Rô-ma | Vai Trò Của Luật Pháp
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính thưa quý anh chị em thân mến! Nelson Mandela, tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi (1994-1999) đã từng bị giam giữ và bị xúc phạm trong suốt 27 năm. Đến khi ông trở thành tổng thống Nam Phi, ông đã mời ba người cai ngục từng canh giữ ông trong thời gian lao tù đến gặp mặt. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào ba vị này thì mọi người có mặt đều phải nín lặng. Ông nói: “Khi tôi bước khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ rằng, nếu tôi không thể để nỗi đau riêng của mình và oán giận ở lại đằng sau thì tôi vẫn như đang ở trong tù.”
Kính thưa quý vị, qua câu chuyện trên cho thấy, tội lỗi không chỉ là những hành động thấy được như cướp giật, giết người, đánh đập, dâm dục… nhưng tội lỗi nó xuất phát ngay từ trong lòng, trong tâm trí, trong tư tưởng chúng ta. Nếu không nhờ luật pháp, điều răn của Chúa bày tỏ, thì chúng ta vẫn không nhận biết tình trạng tội lỗi của mình.[2] Hôm nay chúng ta cùng đọc Rô-ma 7:7-13 để hiểu rõ hơn về VAI TRÒ CỦA LUẬT PHÁP là như thế nào.
7 Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Luật pháp há là tội lỗi sao? Chẳng hề như vậy! Nhưng tôi chỉ bởi luật pháp mà biết tội lỗi; vì nếu luật pháp không nói: Ngươi chớ tham lam, thì tôi đã không biết sự tham lam.
8 Ấy là tội lỗi đã nhân dịp, bởi điều răn mà sanh ra mọi thứ ham muốn trong lòng tôi: Vì không có luật pháp thì tội lỗi chết đi.
9 Ngày xưa tôi không có luật pháp mà tôi sống; nhưng khi điều răn đến, thì tội lỗi lại sống,
10 còn tôi thì chết; vậy thì té ra điều răn vốn nên làm cho tôi sống, đã dắt tôi đến sự chết.
11 Vì tội lỗi đã nhân dịp, dùng điều răn dỗ dành tôi và nhân đó làm cho tôi chết.
12 Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.
13 Vậy thì điều lành trở làm cớ cho tôi chết sao? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là tội lỗi đã làm cho tôi chết, hầu khi nó nhân điều lành làm chết tôi, tự bày ra nó là tội lỗi; đến nỗi tội lỗi nhân điều răn trở nên cực ác.
Giải thích
Theo lời trình bày ở phần đầu đoạn 7 cho thấy dường như luật pháp không còn cần thiết và ích lợi gì nữa cho những ai tin vào Chúa Giê-xu. Nhưng tại đây sứ đồ Phao-lô cho thấy những việc làm của luật pháp là cần thiết và vai trò của nó vẫn còn hợp đến ngày nay. Luật pháp tỏ cho chúng ta thấy có ít nhất ba vai trò sau:
1/ Luật pháp phơi bày tội lỗi (Rô-ma 7:7). Luật pháp phơi bày cho chúng ta thấy con người bên trong và biết được mình ô uế như thế nào, sự ô uế này không chỉ là hành động bên ngoài mà là thái độ bên trong. Trong điều răn cuối cùng “chớ tham lam” thể hiện động cơ và thái độ bên trong lòng chúng ta, nó bao hàm tất cả mọi hành động của tội lỗi bên ngoài. Sự tham lam này dẫn đến hành động vi phạm các điều răn còn lại. Đây là tội lỗi không thấy được mà con người không nhận ra nhưng luật pháp đã phơi bày sự kín giấu này.
2/ Luật pháp phát sinh tội lỗi (Rô-ma 7:8-9). Chúng ta thấy trong bản chất con người luôn có một sự chống cự và muốn phản đối lại bất cứ một điều luật nào được ban ra. Ngay cả một đứa trẻ khi bị cấm đoán làm điều nào đó thì nó liền làm ngay cái điều cấm ấy. Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 15:56 cho biết “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” bởi vì con người sau khi sa ngã mang bản chất tội lỗi, nên khi có luật lệ nào đặt ra thì bản chất tội lỗi tự nhiên phát sinh và tạo thêm nhiều rắc rối. Vì thế khi con người ban hành và cố gắng tuân giữ luật pháp thì điều đó không làm cho con người thánh khiết hơn nhưng càng phát sinh tội lỗi hơn.
3/ Luật pháp đưa đến chỗ chết (Rô-ma 7:10-11). Luật pháp được lập ra với mục đích là giúp con người sống tốt, chứ luật pháp không thể ban ra sự sống được. Hơn nữa, khi có luật pháp, con người không vì sự hướng dẫn của luật pháp để vâng phục và sống tốt hơn nhưng bởi sự phản nghịch trong bản chất nên cuối cùng luật pháp là đường dẫn con người đến chỗ chết.
Với những điều đã nói ở trên không có nghĩa là luật pháp mắc lỗi, nhưng lời kết luận ở câu 12 khẳng định: “Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.” Nhưng bởi vì luật pháp bày tỏ tội lỗi, làm thức tỉnh tội lỗi và bởi tội lỗi mà con người bị kết án, hình phạt của tội lỗi là sự chết nên câu 13 tiếp theo là lời giải thích: “Vậy thì điều lành trở làm cớ cho tôi chết sao? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là tội lỗi đã làm cho tôi chết, hầu khi nó nhân điều lành làm chết tôi, tự bày ra nó là tội lỗi; đến nỗi tội lỗi nhân điều răn trở nên cực ác.”
Chính tội lỗi ở bên trong lòng con người khiến chúng ta làm những điều luật pháp cấm. Như vậy, “tội lỗi nhân điều răn trở nên cực kỳ ác” tức là với bản chất sa ngã con người luôn muốn làm những điều luật pháp ngăn cấm, bởi có luật pháp nên bản chất tội lỗi được đánh thức và càng nổi loạn để làm điều tệ hại hơn, vì thế tội lỗi trở nên cực ác là thế.
Tuy nhiên, chúng ta không thể dựa vào phần Thánh Kinh này mà đổ lỗi rằng chúng ta phạm tội là vì luật pháp. Nhưng qua đây chúng ta thấy được luật pháp không thể giải quyết vấn đề tội lỗi và cũng không có cách nào cứu chúng ta khỏi hình phạt của tội lỗi.
Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta thấy được sự nguy hại của bản chất tội lỗi bên trong con người chúng ta và chỉ có một cách duy nhất để diệt trừ gốc rễ của tội lỗi là tin vào sự chết của Chúa Giê-xu, chỉ có phương cách này mới có thể giải cứu chúng ta và mang đến cho chúng ta sự sống thật.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Cảm tạ ơn Ngài đã ban ra những điều răn, luật lệ để cho chúng con thấy được tội lỗi của mình, qua đó con cũng thấy được không điều gì có thể giải cứu chúng con khỏi hình phạt của tội lỗi ngoài sự chết hy sinh của Đấng Christ. Xin giúp con xưng nhận sự yếu đuối bất toàn của mình để nhờ cậy ân điển Chúa mà được tha thứ tội và được nhận lấy sự sống mới ở trong Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen
Grace Ngo
[2] Theo lời chia sẻ của Y-sét Sruk – sinh viên trường VKBS
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét