Ma-thi-ơ | "Con Đức Chúa Trời"
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 14:33
33 Các người trong thuyền bèn đến quì lạy Ngài mà nói rằng: Thầy thật là Con Đức Chúa Trời!
Lời ngỏ
Khi nhắc đến cụm từ “con cái của Đức Chúa Trời” thì Kinh thánh bày tỏ về nhiều điều. Thứ nhất, đó là khái niệm chỉ về các thiên binh, thiên sứ đang phục vụ Đức Chúa Trời trên Thiên đàng vinh hiển. Thứ hai, đó là khái niệm chỉ về tuyển dân Do Thái, họ là dân tộc thầy tế lễ cho thế giới. Thứ ba, đó là ngôn từ chỉ về tất cả những ai tin Đức Chúa Trời và tin Đức Chúa Giê-xu là Đấng đến từ Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Cứu Thế.
Thế nhưng, “Con Đức Chúa Trời” với chữ “Con” được viết chữ in hoa là danh xưng đặc biệt chỉ về Thần tính của Đức Chúa Giê-xu Christ. Đó là Danh xưng độc nhất chỉ dành cho Chúa Giê-xu mà thôi. Chúng sẽ tìm hiểu thêm về điều này qua hai điểm sau.
1. Danh xưng “Con Đức Chúa Trời”
Cho đến ngày nay vẫn còn rất nhiều người trên thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng hiểu nhầm về danh xưng “Con Đức Chúa Trời”. Bởi vì, theo cách hiểu biết của ngôn ngữ con người chúng ta thì “con” bao giờ cũng thấp hơn và ở dưới quyền của “cha”, vì thế mà mọi người khó hiểu về niềm tin Đức Chúa Giê-xu có đồng quyền đồng đẳng với Đức Chúa Cha khi Ngài mang danh là Con Đức Chúa Trời.
Danh xưng của Đức Chúa Giê-xu là “Con Đức Chúa Trời” chứa đựng những ý nghĩa thuộc linh quan trọng. Thứ nhất, trong thư tín Phi-líp 2:5-11 bày tỏ Đức Chúa Giê-xu vốn đồng đẳng, đồng quyền, bình đẳng với Đức Chúa Trời; nhưng Ngài đã tự nguyện hạ mình xuống để giáng sinh làm Con Người trên đất. Nhất là Ngài sẵn sàng vâng phục chương trình cứu rỗi và ý muốn của Đức Chúa Trời cách trọn vẹn, đến mức là Ngài chịu mọi sỉ nhục, chịu chết đau đớn như thể ‘trời không dung đất không tha’ với án tử hình trên thập tự giá. Bởi sự vâng phục trọn vẹn như thế của Đức Chúa Giê-xu mà Ngài được mang danh hiệu là “Con Đức Chúa Trời”. Nói cách khác, danh xưng “Con Đức Chúa Trời” mang ý nghĩa về Đấng vâng phục trọn vẹn mọi ý chỉ và chương trình tốt lành của Đức Chúa Trời.
Thứ hai, đối với người Do thái đương thời thì danh xưng “Con Đức Chúa Trời” của Đức Chúa Giê-xu khi Ngài được các môn đồ và dân chúng tung hô và xưng nhận cách công khai đồng nghĩa với việc thừa nhận Đức Chúa Giê-xu ngang bằng với Đức Chúa Trời. Sách Phúc âm Giăng bày tỏ việc chính Đức Chúa Giê-xu nhiều lần gọi Đức Chúa Trời là Cha, là Thân Phụ của mình và tự xưng Ngài là Con đồng nghĩa với việc tự nhận mình là Đức Chúa Trời (Giăng 5:18).
Đây cũng là một trong những lý do nghiêm trọng nhất khiến những thầy thông giáo, người Pha-ri-si và giới lãnh đạo tôn giáo cao cấp đã họp lại để đưa Ngài ra tòa công luận và quyết định xử tử Ngài ngay trong đêm. Tại tòa công luận họ đã đưa vô số bằng chứng và nhân chứng để luận tội Ngài nhưng Chúa vẫn yên lặng trước những bằng chứng và nhân chứng giả dối và ngộ nhận ấy. Đến nỗi, chính họ cũng cảm thấy hổ thẹn vì những bằng chứng tự tạo, giả trá chứ không phải là chứng cớ đúng theo luật định. Không thể tìm ra bằng chứng hợp lý để định tội, nhất là tội trọng đáng để xử tử như họ từng âm mưu trước khi bắt Ngài. Cho nên, thầy tế lễ cả Cai-phe đã dùng âm mưu xảo quyệt là bắt Ngài nhân danh Đức Chúa Trời hằng sống mà thề là thừa nhận mình thật là Đấng Christ, thật là Con Đức Chúa Trời hay không? Và Chúa đã thừa nhận điều này vì đó là sự thật không thể phủ nhận được. Từ đây, cả tòa công luận từ thầy tế lễ cả đến tên lính bảo vệ đều lấy bằng chứng đó để định tội Ngài, đó là tội phạm thượng vì tự nhận mình là Đức Chúa Trời hay ngang hàng với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 26:59-66).
2. Cộng đồng các sứ đồ đều xưng nhận Đức Chúa Giê-xu thật là Con Đức Chúa Trời
Việc Đức Chúa Giê-xu hóa bánh cho hơn 5 nghìn người ăn no nê và còn dư 12 giỏ đầy bày tỏ Chúa không chỉ quan tâm đời sống tâm linh của dân chúng, mà còn quan tâm đến đời sống thường nhật của dân sự Ngài. Thế nhưng, điều đó lại khiến cho dân chúng hiểu lầm Ngài. Và ma quỷ đã lợi dụng sự hiểu lầm này của dân chúng để kích động Ngài lãnh đạo dân chúng nổi dậy để khởi nghĩa bằng vũ lực và làm vua cai trị họ như vua Đa-vít từng làm để giải thoát dân tộc khỏi ngoại xâm Phi-li-tin. Chúa biết trước áp lực rất lớn này trên chính Ngài và môn đồ của Ngài; cho nên, Chúa đã hối thúc các môn đồ mình nhanh chóng lên thuyền để sang bờ biển bên kia trong khi Ngài ở lại với đoàn dân để sắp xếp và từ giải tán họ. Sau khi các môn đồ đã vâng lời Ngài để lên thuyền và đi rồi thì Ngài cũng đã tìm cách một mình lánh sự quá khích của dân chúng mà lên núi để cầu nguyện.
Thế nhưng, ma quỷ đã không để yên cho Ngài. Nó đã gây nên cơn bão biển rất lớn vì biết Ngài không có mặt trên thuyền với các sứ đồ. Nó muốn nhấn chìm chiếc thuyền của các môn đồ và giết họ trong lòng biển, để làm thất bại chương trình của Chúa Giê-xu muốn dùng các môn đồ để truyền bá phúc âm sau khi Ngài làm xong chương trình cứu chuộc nhân loại. Từ trên núi cao trong lúc cầu nguyện Chúa Giê-xu đã thấy được âm mưu của Sa-tan. Cho nên, đích thân Ngài đã đi bộ trên mặt biển để đến chiếc thuyền đang chở các môn đồ để bảo hộ họ, đưa họ đến bến bờ bình yên.
Sự kiện Đức Chúa Giê-xu đi bộ trên mặt biển này bày tỏ về sự toàn năng của Chúa Giê-xu trong thân vị của Đức Chúa Trời. Bởi chỉ có Đức Chúa Trời mới có năng quyền đi trên mặt biển và có quyền khiến mưa bão và phong ba của biển cả, khiến mọi thế lực của thiên nhiên phải vâng phục Ngài. Đó không phải là ảo tưởng hay hoang tưởng vì chính Chúa Giê-xu cho phép Phi-e-rơ được quyền thử đi trên mặt biển để đến với Ngài. Trước sự kiện Ngài tể trị trên thiên nhiên hùng vĩ giữa biển cả và phong ba như vậy, tất cả môn đồ từ Phi-e-rơ đến 11 môn đồ khác đã phải quỳ xuống để thừa nhận Ngài thật là Con Đức Chúa Trời.
Vậy thì, trước đó họ đã suy nghĩ gì về Ngài? Họ đã tin rằng Ngài là Đấng Christ. Nhưng danh xưng Đấng Christ này theo quan niệm truyền thống của họ mang ba chức phận là Vua, Thầy tế lễ và là Tiên tri. Song cả ba đều mang tính cách của một Con người, và chỉ là con người đặc biệt mà thôi. Nhưng, qua sự kiện này họ phải thừa nhận Đức Chúa Giê-xu không chỉ là Con người trọn vẹn mà thôi, mà Ngài còn là Đức Chúa Trời trọn vẹn nữa. Đây là một chân lý vô cùng quan trọng về Chúa Giê-xu.
Ngày xưa, các môn đồ sẵn sàng tin và bước đi theo Đức Chúa Giê-xu mà chưa biết rõ Ngài là Đấng như thế nào; nhưng tạ ơn Chúa thông qua những biến cố giữa cái sống và cái chết, giữa cơn phong ba bão táp, giữa biển cả mênh mông trong đêm tối đen như mực thì họ nhìn thấy Chúa bước đi vững an trên mặt biển, ánh sáng từ Ngài đã chiếu soi tâm linh họ ngay trong đêm đen của thế giới, bàn tay Ngài đã giơ ra để nắm lấy họ để cứu họ; và sự ngự đến của Ngài khiến họ vượt đại dương mênh mông mà nhanh chóng đến bến bờ bình yên.
Bạn thân mến, nhiều người trong vòng chúng ta đã là tôi tớ, con cái Chúa, đã đang đi theo Ngài nhưng nhiều lúc chúng ta chưa hiểu rõ về Ngài như đáng phải có. Tuy nhiên, có thể qua những phong ba bão táp giữa cuộc đời này trên đất mà chúng ta thấy được Chúa đang đến bên chúng ta, đang cầm tay chúng ta mà dẫn đi cách bình yên giữa ba đào cám dỗ, dẫn đưa chúng ta đến nơi chốn yên bình giữa biển đời đầy sóng gió.
Thế nhưng, có bao nhiêu người trong chúng ta đã đến với Đức Chúa Trời, quỳ gối xuống để tạ ơn Ngài và tuyên xưng đức tin của mình nơi Chúa như các môn đồ ngày xưa? “Lạy Chúa! Chúng con tin Ngài là Con Đức Chúa Trời” Nguyện xin Chúa vùa giúp chúng ta xưng nhận đức tin và sống trong đức tin như điều mình tuyên xưng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Xin tha thứ vì chúng con có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm vì đã không thấy Chúa Giê-xu thật là Đức Chúa Trời quyền năng, là Đấng Cứu Thế của nhân loại nói chung, cũng là Cứu Chúa của chúng con. Nguyện xin Chúa vùa giúp chúng con để mắt thuộc linh được mở ra thấy Chúa, tai thuộc linh được mở ra, nghe được tiếng phán của Chúa, miệng thuộc linh được mở ra để xưng nhận niềm tin xuất phát từ tấm lòng được Chúa đụng chạm và dức dấy. Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét