sự bình an, vui mừng và sức sống mới từ nơi Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót, xin đổ đầy tình yêu và sự bình an của Ngài vào tấm lòng chai đá và khô cằn của chúng con, để tình yêu thương ấy sẽ tuôn chảy trong con và tràn ra bên ngoài đến những người thân trong gia đình, lan ra ngoài xã hội và khắp nơi có thể nhận biết tình yêu và sự tha thứ của Ngài trong con. Xin giúp chúng con học nơi gương Chúa Giê-xu về lòng yêu thương và sự tha thứ vô điều kiện của Ngài, để chúng con luôn biết tha thứ cho người làm tổn thương con, nhất là cầu nguyện cho những kẻ đang thù ghét, bách hại chúng con hầu có thể làm chứng nhân tình yêu cho Chúa giữa thế giới hận thù này. Con cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa