Ma-thi-ơ | Phước Cho Người Hay Thương Xót (5)

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5:7

Phước cho những kẻ hay thương-xót, vì sẽ được thương-xót!

Lời ngỏ

Quý thính giả thân mến, khi nghe nói đến hai chữ “thương xót” thì trong tâm trí bạn suy nghĩ đến điều gì? Đa số người ta sẽ liên tưởng đến một người ăn xin (ăn mày) đang ngồi co ro trong chiếc áo rách nát, thân hình tiều tụy xin được giúp đỡ. Vì lòng thương cảm trong lương tâm của chúng ta mà dẫn đến quyết định bố thí cho người đó ít tiền lẻ trong túi, hay ít thức ăn dư thừa của mình. Nhưng đó là sự “thương hại”, không phải “thương xót”. Nhà thần học Thomas Watson cho rằng sự thương hại thuộc về nguyên lý của lương tâm, là đạo đức căn bản của con người đối với đồng loại trong hoàn cảnh bi thương cùng khốn. 

Nhưng sự thương xót là điều rất cao trọng và rất khác biệt với khái niệm trên. Sự thương xót là thuộc tính của tình yêu thương. Thương xót là nguyên lý tâm linh của tấm lòng Đức Chúa Trời ban cho con người để có sự liên hiệp với Ngài, sau đó để con người có được tình thương mà chia sẻ cho nhau cách chân thật từ bên trong sâu thẳm của tấm lòng.

Sự thương hại tương tự như việc giúp đỡ hay ban cho người khác một số vật chất trong hoàn cảnh thiếu thốn của họ như Châm ngôn đã nói: “Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người.” (Châm 19:17). Còn sự thương xót là sự ban cho cách miễn phí bằng chính tấm lòng của mình mà không tiếc nuối. Sự thương xót của Đức Chúa Giê-xu được biểu hiện với từ “động lòng trắc ẩn” khi Ngài nhìn thấy dân chúng lầm lạc, đây là sự đụng chạm đến tận đáy lòng với sự cảm thông sâu sắc đối với con người và tìm cách giải quyết tận gốc rễ của sự đau buồn. Chúa đặt sự đau khổ của con người là vấn đề của chính Ngài, và với tình yêu thương lớn lao, Ngài tự nguyện hy sinh chính mình để giải quyết vấn nan giải của con người.

Có những lý do mà Cơ đốc nhân cần phải bày tỏ sự “hay thương xót” vì đó là duyên cớ để Đức Chúa Trời sáng tạo ra con người trên đất, để con người sống trong tình yêu và biết yêu thương. Sự thương xót này cũng là đức tính thể hiện ảnh tượng của Đức Chúa Trời, và đây cũng là món quà Chúa ban cho con người thông qua thiên nhiên, mùa màng, thì tiết để con người vui hưởng. Vì thế chúng ta cần bày tỏ sự cảm tạ và biết ơn Chúa bằng tấm lòng hay thương xót đồng loại mình. Khi chúng ta có lòng hay thương xót là thể hiện đức khiêm nhường trong đời sống, là biết quan tâm và xem xét đến những phúc lợi của người khác chứ không chỉ chú tâm đến phúc lợi của bản thân mình.

Đức Chúa Trời hứa ban thưởng hay ban phước cho người “hay thương xót” là “được thương xót”. Cụ thể trong Thi 41:1 Chúa phán “Phước cho người nào đoái đến kẻ khốn cùng! Trong ngày tai họa Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu người.”. Đây là lời hứa bảo hộ của Chúa ngay cả những lúc gặp tai ương. Không những thế Chúa còn hứa “Lòng rộng rãi sẽ được no nê; Còn ai nhuần gội, chính người sẽ được nhuần gội.” (Châm 11:25), tức là người hay thương xót không bị thiếu hụt hay đói kém; nhưng luôn được sự dư dật cả về phương diện thuộc linh cũng như thuộc thể. Và Chúa con ban phước cho con cháu “Hằng ngày người thương xót, và cho mượn; Dòng dõi người được phước.” (Thi 37:26). Và trong Thi 112:5-6 “Phước cho người nào hay làm ơn, và cho mượn… Kỷ niệm người công bình còn đến đời đời.” tức là danh tiếng của người có lòng hay thương xót được Đức Chúa Trời bảo tồn lâu dài. Trên hết những điều này là Đức Chúa Trời “lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Giê-xu Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em.” (I Phi 1:3-4) Tức là cơ nghiệp vô giá ở trên trời, không gì có thể làm vẩn đục, ô nhiễm, biến chất hay mục nát được. Nói cách khác đó là niềm hy vọng đầy sức sống về sự phục sinh thân thể để thích ứng với sự sống đời đời và phước hạnh trong Nước Thiên Đàng.

Đức tính “hay thương xót” dường như xa lạ với con người thời đại ngày nay. Bởi vì xã hội càng hiện đại thì người ta càng sống bàn quan với thế giới xung quanh, nếu có quan tâm thì cũng chỉ ở mức độ “thương hại” chứ chưa đến mức “thương xót” như Chúa dạy. Bạn nhận biết mức độ tấm lòng mình như thế nào? Đôi khi chúng ta thấy mình cũng có chút “tấm lòng trắc ẩn”, nhưng bởi bản chất con người quá quan tâm đến bản thân mình đến nỗi không để ý đến cảm xúc của người khác, và chúng ta cũng không muốn thêm phiền phức vì phải gánh vác thêm khó khăn của người khác. Qua bài học hôm nay, chúng ta thấy mình đã nhận được sự thương xót rất lớn của Chúa trong sự sáng tạo và cứu rỗi chúng ta; vì vậy chúng ta có thể học biết yêu thương và học tập hay thương xót người khác để qua đó có thể làm chứng tốt về tình yêu của Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Phụ từ ái, là Đấng hay thương xót và đã bày tỏ lòng thương đối với chúng con. Xin Chúa cũng ban cho con thật có tấm lòng thương xót như lời Ngài dạy. Con tin rằng bởi sự thương xót và ban ơn của Ngài thì con sẽ tiếp tục chuyển tải sự thương xót đến với người khác nữa. Con cầu nguyện nhân Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa