Gia-cơ | Cơ Đốc Nhân Có Nên Thề Thốt?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Xin kính chào quý vị thính giả trong tình yêu của Chúa Giê-xu!
Trong cuộc sống có lẽ chúng ta vẫn thường nghe những lời thề trong những câu chuyện hay trong lời nói cửa miệng của nhiều người. Có vẻ như những lời đó không ảnh hưởng gì và nhiều người cho rằng việc thề thốt chỉ là chuyện nhỏ, không quan trọng vì “lời nói gió bay”. Vậy thì, tại sao người ta lại thề thốt? Chủ yếu là người ta muốn tiếng nói của mình có trọng lượng, có thẩm quyền khi nói chuyện thì dùng lời thề để bảo chứng.
Vậy, là Cơ Đốc Nhân chúng ta có nên thề thốt hay không? Lời Chúa dạy rất rõ về lời ăn tiếng nói của người theo Chúa. Trong giờ tĩnh nguyện hôm nay chúng ta cùng xem Lời Chúa trong Gia-cơ 5:12 dạy về điều này để có lời ăn tiếng nói phù hợp và xứng đáng là người mang danh của Đấng Christ.
12 Hỡi anh em, trước hết chớ có thề, chớ chỉ trời, chỉ đất, cũng chớ chỉ vật khác mà thề; nhưng phải thì nói phải, không thì nói không, hầu cho khỏi bị xét đoán.
Giải thích
Lời thề là một hình thức để đảm bảo lời mình nói ra, vì thế thề nguyền chỉ dành cho những việc thật là trọng đại và quan trọng mà thôi. Thông thường người ta có khuynh hướng thề thốt trong lời nói của mình, ngay cả những việc tầm thường cũng thề và còn nhân danh Chúa mà thề những chuyện không đáng nên có. Nhiều người ngộ nhận cho rằng Chúa cấm việc thề nguyền, ngay cả việc ra tòa làm chứng và thề nguyền để bảo đảm lời chứng thì nhiều Cơ Đốc nhân đã khước từ và thậm chí tránh mọi hình thức thề nguyện nào. Vậy trước hết chúng ta nên tìm hiểu xem luật pháp thời Cựu Ước đã răn dạy thế nào về việc thề thốt?
Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13 Chúa dạy: “Ngươi phải kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, phục sự Ngài và lấy danh Ngài mà thề.” Theo lời Chúa dạy Ngài không cấm chúng ta thề, và theo Lê-vi Ký 19:12 có ghi: “Các ngươi chớ chỉ danh ta mà thề dối, vì ngươi làm ô danh của Đức Chúa Trời mình: Ta là Đức Giê-hô-va.” điều này cho thấy vì con người có khuynh hướng nói dối và cố ý nói những điều không có thật nên lời răn dạy trên chủ yếu là để ngăn ngừa bản tính cong vẹo hay nói dối của con người.
Khi nói dối khiến cho cuộc sống trở nên rối loạn và người ta không còn tin lời nói của nhau nữa. Vì thế, Lời Chúa truyền rằng: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.” Tức là dù nói hay thề thốt gì thì phải nhớ rằng Chúa là Đấng chí thánh, chân thật nên con dân Chúa phải sống cho xứng đáng, từ lời ăn tiếng nói. Khi nào thề nguyền thì phải nhớ rằng không được dối trá.
Từ đó, các lãnh đạo Do Thái giáo dạy rằng: “Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình.” (Ma-thi-ơ 5:33). Điểm chính yếu mà người ta chú trọng là đừng vi phạm vào hành động răn cấm, tức là đừng thề dối. Muốn làm gì, nói gì cũng được, miễn sao không bị cáo là thề dối là được. Thật ra dù không thề dối, nhưng làm dối và khiến người ta hiểu lầm cũng là dối trá.
Quay lại với câu Kinh Thánh trong Gia-cơ 5:12 khuyên: “Hỡi anh em, trước hết chớ có thề…” có lẽ ông muốn nhắc chúng ta về lời dạy của Chúa Giê-xu trong Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ. 5:34-37). Theo bối cảnh thời bấy giờ, người Do Thái có thói quen dùng lời thề để hậu thuẫn cho những điều họ nói ra. Tuy nhiên, theo lời Chúa răn dạy là không được lấy danh Chúa mà thề nên để tránh đề cập đến danh Chúa, họ thường dùng những tạo vật vĩ đại Chúa tạo dựng như trời, đất hay thậm chí thành Giê-ru-sa-lem để thề thốt nhằm khẳng định điều mình nói là đáng tin. Bởi vì, họ nghĩ rằng những việc đó, vật đó ở ngoài Chúa và không đụng đến danh Chúa hầu cho không phạm tội lộng ngôn với Ngài và cũng sẽ không can hệ gì nếu họ làm không đúng theo lời đã thề thốt. Điều này thể hiện rằng mục đích của sự thề thốt vốn là không có tính chân thành, bản chất của những lời thề mang tính gian dối, lừa lọc từ bên trong, ý đồ của lời thề là muốn qua mặt người khác và làm ra vẻ chắc chắn nhưng thật ra chỉ là “nắng bề nào che bề đó”.
Nhưng Chúa Giê-xu Christ dạy rằng những cách thề thốt đó cũng không thể tránh được tội phạm thượng với Đức Chúa Trời. Trời là ngôi Đức Chúa Trời, đất là bệ chân Ngài và thành Giê-ru-sa-lem là “thành của Vua lớn”. Có ích gì khi chỉ đầu mà thề? “Vì tự ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay là đen được.” (Ma-thi-ơ 5:36) chúng ta thật ra cũng không thể giữ lại được một sợi tóc ở trên đầu mình.
Gia-cơ viết thư tín này là để khích lệ các tín hữu trong thế kỷ đầu tiên đang chịu khổ vì đức tin. Chúng ta biết mục đích của sự chịu khổ vì danh Chúa là nhằm xây dựng nhân cách cho Cơ Đốc nhân. Đây cũng là điều mà Cơ Đốc nhân trong mọi thời đại cần phải trải qua. Trong khi chịu khổ chúng ta cần đạt đến phẩm tính nhịn nhục. Và người giữ được lời nói mình, không cong quẹo, không lắm lời, không thề thốt là người đạt đến mức nhịn nhục sau cơn thử thách.
Một nguyên tắc căn bản cho thấy phẩm cách Cơ Đốc thật cần phải thể hiện là cần ít nói. Người nào lắm lời hoặc hay thề thốt để thuyết phục người khác thường là người có nhân cách chưa hoàn chỉnh nên phải củng cố khuyết điểm bằng sự thế thốt của mình. Nếu bạn là Cơ Đốc nhân thật có phẩm cách trung thực, thì chúng ta cần học như lời Gia-cơ khuyên: “phải thì nói phải, không thì nói không, hầu cho khỏi bị xét đoán”. Vậy chỉ cần nói “vâng” hoặc “không” thì lời nói của mình vẫn đủ sức thuyết phục và mặt khác cũng không bị người khác xét đoán nữa.
Vậy thì, trong mối giao tiếp với mọi người, nếu bạn hay có thói quen hứa hẹn hoặc thề thốt trên môi miệng thì qua lời Chúa dạy hôm chúng ta cần tập tành nói lời thành thật và có việc làm chân thành. Không nói thêm, không nói bớt nhưng nói cách đúng đắn. Chúng ta cần thành thật với chính mình và chân thành với mọi người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu! Nguyện xin Chúa cho chúng con biết nói lời chân thật trước Chúa và trước mọi người chứ không dùng những lời thề thốt để bảo đảm cho lời nói của mình hay để đẹp lòng người nghe. Xin Chúa thánh hóa môi miệng con để mọi lời con nói ra bày tỏ lẽ thật của Ngài. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét