Truyền Đạo | Cần Tưởng Nhớ Ai?

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến! Bạn có phải là người thích đi du lịch không? Nếu phải, chắc hẳn trước khi đi đến một thành phố xa lạ nào đó, bạn sẽ mở sách hướng dẫn du lịch ra để xem nơi đó có gì đáng để xem. Bạn tìm đến các viện bảo tàng để xem người ta lưu trữ được cái gì hay, cái gì lạ ở đó. Nhân loại bao đời vẫn có những phương cách để lưu truyền lại chính mình, bởi nhân loại biết rằng số phận con người là ngắn ngủi, là phù du. Nhưng liệu những đài tưởng niệm của con người có thể bền vững không, vì có những tượng đài tưởng niệm cho một lý tưởng sống, một chế độ đã bị người ta đập đổ vì nó không đúng, không thích thời, không hợp với văn minh và nhận thức của con người nữa! Thế hệ đang đi qua phải làm gì để thế hệ tương lai ghi nhớ và CẦN TƯỞNG NHỚ AI? Theo lời nhận xét của Vua Sa-lô-môn trong Truyền Đạo 1:11 nói rằng:

Không ai tưởng nhớ những thế hệ đã qua; Những thế hệ mai sau cũng vậy, những người đến sau họ cũng chẳng tưởng nhớ đến họ. [BDM]

Giải thích

Chữ “tưởng nhớ” trong ngôn ngữ Việt Nam bao hàm sự thương nhớ, tiếc nuối xuất phát từ tấm lòng biết ơn người đi trước mình về những điều tốt họ đã làm, những công đức họ đã đóng góp cho đời, cho xã hội, cho gia đình. Tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng ta nên người. Tưởng nhớ các vị anh hùng đã có công gìn giữ nước nhà khỏi nạn ngoại xâm. Tưởng nhớ những vị lãnh đạo đất nước vì tài đức của họ đóng góp cho đất nước trong một giai đoạn lịch sử nào đó… là những điều thật tốt đẹp mà con người có thể làm được. Tuy nhiên sự tưởng nhớ này có giới hạn của nó, con người không thể tưởng nhớ hết được mọi thứ! Cho nên ký ức về người đã mất một ngày kia sẽ không còn nữa. Công việc người đã mất có lớn lao, đáng kể đến đâu cũng chỉ là của một thời đã qua. Con người bận rộn với cuộc sống mưu sinh và với bao nan đề. Tưởng nhớ nếu có chỉ còn là một góc nhỏ, rất nhỏ trong tâm tư con người. Giới hạn của sự tưởng nhớ của con người trong thế giới hiện đại lại càng thêm rõ nét. Mỗi ngày qua phương tiện truyền thông, truyền thanh, qua mạng xã hội chúng ta chứng kiến bao nhiêu điều thương tâm: những đứa trẻ ngất lịm trên tay những người mẹ vì đói, những chàng trai trẻ đẹp, tràn đầy nhựa sống chết vì những viên đạn vô tình trong những cuộc chiến tranh vô nghĩa nào đó, những con người chết trên đường phố vì tai nạn, những con người chết vì quá đau khổ… Có thể bạn đã nhỏ nước mắt, có thể bạn đã công phẫn, có thể bạn đã uất ức, buồn thương. Nhưng rồi ngày ấy qua đi, ngày hôm sau lại những tin tức mới. Cảm xúc buồn thương của ngày hôm qua đã đi qua mất rồi! Ký ức của con người cạn cợt là thế đó. Rồi cuộc đời của chúng ta cũng sẽ qua đi. Rồi sẽ chẳng ai nhớ đến chúng ta. Thật buồn có phải không?

Khái niệm tưởng nhớ dù là trừu tượng, nhưng hành động của sự tưởng nhớ có thể trở thành một hình thức thờ cúng. Vào ngày cuối năm, người Việt thường hay tự nhắc mình tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên bằng một bữa cơm cúng thờ. Nhưng ông bà chúng ta không thể trở thành một vị thần sau khi chết để có thể ban phước và phù hộ chúng ta. Ông bà cũng không thể trở lại để ăn của cúng mà chúng ta dâng lên mỗi năm một lần. Và liệu chúng ta có thể nhớ hết và cúng hết cho tất cả tổ tiên của mình không? Hay nhiều nhất chỉ là ba đời mà thôi, vì ký ức về họ đã nhạt nhòa từ lâu. Vậy thì vị tổ tiên đầu tiên tạo dựng nên con người, ban cho định luật sinh sản để ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra chúng ta, chúng ta sinh ra con cái, để dòng giống con người được bảo tồn trải qua các đời là ai? Đấng Tạo Hóa đó ở đâu trong cái nhu cầu tưởng nhớ của chúng ta? Ông Trời mà chúng ta vẫn có qua những câu ca dao tục ngữ dân gian: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm… hay: Trời cao có mắt, lưới trời lồng lộng… Đấng hiện hữu mỗi ngày trên cửa miệng khi chúng ta ngạc nhiên, vui mừng, đau khổ luôn thốt lên: Trời ơi! Chính ông Trời đó là Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh nói đến: Là Đấng sáng tạo nên vũ trụ, sáng tạo nên con người, ban cho con người linh hồn và sự sống. Ngài chẳng bỏ mặc thế giới cho tội lỗi và bất trắc ở trần gian. Ngài chẳng bỏ con người cho một cuộc đời đến và đi rồi không còn ai nhớ đến. Ngài chăm lo cho tạo vật của Ngài và đã ban Chúa Giê-xu Con một của Ngài đến trần gian để chết thay cho nhân loại, trong đó có anh chị em và tôi. Nhờ công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu trên thập tự giá mà chúng ta có thể bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Chẳng phải chỉ ở cuộc đời sau khi chết, mà ngay cõi đời tạm này, chúng ta cũng sẽ hưởng được sự bình an, phước hạnh Ngài ban cho. Đức Chúa Trời là Thần, Đấng cầm quyền trên sự sống và sự chết của chúng ta và của cả vũ trụ này, chỉ có Ngài mới có thể ban phước và giáng họa. Chỉ có Ngài xứng đáng để chúng ta tưởng nhớ, tôn thờ, phục vụ hết lòng.

Cầu nguyện

Lạy Cha ái từ! Con cảm ơn Chúa cho con thấy sự vô nghĩa của cuộc đời này và cho con biết rằng Chúa nhớ đến con. Xin ban cho con niềm tin nơi Ngài và cho con hết lòng tưởng nhớ, thờ phượng chỉ một mình Chúa, Đấng ban sự sống, Đấng có thể ban phước và giáng họa. Con tin rằng Chúa có chương trình cho cuộc đời con và Ngài yêu thương con. Lạy Cha, xin cũng thương xót và cứu dân tộc Việt Nam của chúng con, trong đó có gia đình, họ hàng dòng tộc của chúng con. Xin Chúa bày tỏ Ngài là ai để họ nhận biết và thờ lạy Cha. Nhân Danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Ân Điển

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa