Ma-thi-ơ | Con Người Ngự Đến Trong Nước Ngài
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 16:27-28
27 Vì Con người sẽ ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm.
28 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài.
Lời ngỏ
Mục sư Nguyễn Văn Huệ, chủ bút của tạp chí Hướng Đi Ministries, trong một bài viết chủ đề “Nước Trời” ông đã ghi thế này: “Người Việt cần biết Nước Trời. Nước Trời ở gần người cầu xin, Nước Trời đến với cá nhân, gia đình, dòng họ và dân tộc. Nước Trời ở trong lòng chúng ta. Không có hàng rào nào có thể phân cách người tin với Nước Trời. Nước Trời tự do. Nước Trời vĩnh cửu. Nước Trời là vương quốc. Nước Trời không biên giới. Nước Trời không bao giờ tàn rụi vì Vua Trời là Đấng không hề thay đổi. Người được vào Nước Trời giống như người có quyền nhập tịch Thiên Quốc. Điều kiện duy nhất để vào Nước Trời là tin Trời và cầu Trời. Tin cậy và vâng lời một mình Ông Trời. “Vì ai kêu cầu Danh Đức Chúa Trời thì được cứu.”
Vậy thì, Nước Trời đang ở đâu trong cuộc đời của quý vị? Hãy nghe Chúa Giê-xu khuyên dạy chúng ta về ưu tiên trước nhất trong cuộc đời: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Ma-thi-ơ 6:33)
Tuy nhiên, ngày nay có nhiều quan điểm về sự hiểu biết Nước Trời, nên chúng ta cần tìm hiểu theo điều Chúa Giê-xu giảng dạy. Đó là điều mà thậm chí nhiều tôi con của Chúa cũng nhầm lẫn huống chi là những người chưa tin Chúa. Cho nên, chúng ta cùng suy xét một số quan điểm và sự hạn chế, để rồi đi đến lời phán chính xác về Nước Trời mà Chúa Giê-xu dạy dỗ.
1. Các quan điểm nhìn nhận và sự hạn chế
Phân đoạn Kinh thánh ngắn này nói đến Nước Chúa và sự ngự trị của Chúa Giê-xu trong Nước Ngài. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm với những cách nhìn nhận khác nhau. Sau đây là những quan điểm và sự hạn chế trong quan điểm ấy.
Thứ nhất, quan điểm đề cập đến Nước Đức Chúa Trời đã đến khi liên kết với Mác 9:1. Thế nhưng, trong sách Mác thì dùng phân từ “hoàn tất” để chỉ từ “đã đến”, trong khi trong Ma-thi-ơ 16:28 lại dùng phân từ “liên tiến” trong hiện tại. Tức là, Nước Đức Chúa Trời đang hiện có và Đức Chúa Giê-xu là Đấng đang tể trị.
Thứ hai, quan điểm cho rằng đây là điều chỉ về sự phục sinh của Chúa Giê-xu và sự giáng lâm của Đức Thánh Linh trong lễ Ngũ tuần. Đức Chúa Giê-xu đã đến qua sự giáng lâm của Đức Thánh Linh, và Ngài đã ban quyền năng, ân tứ Thánh Linh cho những môn đồ, sứ đồ đã trông đợi Ngài theo lời hứa mà Ngài phán khi Ngài thăng thiên. Thế nhưng quan điểm này chỉ căn cứ vào điều gọi là “trong các ngươi đứng đây” để giải thích, mà thiếu căn cứ về tính thời gian trong mạch văn.
Thứ ba, quan điểm cho rằng đó là sự kiện thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ năm 70 S.C. Nhưng đã không giải thích được hết những lời tiên tri về sự tái lâm của Chúa Giê-xu trong sự vinh hiển mang thần tính trọn vẹn của Ngài đã miêu tả trong câu 27 “Vì Con người sẽ ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ”.
Thứ tư, quan điểm truyền thống nhất liên quan đến sự tái lâm thình lình của Chúa Giê-xu. Trong quan điểm này thì công tác truyền giáo sẽ kết thúc và Chúa sẽ tái lâm vào thế kỷ đương thời vì sẽ “có vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy” Chúa tái lâm. Trong khi đó thì Chúa Giê-xu đã phán rõ ràng Ngài sẽ tái lâm khi công tác truyền giáo được truyền đến “khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14), đến “cùng trái đất” (Công 1:8). Chính quan điểm này cũng bị Phi-e-rơ bác bỏ cho rằng thời điểm Chúa tái lâm trong thời các sứ đồ; mà Ngài tái lâm tuỳ theo kế hoạch của Ngài. Dù đó có thể thình lình bất cứ lúc nào, nhưng Ngài vì yêu thương mà nhẫn nại để cứu được nhiều người (II Phi-e-rơ 3:9-10).
Thứ năm, quan điểm dự báo trước sự kiện Chúa hóa hình bày tỏ vinh hiển của Ngài trong Nước Chúa. Nhưng quan điểm này không giải thích được lời khẳng định của Chúa là “quả thật, ta nói cùng các ngươi” là dành cho tất cả các sứ đồ; trong khi đó thì thực tế chỉ có 3 sứ đồ là Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng thấy được phép lạ Chúa hóa hình mà thôi.
2. Quan điểm trung dung
Vậy thì, chúng ta nên hiểu điều Chúa Giê-xu phán ở tại đây như thế nào là chính xác? Phân đoạn Kinh thánh này bày tỏ cách chung nhất về Nước Đức Chúa Trời hơn là chỉ về một sự kiện đặc biệt nào. Tức là Ngài không ngầm nói về việc Nước Đức Chúa Trời đã đến theo quan điểm thứ nhất, không nói đến sự kiện Ngài phục sinh, thăng thiên và giáng lâm qua Thánh Linh trong lễ Ngũ tuần như quan điểm thứ hai. Ngài cũng không nhằm tiên tri về sụp đổ thình lình của thành Giê-ru-sa-lem năm 70 như quan điểm thứ ba. Quan điểm thứ tư thì Ngài có đề cập đến nhưng Ngài không nhấn mạnh về thời gian gấp gáp, cấp bách trong thế kỷ đầu tiên. Và không hẳn là có liên quan đến vấn đề sự vinh hiển về thần tính của Ngài trong sự kiện Chúa hóa hình sau đó một tuần.
Hiển nhiên, phân đoạn này bày tỏ về quyền năng và vinh hiển của Ngài khi Ngài đến từ trời trong sự tái lâm là điều Ngài tiên báo. Tuy nhiên, điều này bày tỏ rõ nét về nhân tính và thần tính của Chúa Giê-xu là đồng đẳng đồng quyền với Đức Chúa Cha, cũng như Ngài được giao vai trò là Vua trên muôn vua, Chúa của các chúa trong Nước Ngài. Ngài có mọi thẩm quyền tể trị và ban thưởng cho người vững lòng tin theo Ngài.
Đức Chúa Giê-xu khẳng định con đường vinh hiển đến từ Cha phải trải qua sự thương khó, khổ nạn với thập tự giá. Ngài sẽ nếm trải sự thương khó và sự chết. Nhưng Ngài sẽ sống lại vì Ngài thật là Nguồn sống. Ngài sẽ lấy lại sự sống mà Ngài đã phó thác. Và Ngài ban cho con dân Chúa khi Ngài ngự đến thông qua Thánh Linh. Hiện nay, Ngài vẫn tiếp tục ngự bên hữu ngai vinh hiển của Chúa Cha, nhưng Ngài cũng ngự trong lòng của tất cả người tin và sống trên đất để hoàn tất giao ước Ngài đã hứa.
Mỗi chúng ta là tôi con Chúa đừng vì cớ ái ngại mà chùng bước để tiếp tục đi con đường khổ nạn, chịu vác thập tự giá để đồng hành với Chúa. Vì ai sẵn sàng phó thác sự sống mình như Chúa đã phó thì Ngài sẽ ban sự sống mới cho người đó và ban phần thưởng vinh hiển cho người ấy.
Cho nên, mỗi chúng ta hãy giữ vững niềm tin đồng chết với Chúa để được đồng sống với Ngài. Ngài hằng ở bên chúng ta, ngự trong chúng ta để ban sức sống mới và làm công việc Ngài phó ban cho đến khi Chúa chính thức trở lại để đón rước chúng ta đi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Nguyện xin Chúa giúp chúng con giữ sự trung tín với Ngài, chúng con tiếp tục bình an và dấn thân cho chính mình Chúa và công việc của Chúa giao phó. Cảm tạ Chúa vì chúng con biết rằng công khó và những sự khổ nạn của chúng con trong Chúa không phải vô ích đâu. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét