Ê-sai | Vương Quốc Hoàn Hảo Của Đấng Mê-si-a (II)
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Quý anh chị em thân mến! Từ những năm 1970, vị vua thứ tư của Bhutan đã tuyên bố với thế giới rằng: “Tổng hạnh phúc quốc dân thì quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc dân”. Gần đây, thủ tướng Bhutan nói về Bhutan là quốc gia có lượng carbon âm tính trong bài diễn thuyết trên TED talk khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Liệu Bhutan có phải là quốc gia hạnh phúc nhất không?” Khi mà Bhutan đang đối diện nhiều vấn đề như tỉ lệ tự sát cao, nhiều người nghèo… Các nhà lãnh đạo Bhutan luôn nhấn mạnh rằng thay vì chạy theo các chính sách về kinh tế như các quốc gia khác, thì Bhutan lấy tự nhiên làm trung tâm, bảo vệ nền sinh thái của quốc gia như hướng đi để tạo nên một vương quốc tốt đẹp và hạnh phúc. Tuy nhiên, việc chạy theo chính sách kinh tế bất chấp bảo vệ hệ sinh thái hay bảo vệ hệ sinh thái mà không quá lưu tâm đến kinh tế đều không thật sự tạo ra một quốc gia hạnh phúc trên thế giới. Vậy chìa khóa thật sự cho một quốc gia tốt đẹp và hạnh phúc là gì? Kính mời quý vị cùng lắng nghe điều này qua lời Chúa trong Ê-sai 11:10-16 với đề tài VƯƠNG QUỐC HOÀN HẢO CỦA ĐẤNG MÊ-SI-A.
10 Trong ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm ngọn cờ cho các dân tộc; các nước đều tìm đến Ngài, và nơi ngự của Ngài sẽ đầy vinh quang.
11 Trong ngày đó, Chúa còn đưa tay ra một lần nữa để chuộc dân sót của Ngài, tức là dân còn lại từ A-si-ri, Ai Cập, Pha-trô, Cút, Ê-lam, Si-nê-a, Ha-mát và các hải đảo.
12 Ngài sẽ dựng một ngọn cờ cho các nước, quy tụ những người Y-sơ-ra-ên bị ruồng bỏ, tập hợp những người Giu-đa lưu lạc từ bốn phương trên đất.
13 Bấy giờ, sự ghen tị của Ép-ra-im không còn nữa, kẻ thù của Giu-đa sẽ bị tiêu diệt; Ép-ra-im sẽ không còn ghen tị Giu-đa, và Giu-đa không còn căm thù Ép-ra-im nữa.
14 Họ sẽ tấn công Phi-li-tin về phía tây, cùng nhau cướp bóc dân phương Đông; Tay họ giơ ra chống lại dân Ê-đôm và Mô-áp, dân Am-môn thần phục họ.
15 Đức Giê-hô-va sẽ làm khô cạn vịnh Ai Cập; Vung tay trên Sông Cái với ngọn gió nóng, Ngài tách nó ra thành bảy dòng suối, và khiến người ta có thể đi qua không ướt dép.
16 Vậy sẽ có một đường cái cho dân sót của Ngài, là những người còn lại từ A-si-ri; Cũng như đã có một đường cái cho Y-sơ-ra-ên, trong ngày họ ra khỏi đất Ai Cập.
[Ê-sai 11:10-16, BTTHĐ]
Giải thích
Ê-sai đã nói tiên tri về một vương quốc hoàn hảo và hòa bình tuyệt đối khi Đấng Mê-si-a đến và cai trị thế giới này bằng sự công chính của thần quyền (Ê-sai 11:1-9). Phần còn lại của sứ điệp này, Ê-sai tiếp tục nói về ý định đời đời của Đức Chúa Trời trên tuyển dân trong việc thiết lập vương quốc của Đấng Mê-si-a. Những nhân tố của vương quốc Mê-si-a sẽ bao gồm một dân tộc Do Thái được tập hợp lại và được hợp nhất.
Chúng ta biết vương quốc phía Bắc đã bị A-si-ri thôn tính và bắt đi lưu đày vào năm 722 TC và sau đó đến năm 598 TC, vương quốc phía Nam, Giu-đa cũng đã bị bắt đi lưu đày bởi Ba-by-lôn. Dân Chúa đã đối diện với những điều đó là bởi sự sửa phạt của Ngài. Tuy nhiên, sứ điệp hy vọng đã đến với họ về lời hứa của sự phục hồi. Khi nhìn lui về lịch sử của tuyển dân, trong một ý nghĩa giới hạn, thì lời hứa này đã được ứng nghiệm sau khi A-si-ri suy tàn sau hơn 300 năm thống trị và dân Do Thái thoát khỏi sự giam cầm ở Ba-by-lôn; cũng như khi Chúa đã phục hồi dân tản lạc của họ từ khắp nơi trên thế giới vào năm 1948. Nhưng sự ứng nghiệm cuối cùng của lời hứa này sẽ ở vào cuối thời kỳ khi Đấng Mê-si-a nhóm họp dân Ngài lại (Ma-thi-ơ 24:31; Rô-ma 11:25-29).
Ở đây Ê-sai đang đề cập một sự Xuất Hành Khỏi Ai Cập lần thứ hai khi Đức Chúa Trời đưa dân tan lạc của Ngài trở về xứ Giu-đa, và Đấng Mê-si-a sẽ đến để cai trị thế gian này. Khi Đức Chúa Trời gọi dân sự Ngài trở về xứ, Ngài sẽ dọn đường cho họ (Ê-sai 40:3-4) và dẫn dắt họ một cách bình an (Ê-sai 42:16). Sự phân rẽ nhiều thế kỷ giữa Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sẽ đi đến kết thúc, và thậm chí dân ngoại sẽ bước đi trên “đường cái” dẫn đến Giê-ru-sa-lem.
Trên phương diện tâm linh, “đường cái” của Đức Chúa Trời còn mang ý nghĩa là “Đường Thánh” (Ê-sai 35:8). Khi Ê-sai nhìn vào dân sự, ông nhìn thấy một dân tộc tội lỗi một ngày nào đó sẽ bước đi trên con đường của sự thánh khiết và bước vào một vương quốc công bình. Ông nhìn thấy một dân hoạn nạn một ngày nào đó sẽ vui hưởng một vương quốc đẹp đẽ và hòa bình. Ông nhìn thấy một dân tản lạc sẽ được nhóm lại và hiệp nhất dưới vương quyền của Chúa Giê-xu Christ.
Kính thưa quý vị! Tình trạng đời sống chúng ta cũng có nhiều điều tương đồng với dân Y-sơ-ra-ên. Tất cả mọi vấn nạn của đời sống là hậu quả tất yếu của tội lỗi, và chỉ có sự đến của Nước Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta mới thực sự giải quyết được các vấn nạn ấy. Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta cầu nguyện “Nước Ngài được đến” (Ma-thi-ơ 6:10) vì chỉ khi nước Ngài đến mới có thể có hòa bình trên đất. Chúng ta cầu nguyện và có thể chuẩn bị cho sự đến của Nước Chúa bằng việc mạnh mẽ rao truyền Phúc Âm và sửa soạn đời sống của mình một cách xứng đáng. Vậy bạn đang mong đợi sự đến của Nước Chúa như thế nào?
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Con khao khát nhìn thấy thế giới này sớm trở nên tốt đẹp và hạnh phúc như lời hứa của Ngài. Và con biết rằng điều này chỉ xảy ra khi nước Chúa được đến trong tấm lòng của mỗi một người trên đất. Nguyện xin vương quốc của Chúa mau đến qua sự đầu phục Chúa và sự mạnh mẽ rao truyền Phúc âm của chính con. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Đăng Trúc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét