Ma-thi-ơ | Tinh Thần Hòa Giải
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5:21-26
21 Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa-án xử-đoán.
22 Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa-án xử-đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca, thì đáng bị tòa công-luận xử-đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa-ngục hành-phạt.
23 Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình,
24 thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ.
25 Khi ngươi đi đường với kẻ nghịch mình, phải lập-tức hòa với họ, kẻo họ nộp ngươi cho quan án, quan án giao ngươi cho thầy đội, mà ngươi phải ở tù.
26 Quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi trả còn thiếu một đồng tiền, thì không ra khỏi tù được.
Lời ngỏ
Thông thường, những người càng gần nhau, càng thân thiết với nhau, càng có thời gian từng yêu nhau tha thiết, thì càng khó có thể tha thứ cho nhau, và khó có thể chịu ngồi lại để hoà giải khi có xung đột nghiêm trọng xảy ra. Đó là những điều tạo nên những thế hệ kẻ thù không đội trời chung. Do đó, để tránh những xung đột nghiêm trọng có thể xảy ra, chúng ta trước hết hãy phòng ngừa và hiệu chỉnh những việc nhỏ li ti trong cuộc sống, là những điều có khả năng phát tán thành những việc nghiêm trọng, hiệu chỉnh những suy nghĩ không tốt trong tâm trí trước khi nó trở nên những thành kiến không tốt.
Theo Lời Kinh Thánh hôm nay, có ba điều chúng ta cần thực hiện trong mối quan hệ với những người xung quanh.
1. Hiệu chỉnh từ việc nhỏ để khỏi xảy ra những hành động lớn đáng tiếc (5:21-22)
Chúng ta đã học biết rằng luật pháp và lời tiên tri trong Kinh thánh vẫn còn tốt lành đối với Cơ đốc nhân chúng ta trong nếp sống đạo hằng ngày. Đối với những con cái Chúa thời Cựu ước, hành vi phạm tội có bằng chứng và hai người làm chứng rõ ràng thì sẽ bị hình phạt trước toà án. Thế nhưng, Đức Chúa Giê-xu dạy môn đồ của Ngài rằng chúng ta hãy hiệu chỉnh ngay từ những việc rất nhỏ, từ khi nó còn ở trong tâm trí, hay còn trong suy nghĩ không tốt trong lòng. Chẳng hạn như việc giận hờn nhau, hay vô tình nói những lời chửi rủa nhau, nói nặng nhau như là “đồ điên”, “đồ đáng bị rủa sả”… Bởi vì, thân thể Cơ đốc nhân được gọi là đền thờ thánh nơi Thánh Linh ngự trị. Tấm lòng, tâm trí, và môi miệng của Cơ đốc nhân đã dâng cho Chúa rồi, nên giống như một dòng suối không thể vừa chảy ra nước ngọt vừa chảy ra nước đắng được.
2. Tinh thần tha thứ và hoà giải anh em với nhau
Có những việc con cái Chúa chúng ta vô tình hay cố ý phạm tội với Chúa cách kín nhiệm hay cách tỏ tường. Cho nên, khi chúng ta nghe tiếng phán và sự cáo trách của Chúa thì phải can đảm đứng ra xưng nhận tội lỗi và dâng của lễ để bày tỏ lòng ăn năn, thống hối. Nhưng bởi Đức Chúa Giê-xu đã cứu rỗi chúng ta bằng chính thân và huyết của Ngài nên chúng ta ngày nay chỉ cần nhờ công lao của Chúa mà được tha thứ và được hòa thuận với Đức Chúa Trời.
Bên cạnh đó, con cái Chúa chúng ta trong cuộc sống đời thường cũng không tránh khỏi sự va chạm gây sự giận hờn, oán trách với nhau; có những lầm lỗi vô tình hay cố ý. Cho nên, khi chúng ta đến với Chúa để nhận được tha thứ, thì chúng ta cũng phải đến gặp nhau để giảng hòa với nhau.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta đến với nhau để được Ngài tha thứ tội lỗi chúng ta, dù nó nhiều như thế nào thì quyền năng lớn lao của Chúa cũng đủ để tha thứ chúng ta. Nhưng Ngài cũng muốn chúng ta là người đã nhận được sự tha thứ rất lớn từ Chúa cũng phải biết tha thứ cho anh em mình là người đã gây tổn thương hay phạm tội cùng mình. Việc chúng ta phạm tội với Chúa được Ngài tha thứ giống như người kia mắc nợ một vạn ta-lâng được tha, còn việc chúng ta tha thứ cho người anh em mình thì chỉ là 100 đơ-ni-ên mà thôi. Lưu ý 1 đơ-ni-ê là 1 ngày làm công; còn 1 ta-lâng tương đương với 15 năm làm công.
3. Tinh thần không gây hận thù với những người xa lạ có ý chống nghịch chúng ta
Đức Chúa Giê-xu cũng dạy về tinh thần của con cái Chúa không nên gây sự hận thù, oán ghét hay kiện cáo với những người xa lạ, hoặc những người ở ngoài xã hội. Có thể họ vốn là người không chịu hạ mình hay tỏ mình hơn người mà gây áp lực cho người khác, hoặc họ có tính nói nghịch lại với người khác để chứng tỏ mình là người hiểu biết, hay muốn làm đầu người khác… Nếu chúng ta gặp phải những người có tính cách như vậy thì tốt nhất tìm cách lánh xa những lời cãi lẫy và kiện cáo với họ để khỏi bị những thiệt hại cho bản thân. Và cho dù chúng ta có những bằng chứng để tranh cãi giành phần thắng hơn họ đi nữa, thì hãy biết rằng danh của Chúa bị tổn hại nhiều. Những người đó là người có tính hay tranh cãi, sử dụng luật rừng và cãi bướng nên họ lợi dụng chúng ta mà sỉ nhục Chúa, phê phán Hội thánh Chúa và chửi rủa chúng ta không biết ngượng miệng.
Chúng ta dù sao cũng nên lập tức làm hoà với họ để giảm thiệt hại về của cải vật chất, về sự tổn thương của tâm hồn, và sự đau thương trong tâm linh. Sự làm hoà đó không có nghĩa là chúng ta thất bại và bị họ dắt mũi; nhưng sự làm hoà đó là để danh Chúa không bị họ lợi dụng mà nói xấu, và đó cũng là cơ hội để bày tỏ chúng ta là con cái Chúa luôn chuộng sự hòa thuận hơn là việc tranh cãi hơn thua.
Bên cạnh đó, chúng ta nhận biết rõ từ khi chúng ta tin cậy Chúa thì toà án lương tâm mà Chúa đặt để trong chúng ta được hồi phục, chúng ta sẽ không bị hổ thẹn trước Chúa. Tòa án lương tâm của con cái Chúa luôn luôn tốt hơn toà án xã hội. Vì toà án lương tâm của con cái Chúa đem lại sự cáo trách và tha thứ; trong khi toà án xã hội dẫn đến sự hình phạt và đoán xét mà thôi.
Bạn thân mến, bài học về sự tha thứ và sự hoà giải là bài học phải trả bằng những tổn thương, thiệt hại và cả những giọt nước mắt. Có thể bạn đã từng bị tổn thương và thiệt hại nhiều trong mối quan hệ với người xung quanh, nhưng qua lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta xin Chúa cho có đủ sức để chịu đựng những tổn hại, tổn thương đó về mình để đem đến sự hòa giải, còn hơn là giành được những lợi ích trước mắt về mình mà làm tổn hại danh Chúa, rồi gây nên thù hằn, oán giận gia tăng đến nỗi phải đưa nhau ra toà xét đoán và phần nhiều thì danh Chúa bị tổn thương và phúc âm cứu rỗi của Chúa bị ngăn trở bởi những sự bất hòa đó.
Cầu nguyện
Lạy Cha! Cảm tạ Chúa đã vì tình yêu thương vô bờ bến của Ngài đã chuộc mua tội lỗi chúng con bằng chính thân và huyết của Ngài. Khi chúng ta biết hạ mình xuống ăn năn thì nhận được sự tha thứ của Chúa cho chúng con. Hôm nay, xin Chúa vùa giúp chúng con biết hiệu chỉnh, sửa đổi những điều còn trong tâm trí, còn trên môi miệng chúng con để hạn chế những sự phát sinh những điều giận hờn, oán trách, thù ghét, thưa kiện lẫn nhau. Xin Chúa đầy ơn trên chúng con để sự hoà giải giữa các anh chị em, bạn hữu chúng con được có hiệu lực, sự hoà giải với người bên ngoài xã hội cũng nhanh có tác dụng trước khi quá trễ mà gây tổn hại đến danh Chúa. Chúng con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét