Rô-ma | Đạo & Lương

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Kính chào quý vị và các bạn! Từ thời thượng cổ cho đến ngày nay, dù văn minh hay dã man, không có dân tộc nào lại không có một niềm tin. Triết học Mác Lê-nin từng tuyên bố rằng niềm tin tôn giáo phát sinh từ sự ngu dốt và sợ hãi, nên khi khoa học được phát triển, tôn giáo sẽ tự động biến mất. Nhưng lịch sử đã chứng minh ngược lại. Cũng có người nói rằng tôn giáo không nhất thiết đi đôi với niềm tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế mà tuỳ thuộc vào lương tâm con người. Từ đó có các tôn giáo tự cho mình có nguồn gốc từ lương tâm như Phật giáo hay Khổng giáo. Phật giáo sơ khai là một triết lý sống theo lương tâm, dần trở thành một tôn giáo có nhiều thần linh và thần tượng hàng đầu thế giới. Hay Khổng giáo ban đầu với chủ thuyết giáo dục và chính trị nhưng rồi mau chóng phát triển thành một tôn giáo thực sự khi tin vào “Trời” và “Thiên mệnh”. Hôm nay chúng ta sẽ được sáng tỏ hơn qua Lời Chúa trong Rô-ma 2:12-24 và cùng suy ngẫm về chủ đề ĐẠO & LƯƠNG.

12 Phàm những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất; còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp đoán xét;
13 vì chẳng phải kẻ nghe đọc luật pháp là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời, bèn là kẻ làm theo luật pháp được xưng công bình vậy.
14 Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình.
15 Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.
16 Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin lành tôi.
17 Còn ngươi, mang lấy danh người Giu-đa, yên nghỉ trên luật pháp, khoe mình về Đức Chúa Trời ngươi,
18 hiểu ý muốn Ngài và biết phân biệt phải trái, vì ngươi đã được luật pháp dạy;
19 khoe mình làm người dẫn đường cho kẻ mù, làm sự sáng cho kẻ ở nơi tối tăm,
20 làm thầy kẻ ngu, làm người dạy kẻ tầm thường, trong luật pháp có mẫu mực của sự thông biết và của lẽ thật,
21 vậy ngươi dạy dỗ kẻ khác mà không dạy dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn cắp, mà ngươi ăn cắp!
22 Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà dâm, mà ngươi phạm tội tà dâm! Ngươi gớm ghét hình tượng mà cướp lấy đồ vật của hình tượng!
23 Ngươi khoe mình về luật pháp mà bởi phạm luật pháp làm nhục đến Đức Chúa Trời!
24 Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại, như lời đã chép.ã

Giải thích

Phần Thánh Kinh hôm nay giải đáp thắc mắc của một số người về sự khác nhau giữa người có niềm tin đạo Chúa và người sống theo lương tâm. Phao-lô cho biết, dân ngoại, là những người không theo đạo Chúa (tức là luật pháp Môi-se) họ sống trong thời xa xưa, sống trong rừng sâu hẻo lánh, không bao giờ được nghe về đạo Chúa, chưa biết, chưa tin Đức Chúa Giê-xu thì họ sẽ ra thể nào?

Trước hết, Kinh Thánh dùng chữ “không luật pháp” là nói đến “lương tâm” của con người, đây là tiếng nói mạnh mẽ và bền bỉ từ nơi sâu thẳm của tâm hồn con người. Tiếng nói lương tâm nhắc nhở rằng muôn vật có một đấng tạo hóa, loài người có một cha chung, toàn thế gian có một đấng phán xét, và vũ trụ có một đấng điều hành, đấng đó chính là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời. Ngài sẽ dựa vào lương tâm của con người để xét xử (câu 15, 16). Người không tin Chúa, tức là người theo lương tâm vẫn có tiếng nói lương tâm hướng dẫn và Chúa sẽ xét đoán dựa trên việc người đó có làm theo tiếng nói của lương tâm mình không. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là chúng ta chỉ cần sống theo lương tâm là đủ, vì điều này chỉ áp dụng cho những người tuyệt đối không bao giờ được nghe về Tin Lành của Chúa. Còn lại, qua hình thức này hoặc hình thức khác, ai cũng đều đã ít nhất một hai lần nghe về Chúa. Vì thế, Đức Chúa Trời sẽ dựa vào việc người ấy đã đáp ứng như thế nào trước đạo Chúa.

Thứ hai, người “có luật pháp” có thể nói đó là người tin Chúa nói chung, cụ thể trong đoạn Kinh Thánh này là người Do Thái. Người Do Thái biết rất nhiều về Chúa và hãnh diện về những điều họ biết, tuy nhiên điều đáng trách là họ dạy đạo nhưng không thực hành đạo. Họ lên án người không tin Chúa, tức là người theo lương tâm, là kẻ mù, ở trong tối tăm, ngu dại, ấu trĩ, và dốt nát nhưng họ lại cũng phạm những tội mà người không có đạo đã phạm như trộm cắp, tà dâm, cướp lấy đồ vật của hình tượng và làm nhục đến Đức Chúa Trời. “Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại.” (câu 24).

Vậy thì, người theo lương tâm hay theo đạo Chúa (Lời Chúa) đều phải chịu đoán xét trước mặt Chúa – Đức Chúa Trời. Sự đoán xét của Ngài không chỉ phán xét theo chân lý (Rô-ma 2:2), không chỉ căn cứ trên việc làm của con người (Rô-ma 2:6) nhưng Ngài còn dựa vào “những điều sâu kín nhiệm trong lòng” (Rô-ma 2:16). Vì thế, tất cả đều phải chịu trách nhiệm trong mọi việc mình làm về sự nhận biết Chúa. Dù bạn là người tin Chúa thì Chúa cần thấy việc làm của sự vâng lời và nếu bạn là người cho rằng mình sẽ làm theo tiếng nói của lương tâm thì tiếng nói ấy cũng sẽ mách bảo cho bạn rằng bạn cần nhận biết Chúa và tôn vinh Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Xin tha thứ cho chúng con, đã nhiều lần con khước từ tiếng phán của Ngài qua chính lương tâm cũng như qua lời Chúa trong Kinh Thánh. Xin cho con có lòng nhận biết Chúa và đầu phục Ngài. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa