Ma-thi-ơ | Tha Thứ & Thứ Tha

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 18:15-17

15 Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại.
16 Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn.
17 Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy.

Lời ngỏ

Trong cuộc chiến Nam Bắc Hàn diễn ra rất ác liệt vào những năm 50 của thế kỷ trước. Lính Bắc Hàn đã tiến vào Seoul và giết vô số thường dân, họ bình địa cả thủ đô trong bom đạn và súng trường, trong đó có con trai của một vị mục sư. Bởi vì họ thách thức vị mục sư ấy nếu bỏ Chúa thì tha cho con của ông, còn vẫn tin Chúa thì sẽ giết con ông, còn ông thì sẽ bị bắt làm tù binh. Họ muốn ông đau khổ cả phần xác lẫn phần tâm linh. Vì trung kiên nên đứa con ông bị một người lính Bắc Hàn bắn chết trước mặt ông, còn ông thì bị tra tấn dã man.

Thế nhưng, chiến trận đã lật ngửa ván cờ và Seoul được lính liên minh Nato giải phóng. Trong đó vị mục sư cũng được giải phóng khỏi đoàn tù binh. Những tên lính Bắc Hàn trực tiếp giết con của ông và nhiều người dân bị bắt và đem ra  án xét xử. Thẩm phán cho quyết định cuối cùng dành cho vị mục sư này là trực tiếp xử tử hay tha cho tên lính này. Vị mục sư đã nói rằng dù thế nào thì con trai ông đã chết rồi nhưng linh hồn nó được Chúa tiếp rước. Còn người lính này chưa tin Chúa nếu tử hình thì sẽ chết cả thân thể lẫn linh hồn. Vì thế, xin tòa tha tội chết cho tên lính, chỉ giữ làm tù binh trao đổi. Cảm kích trước sự tha thứ của vị mục sư, người lính này đã hạ mình xuống xin được cầu nguyện ăn năn. Người này xin được nhận vị mục sư làm cha tinh thần. Nếu được trở về sẽ không quên ơn cứu mạng; và sẽ giải giáp để sống làm người tín hữu lương thiện.

Câu chuyện trên là một bằng chứng sống động của sự tha thứ. Từ đoạn Kinh Thánh vừa đọc hôm nay, chúng ta cùng xem Lời Chúa dạy chúng ta từng bước để giải quyết sự mâu thuẫn, bất hòa và học cách tha thứ.

(1) Nếu chúng ta cảm thấy người nào làm buồn phiền chúng ta thì hãy tìm cơ hội để bày tỏ trong sự gây dựng. Bởi vì, nếu chúng ta ấp ủ nó trong lòng với sự ngộ nhận hay hiểu sai thì gặt lấy sự thương tổn. Càng lâu ngày dài tháng thì sự đó trở nên chất độc lan đến tâm trí và đời sống của chúng ta. Trong khi trình bày, chúng ta nên nói thẳng thắn về sự buồn phiền mà chúng ta cảm nhận; nhưng đừng tỏ ra ác ý vì biết đâu đã có sự hiểu lầm nào đó.

(2) Nếu chúng ta cảm thấy một điều gì sai quấy với chúng ta hay với người khác liên quan đến đạo đức và đức tin Cơ đốc thì chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa để hỏi Ngài rằng mình có nên đích thân gặp mặt để bày tỏ hay chờ đợi thời điểm thích hợp. Tránh giải quyết gian tiếp như nhắn tin hay viết thư hoặc kể cho người khác về việc đó. Bởi vì, rất có thể chuyện nhỏ sẽ bị xé ra to; có thể những tin nhắn ngắn, hay lá thư bị hiểu lầm mà trở nên bằng chứng của sự xung khắc gia tăng. Lời nói khi gặp đích thân có thể giải quyết nan giải; những thư từ, tin nhắn với chữ viết không thể giải minh hết được nan đề. Có nhiều nan đề đã đi đến bế tắc và phân ly bởi những lá thư, hay văn tự không thể bày tỏ hết tư tưởng cần chia sẻ.

(3) Nếu cuộc gặp mặt giữa hai cá nhân không giải quyết được mâu thuẫn thì chúng ta nên mời một vài người khôn ngoan và có ân tứ hòa giải đi cùng chúng ta. Người đi cùng chúng ta không phải là người cùng phe với chúng ta hay chỉ chứng kiến để chúng ta phê phán người kia. Nhưng đó là người mà chúng ta cho rằng có sự phán đoán chuẩn xác hơn để giúp đỡ cho sự hòa giải. Bởi vì qua việc đối thoại có người chứng kiến biết đâu chính chúng ta là người có lỗi nặng cần phải ăn năn và xin lỗi trước. Còn nếu người kia có lỗi thì người khôn ngoan đó có thể giúp họ nhận ra; hay làm nhân chứng cho việc phán quyết tiếp theo.

(4) Nếu hai ba người làm chứng cùng đối thoại để hòa giải mà vẫn thất bại thì chúng ta biết đó là vấn đề nghiêm trọng. Đó không còn là vấn đề của cá nhân, mà trở nên vấn đề của cộng đồng. Chúng ta là con dân Chúa nên chúng ta cần trình lên Hội thánh chung để nhờ cùng cầu thay và cùng đứng ra giải quyết vấn đề. Những vấn đề liên quan đến đức tin và đạo đức Cơ đốc không nên giải quyết những rắc rối bằng luật pháp của xã hội hay những lý lẽ ngoài lời Chúa. Chủ nghĩa duy luật sẽ không thể dàn xếp được gì. Nếu đem ra đó thì thường là đổ vỡ, phân ly và còn làm danh Chúa bị dèm chê. Bởi vì, những vấn đề liên quan đến con dân Chúa cần phải bởi sự cầu nguyện của hai người, của nhiều người trong Hội thánh và bởi tình yêu thương, sự tương giao trong Chúa mới có khả năng hàn gắn lại. Hội thánh Chúa cần ăn năn và dùng tình yêu thương cùng ân điển Chúa mới có thể phân xử trong sự hòa giải được tận gốc rễ của vấn đề.

(5) Nếu vẫn không giải quyết được mà phải phân ly thì đành xem như là người ngoại và kẻ thâu thuế. Vì tội lỗi của người thâu thuế liên quan đến tội phản quốc, phản động của cộng đồng; còn tội của dân ngoại liên quan đến tội lỗi của cả dân tộc. Điều này không phải là bỏ rơi những người phạm tội và cố chấp. Nhưng cần phải để thời gian để giải quyết cái gốc rễ sâu xa của vấn đề. Bởi vì nó giống như gốc rễ của tội lỗi chưa được sự cứu rỗi vậy. Đối với những vấn đề ngoài tầm tay của con người thì chỉ có Chúa mới giải quyết được. Bởi vì, Ngài đã hạ mình xuống chịu chết để cho người ngoại và người thâu thuế được cơ hội cứu rỗi là sự thương xót rất lớn của Ngài. Những người có tội rõ ràng và công khai ấy đã bướng bỉnh mà không chịu ăn năn thì không thể dùng luật tôn giáo, luật dân tộc để giải quyết, những tội ấy chỉ có Chúa Giê-xu dùng huyết báu của Ngài thanh tẩy thì mới giải quyết được.

Tha thứ là điều Chúa muốn con cái Ngài thực hiện trong tình yêu và sự bao dung. Đó không phải là sự dung nạp tội lỗi; bèn là sẵn sàng xưng nhận nó ra và lìa bỏ nó để được hòa thuận trở lại. Chính Chúa Giê-xu là Đấng hòa giải và Đấng chuộc tội bởi tình yêu của Ngài.

Cho dù con người chúng ta đã là con cái Chúa rồi; nhưng vẫn có thể bướng bỉnh mà không nhận tội, không chịu tha thứ cho nhau đi nữa; và cho rằng vết thương và sự tổn thương ấy là quá lớn khó mà hòa giải. Cho dù ly nước đổ ra không thể hốt lại cho đầy và đành phải phân ly đi nữa ngay trên đất này; thì Chúa vẫn còn cho cơ hội để thứ tha chúng ta. Ngài vẫn yêu thương và cho cơ hội để giải cứu linh hồn và thân phận chúng ta. Hãy đến với Chúa dù tình trạng của bạn như thế nào. Tình yêu của Ngài vẫn rộng lớn để tha thứ cho bạn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa. Vì tình yêu mà Đức Chúa Giê-xu đã đến thế gian và chịu khổ vì chúng con để nối lại sự hòa thuận với Cha. Xin Chúa cho chúng con cảm biết sự đau khổ ấy là lớn thế nào để nhờ quyền năng của thập tự giá mà được chữa lành những vết thương tâm hồn mà tha thứ lẫn nhau. Để rồi khi vào Nước Đức Chúa Trời chúng con vẫn là anh chị em của nhau trong danh Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Thiên Gia Vĩnh

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa