Ma-thi-ơ | Chúa Muốn Tôi Làm Gì?
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 17:1-8
1 Khỏi sáu ngày, Đức Chúa Jêsus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em Gia-cơ, cùng Ngài đi tẽ lên núi cao.
2 Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng.
3 Nầy, có Môi-se và Ê-li hiện đến, nói chuyện cùng Ngài.
4 Phi-e-rơ bèn cất tiếng thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, chúng ta ở lại đây thì tốt lắm; ví bằng đẹp ý Chúa, thì tôi sẽ đóng ba trại tại đây, một cái cho Chúa, một cái cho Môi-se và một cái cho Ê-li.
5 Đang khi người còn nói, bỗng chúc có một đám mây sáng rực che phủ những người ở đó; và có tiếng từ trong mây phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó!
6 Khi môn đồ nghe tiếng ấy, thì té sấp mặt xuống đất, và sợ hãi lắm.
7 Song Đức Chúa Jêsus lại gần, rờ môn đồ mà phán rằng: Hãy đứng dậy, đừng sợ!
8 Môn đồ bèn ngửa mặt lên, thì chỉ thấy một mình Đức Chúa Jêsus mà thôi.
Lời ngỏ
Núi Hẹt-môn nằm cách Sê-sa-rê Phi-líp 23 km. Đó là một ngọn núi cao hơn 3,000m, so với thung lũng Giô-đanh là 3,500m. Từ trên đỉnh núi có thể nhìn thấy đến Biển Chết ở đầu bên kia Pa-lét-tin cách đó 160 km.
Nếu đặc tính của Biển Hồ Ga-li-lê là hay nổi sóng ba đào rất nhanh và rất nguy hiểm bởi dưới lòng Biển Hồ có nhiều vùng trũng, vùng trồi sụt như dãy núi thì đặc tính của núi Hẹt-môn là thường xuất hiện những hiện tượng mây tụ lại rất nhanh trên đỉnh núi, chỉ vài phút mây tụ lại dày đặc trên đỉnh núi; và cũng có thể tan ra nhanh như khi tụ lại.
Đoạn Kinh Thánh hôm nay cho thấy một hiện tượng có một không hai mà Chúa Giê-xu đã bày tỏ cho ba môn đồ thân tín của Ngài. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những nhân vật xuất hiện trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay.
1. Chúa Giê-xu và hai nhân chứng lịch sử vĩ đại
Hai nhân chứng lịch sử lớn nhất của giao ước cũng là hai nhà lãnh đạo đầy ơn của Đức Chúa Trời, họ đã có những kinh nghiệm trong việc tìm kiếm ý Chúa và vâng phục chương trình của Đức Chúa Trời. Đó là Môi-se và Ê-li, hai người đã được sai đến cách trực tiếp để bảo chứng về Chúa Giê-xu thật là Con của Đức Chúa Trời. Điều quan trọng là Môi-se và Ê-li đã đến để nói chuyện với Chúa Giê-xu “về sự Ngài qua đời, là sự phải ứng nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 9:31). Trong lời bàn luận về sự “qua đời”, từ này được sử dụng với ngôn từ trong tiếng Hy Lạp là “ἔξοδον” (exodon) đồng nghĩa với chữ “xuất hành” liên quan đến hành trình của thập tự giá, và gần tương tự như cuộc hành trình “xuất hành ra khỏi Ai-cập thông qua đồng vắng mênh mông đến vùng đất đượm sữa và mật”. Như vậy, hành trình khổ nạn mà Chúa Giê-xu bước đi đến đồi Gô-gô-tha là một hành trình đầy nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng; nhưng đích đến cuối cùng của hành trình là sự vinh quang bởi sự vâng phục trọn vẹn theo ý Cha.
Điều quan trọng hơn là cả hai nhân chứng lịch sử, đại diện cho nền luật pháp và lời tiên tri, đã chứng thực cho việc Chúa Giê-xu sẽ đi con đường thập tự giá. Tại đây chúng ta thấy sự ngự trị của Đức Chúa Trời trong trụ mây và trụ lửa với ánh sáng mầu nhiệm và tiếng phán thiên thượng uy nghiêm đã đóng dấu ấn thừa nhận chương trình của Chúa Cha trên Đức Chúa Giê-xu. Ngài đã đi đúng đường, và cách Ngài cầu hỏi ý Chúa là đúng đắn. Đây là điều đẹp lòng Chúa. Không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa Giê-xu đã đi đúng đường trong hành trình và cứ tiếp tục đi tới cho đến khi hoàn tất.
Đức Chúa Giê-xu là Con người thật sự, nhưng điểm khác biệt lớn giữa Chúa Giê-xu và chúng ta không chỉ ở điểm Ngài là Đấng vô tội mà thôi, nhưng Ngài luôn tìm kiếm “Đức Chúa Trời muốn tôi làm gì?” trước mọi việc để rồi tìm cầu ý Chúa mà vâng phục. Trong khi đó, con người chúng ta thường ưu tư “Tôi muốn làm gì?” và tìm mọi cách để thực hiện điều chúng ta mong muốn.
Khi Chúa Giê-xu gặp nan đề thì Ngài không tìm cách giải quyết bằng năng lực và sự phán đoán của mình để thực hiện, dù Ngài là Đấng có toàn quyền quyết định. Nhưng bởi Ngài đã tự bỏ chính mình để trở nên Con người. Vì thế, Ngài luôn đem vấn đề ấy đến nơi thanh vắng để yên tĩnh mà cầu nguyện với Cha. Có những lúc vấn đề nghiêm trọng hơn thì Ngài không hỏi ý riêng hay bàn bạc với các sứ đồ; nhưng đem họ đến nơi cầu nguyện và nhờ họ cùng cầu nguyện với Ngài cho đến khi Đức Chúa Trời tỏ ra cách rõ ràng.
Tại đây, trong lần này đó là vấn đề “Ngài phải bước đi đến thành Giê-ru-sa-lem và phải chịu khổ nạn, và qua đời tại đồi Gô-gô-tha” là đúng theo ý Cha hay không? Chúa Giê-xu đã quyết định rời xứ Giu-đê và cả xứ Do thái đến xứ ngoại bang để cầu nguyện hầu cho không đánh giá vấn đề cách chủ quan. Chúa Giê-xu đã dẫn 3 sứ đồ đến núi Hẹt-môn để chờ nghe mệnh lệnh của Đức Chúa Trời phán cách cụ thể. Ngài muốn biết rõ con đường thập tự giá tại Giê-ru-sa-lem có đúng theo giao ước và chương trình mà Đức Chúa Trời hoạch định hay không?
2. Phi-e-rơ và hai sứ đồ
Phi-e-rơ và hai sứ đồ đồng đi theo Chúa Giê-xu với mục đích cầu nguyện thay giúp Chúa Giê-xu, nhưng họ cũng không làm được vì cơn buồn ngủ đã lấn lướt họ. Đúng như điều Chúa Giê-xu nói “tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối”. Dù vậy, họ đã tỉnh thức vào thời điểm sự vinh hiển Chúa phủ trên để dạy họ biết con đường khổ nạn mà họ từng muốn ngăn cản Chúa đi không phải là điều thất bại nhục nhã; nhưng đó là điều mà Chúa phải bước đi để trả giá cho hành trình cứu cả dân sự Ngài. Đối với họ thập tự giá là hoàn toàn khổ nhục, nhưng đằng sau, sự khổ đau ấy mới chính là điều dẫn họ vào Thiên đàng vinh hiển.
Điều thứ hai, Phi-e-rơ đã nói và phản ứng trong sự vô thức khi đề nghị dựng ba trại cho Chúa, Môi-se và Ê-li và 3 môn đồ cũng sẽ được ở đó trong sự vinh hiển. Đúng ra nếu họ thật tâm cầu nguyện cùng với Chúa thì họ sẽ biết ý nghĩa của sự kiện này; nhưng bởi thiếu cầu nguyện nên đã phát biểu và đề nghị những điều mà mình cũng không ngờ; vì ma quỷ nhân dịp để xen vào trong tâm trí. Điều đó bày tỏ chúng ta dù bận rộn cả ngày với công việc nhưng vẫn cần có thời gian để yên tĩnh, suy ngẫm và tôn thờ Chúa; để khi phủ phục trước sự hiện diện trong vinh quang thiên thượng thì biết cầu nguyện điều gì, cần biết rõ ý Cha mà vâng phục thực hiện như Chúa Giê-xu đã làm. Vì vậy, trước khi bắt đầu một công việc, một khởi đầu mới thì chúng ta cần yên lặng và dành thì giờ quỳ xuống học hỏi và cầu nguyện. Điều đó vô cùng quan trọng.
Điều thứ ba, có những thời giờ chúng ta được trải nghiệm trong sự vinh quang và hiện diện của Chúa. Chúng ta từng trải qua những giây phút ngọt ngào và gần gũi Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta ai cũng muốn kéo dài những giây phút ấy mà không chịu xuống núi để bước đi con đường khổ nạn trước. Những giờ phút ngọt ngào và gần gũi Chúa như tại núi hóa hình là sự nếm biết Chúa ngọt ngào như thế nào để cùng đồng hành với Chúa trong mọi chặng đường. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lại muốn ở mãi trong đó mà không chịu bước đi trong công tác phục vụ hằng ngày vì đó là điều giống như con đường thập tự giá. Cho nên chúng ta hãy nếm biết Chúa là ngọt ngào nhưng hãy bước đi để vùa giúp tha nhân về cùng Chúa.
Sự kiện tại núi hóa hình của Chúa Giê-xu bày tỏ sứ điệp quan trọng là: trước khi phải đối diện và cần quyết định vấn đề quan trọng thì cần có thời gian yên tĩnh ở riêng với Chúa. Chúng ta cũng có thể nhờ mọi người cầu thay để thêm lời khích lệ và tăng sức mạnh tinh thần. Tuy nhiên, quan trọng là mỗi chúng ta phải khẩn cầu Cha cho đến khi Ngài bày tỏ với những lời xác chứng bằng Lời Chúa về phương diện luật pháp, lẫn phương diện tiên tri. Song được nghe sự chuẩn y từ Chúa là điều quan trọng hơn hết.
Khi bạn đã được xác chứng rõ ràng, và nhất là sự chuẩn y từ Chúa thì vâng phục là điều cần phải thực hiện, cho dù hành trình ấy là quá trình “xuất hành từ nhà nô lệ đến vùng đất hứa” với những gian khổ phải trải qua. Vì vậy luôn cần Chúa thêm sức mà bước đi cho đến khi hoàn tất hành trình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Xin hãy giúp chúng con nhớ rằng niềm tin và sự vinh hiển không bị giới hạn trong những giờ phút được bồi linh tại núi cầu nguyện, nhà dưỡng linh; nhưng cần phải sống từng ngày trong sự suy nghiệm lời Chúa và làm theo ý muốn Chúa tại nhà riêng, nơi công xưởng, trường học hay bất cứ nơi nào. Nguyện xin Chúa đã bày tỏ cho chúng con rõ ràng về ý muốn Chúa, cho chúng con trải nghiệm đồng chịu khổ với Ngài rồi sẽ được đồng sống lại với Chúa trong sự vinh hiển. Xin Chúa tiếp tục giúp chúng con trong hành trình này cho đến ngày gặp mặt Chúa trong Nước đời đời vinh hiển. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét