Ma-thi-ơ | Nộp Hay Không Nộp Thuế?

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 17:24-27

24 Khi đã đến thành Ca-bê-na-um, những người thâu thuế của đền thờ đến hỏi Phi-e-rơ rằng: Thầy ngươi có nộp tiền thuế chăng?
25 Phi-e-rơ trả lời rằng: Có. Và khi Phi-e-rơ vào nhà, thì Đức Chúa Jêsus hỏi đón trước rằng: Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua thế gian thâu lương lấy thuế ai? Thâu của con trai mình hay là của người ngoài?
26 Phi-e-rơ thưa rằng: Người ngoài. Ngài phán rằng: Vậy thì các con trai được miễn thuế!
27 Song le, để chúng ta khỏi làm gương xấu cho họ, thì ngươi hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào dính câu trước hết, banh miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc ở trong. Hãy lấy đồng bạc đó, và đem nộp thuế cho ta với ngươi.

Lời ngỏ

Cơ Đốc nhân là công dân thuộc Nước của Đức Chúa Trời, vì vậy chúng ta phải tận hiến mọi nguồn lực của đời sống mình cho những mục đích của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang sống trên đất, và là công dân thuộc nước trần gian này, vì thế chúng ta phải làm tròn nghĩa vụ của một công dân. Nộp thuế cho những phúc lợi trong quốc gia mình sinh sống là một trong những nghĩa vụ căn bản mà bất cứ công dân trong mọi xã hội đều phải thực hiện. Vì thế, Cơ Đốc nhân là một công dân tốt thì càng phải tích cực hơn trong trách nhiệm này. Tuy nhiên, có những người đã lý luận rằng nếu chính quyền đã dùng tiền thuế cách bất chính, không đúng mục đích, không công khai, hoặc biển thủ tiền thuế thì Cơ Đốc nhân có nên tuân thủ theo luật nộp thuế để tạo cơ hội cho những nhà cầm quyền tham nhũng, hối lộ và làm những việc bất chính đó không? Nhiều Cơ Đốc nhân vẫn còn phân vân về nghĩa vụ và trách nhiệm này, xem đóng thuế là nghĩa vụ chung, không phải là của cá nhân mình nên tìm đủ mọi cách để giảm thiểu phần trách nhiệm nộp thuế cá nhân hoặc thậm chí là trốn thuế nữa.

Với đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta cùng học theo gương của Chúa Giê-xu để có một cách sống đúng với nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta. Khi Chúa Giê-xu và các môn đệ vừa đến thành Ca-bê-na-um thì những người thu thuế liền đến hỏi ngay về trách nhiệm nộp thuế này của Chúa Giê-xu. “Thầy ngươi có nộp tiền thuế chăng?” Đây là câu hỏi đầy ác ý, họ mong Chúa Giê-xu không chịu nộp, để có cớ tố cáo Ngài. Phi-e-rơ trả lời ngay là Chúa có nộp thuế. Chúng ta cần biết “tiền thuế” này là thuế gì? Đây là món thuế mà người Do thái được phép của chính quyền La mã thu từ người dân. Luật thu thuế này dựa trên luật pháp Do Thái quy định, khi mọi người nam từ 20 tuổi trở lên thì hằng năm phải nộp thuế đền thờ để có chi phí bảo trì và phục vụ cho sinh hoạt của đền thờ tại thành Giê-ru-sa-lem. Khoảng tiền này tương đương với tiền công của hai ngày lao động.

Sứ đồ Phi-e-rơ là người mau miệng nhất, ông trả lời câu hỏi của họ ngay trong khi chính ông cũng chưa chắc về điều mình nói. Tuy nhiên Chúa Giê-xu đã tận dụng cơ hội này để dạy cho các môn đồ về thẩm quyền của Ngài. Khi vào trong nhà rồi thì Chúa bèn hỏi Phi-e-rơ: “Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua thế gian thâu lương lấy thuế ai? Thâu của con trai mình hay là của người ngoài?” (câu 25). Thông thường, vào thời đó, những người cai trị gọi là “các vua thế gian”, họ thường đề ra các tiêu chuẩn để thu thuế. Gia đình của họ, con cái của họ và những người thân cận hoàng gia thường được miễn xâu thuế. Phi-e-rơ vốn hiểu rõ luật này nên ông trả lời ngay: “người ngoài” Chúa Giê-xu khẳng định: “Vậy thì các con trai được miễn thuế” Tại đây, Chúa muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa và giá trị vương quyền của Ngài. Người ta đang bắt Chúa Giê-xu đóng thuế đền thờ. Mà đền thờ thuộc về Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu chính là Con Đức Chúa Trời. Nếu có ai được miễn khỏi phải nộp thuế đền thờ thì chắc chắn đó là Chúa Giê-xu. Người Do thái không có quyền bắt Chúa Giê-xu phải nộp thuế. Vì Ngài là Con Đức Chúa Trời. Ngài có quyền không đóng thuế, nhưng để tránh gây cớ vấp phạm, Chúa Giê-xu sẵn sàng đóng thuế để làm trọn trách nhiệm đối với luật pháp.

Chúa Giê-xu đã chọn việc nộp thuế cho chính Ngài lẫn cho Phi-e-rơ để khỏi gặp rắc rối với những kẻ không biết đến vương quyền của Ngài. Chúa bèn phán bảo Phi-e-rơ “để chúng ta khỏi làm gương xấu cho họ, thì ngươi hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào dính câu trước hết, banh miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc ở trong. Hãy lấy đồng bạc đó, và đem nộp thuế cho ta với ngươi.” (câu 27) Chúa Giê-xu bảo Phi-e-rơ đi câu một con cá, mở miệng nó ra, lấy đồng tiền trong miệng con cá đem ra đóng thuế cho cả thầy và trò. Tuy tiền nộp thuế là do Chúa cung cấp, nhưng Phi-e-rơ phải đi lấy. Chúa Giê-xu không nhặt một viên sỏi lên hóa thành đồng tiền rồi trao cho Phi-e-rơ đóng thuế, nhưng Phi-e-rơ phải đi câu cá, nghĩa là phải làm việc. Suy cho cùng thì tất cả những gì chúng ta làm ra đều do Đức Chúa Trời cung cấp, nhưng Ngài muốn chúng ta phải chủ động trong tiến trình tiếp thu những thứ mà Chúa ban cho. Chúa không ban phép lạ để người ta tránh làm việc, đồng thời Chúa cũng muốn dạy rằng dù cho chúng ta có bỏ công sức ra cũng cần sự hướng dẫn của Chúa để chúng ta không kiêu ngạo, kể công mà không nhận biết ơn lành của Ngài. Cơ Đốc nhân là người phải làm việc, đồng thời cũng nhận biết thành quả của công việc mình là bởi ơn Chúa cho. Thật Chúa là Đấng chu cấp cho chúng ta như lời Ngài đã phán “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 4.19).

Qua đây Chúa Giê-xu cho chúng ta một tấm gương về việc làm tròn nghĩa vụ của một công dân trên đất, Ngài là Vua trên muôn vua nhưng Ngài không làm điều gì khiến người ta coi nhẹ những nghĩa vụ của một công dân bình thường hay có thể làm gương xấu cho người khác. Những Cơ Đốc nhân nào tự miễn cho mình những nghĩa vụ của một công dân tốt, thì không chỉ là thiếu bổn phận công dân mà cũng không làm tròn bổn phận Cơ Đốc nhân như lời Chúa dạy nữa.

Các bạn thân mến, điều nhấn mạnh trong bài học hôm nay là trong đời sống một Cơ Đốc nhân, chúng ta chỉ có một sự trung thành tối cao: đó là lòng trung thành đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu, và sự trung thành đó có quyền ưu tiên trên cả mọi nghĩa vụ trần gian. Khi đã là công dân trên trời thì chúng ta kể mình như là “người ngoài” hay là khách bộ hành trên đất. Tuy nhiên, dù là khách bộ trên thế gian này nhưng chúng ta cũng là các đại sứ của Chúa Cứu Thế, mà một đại sứ đến một quốc gia khác phải tuân thủ các luật lệ bản xứ, để làm người đại diện tốt cho người sai phái mình. Vì thế, chúng ta vẫn phải cộng tác với các nhà cầm quyền trên thế gian này. Mặc dù không phải mọi hoạt động của chính quyền đều đi đúng với mục đích của Đức Chúa Trời, nhưng Chúa không dạy chúng ta xem thường nghĩa vụ đóng thuế. Để có thể quản trị và duy trì trật tự xã hội đều phải có tiền. Có người đã nói “Người trốn thuế là ký sinh trùng” của xã hội, còn đứng về phương diện đạo đức xã hội thì đó là một kẻ ăn trộm thực sự. Không có Cơ Đốc nhân chân chính nào lại xem nhẹ trách nhiệm này mà càng phải tích cực hơn để làm gương tốt như Chúa đã làm.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Qua câu chuyện hôm nay giúp chúng con thấy rõ tinh thần trách nhiệm của Chúa Giê-xu. Ngài đã để lại tấm gương của một công dân tốt, thực thi tròn trách nhiệm đối với luật pháp. Xin dạy con không trốn tránh trách nhiệm của mình đối với luật pháp khi con còn sống trong xã hội này, mà ngược lại, xin giúp con chu toàn bổn phận và trách nhiệm của một công dân tốt, để làm gương cho người khác như Ngài đã làm và đó cũng là một bằng chứng sống của một đại sứ Nước Trời ở trên đất. Muốn thật hết lòng. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa