Rô-ma | Niềm Hy Vọng Chắc Chắn

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến! “Chiếc Lá Cuối Cùng” là một truyện ngắn của nhà văn người Mỹ O. Henry. Chuyện kể về một cô gái trẻ Johnsy bị viêm phổi nặng và tuyệt vọng nằm đếm những chiếc lá thường xuân ngoài cửa sổ phòng bệnh của mình rụng xuống. Cô đã đau nặng đến nỗi nghĩa rằng khi chiếc lá cuối cùng lìa cành cũng là lúc cô sẽ ra đi.

Thế rồi, sau một đêm mưa bão, chiếc lá cuối cùng trên cây vẫn ở đó. Sự kiện này làm cho Johnsy thay đổi nhận thức, đồng ý ăn uống và tiếp tục điều trị. Không ngờ chiếc lá ấy chính là “kiệt tác” của một người họa sĩ già đã vẽ lên tường trong cái đêm chiếc lá cuối cùng rụng xuống để giúp Johnsy giữ vững tinh thần, nhưng người hoạ sĩ già đã ra đi vì bệnh sưng phổi sau đêm giông bão, nhưng ông ra đi với sự thỏa lòng khi vẽ được kiệt tác chiếc lá cuối cùng cứu sống Johnsy. 

Thế giới ngày nay cũng đang đối diện với nhiều nan đề khi phải vật lộn với những khó khăn, dịch lệ, bệnh tật, thất nghiệp, khủng hoảng… khiến nhiều người trong chúng ta thấy mọi thứ như bế tắc và cùng đường. Nhưng bạn ơi, đừng đánh mất hy vọng, nhất là con cái của Chúa thì chúng ta có một NIỀM HY VỌNG CHẮC CHẮN về sự vinh hiển trong tương lai khi Chúa chúng ta trở lại như lời Kinh Thánh ở Rô-ma 8:18-25 đã ghi. Xin mời cùng lắng nghe Lời Chúa.

18 Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.
19 Thật thế, muôn vật ước ao nóng nảy mà trông đợi con cái Đức Chúa Trời được tỏ ra.
20 Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Đấng bắt phục.
21 Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời.
22 Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay;
23 không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng, đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy.
24 Vì chúng ta được cứu trong sự trông cậy, nhưng khi người ta đã thấy điều mình trông rồi, ấy không phải là trông nữa: mình thấy rồi, sao còn trông làm chi?
25 Song nếu chúng ta trông điều mình không thấy, ấy là chúng ta chờ đợi điều đó cách nhịn nhục.

Giải thích

Trong địa vị làm con của Đức Chúa Trời, chúng ta được hưởng tất cả vinh hiển của thiên đàng. Tuy nhiên, trước khi đạt được vinh hiển ấy chúng ta phải trải qua đau khổ. Phần Kinh Thánh hôm nay là sự đảm bảo về lời hứa của Chúa hầu khích lệ con cái Chúa nhẫn nhục chịu khổ khi còn sống trên đất này.

Niềm hy vọng chắc chắn của chúng ta vào lời hứa của Chúa trước hết là sự khẳng định “những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến” (câu 18). Lời này cho thấy thời gian và mức độ chịu khổ trong đời này không đáng kể so với những gì chúng ta sẽ được hưởng trong đời sau. Chúng ta chỉ phải chịu khổ trong một thời gian ngắn, còn vinh quang Chúa dành cho chúng ta là đời đời, không bao giờ chấm dứt.

Sự nhọc nhằn, gian khổ này thì không chỉ giới hạn cho người tin Chúa mà còn liên hệ đến muôn vật “thật thế, muôn vật ước ao nóng nảy mà trông đợi con cái Đức Chúa Trời được tỏ ra.” (câu 19). Thế giới ban đầu Chúa tạo ra thật tốt lành nhưng bởi tội lỗi đã khiến vạn vật bị rủa sả, “bị bắt phục sự hư không” (câu 20) và “làm tôi sự hư nát” (câu 21).

Ngày nay, hơn lúc nào hết chúng ta chứng kiến toàn thiên nhiên đang bị hư hoại bởi tội lỗi gây ra như thế nào. Sự mất cân bằng sinh thái khiến khí hậu bị biến đổi, những trận lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần, núi lửa và cháy rừng liên tiếp xảy ra. Đó là những bằng chứng rõ ràng về tình trạng băng hoại mà vạn vật đang rên rỉ, đau đớn trông mong đến ngày được thay đổi.

Con cái Chúa cũng như vạn vật đang trải qua một tiến trình đau khổ và chúng ta cũng đang mong chờ ngày được giải thoát. Sự giải thoát đó là “sự cứu chuộc thân thể” trong ngày Chúa trở lại. Lý do chúng ta than thở vì chúng ta đã kinh nghiệm “trái đầu mùa Thánh Linh”, tức là chúng ta đã nhận lãnh sự ban cho của Đức Thánh Linh và nếm trước những phước hạnh của thiên đàng qua công việc của Thánh Linh. Điều này khiến con cái Chúa mong muốn gặp Chúa, nhận thân thể mới, sống với Ngài và phục vụ Ngài mãi mãi. Chúng ta đang chờ đợi lúc mà chúng ta hoàn toàn nhận lãnh đặc ân của quyền làm con nuôi. Khi ấy, mỗi chúng ta được ở trong địa vị trưởng thành trong gia đình Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, ngày nay chúng cần phải “chờ đợi điều đó cách nhịn nhục” (câu 25). Vì “chúng ta được cứu trong sự trông cậy” (câu 24) nghĩa là chúng ta đã được cứu rồi nhưng vẫn đang trông chờ để được giải thoát hoàn toàn, tức là được giải cứu về phần xác nữa. Vì sự chịu khổ nằm trong chương trình cứu rỗi mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, như Chúa Giê-xu đã từng chịu nên con cái Chúa đừng vì những gian khổ ở đời này mà thất vọng, chán nản nhưng có một niềm hy vọng chắc chắn rằng đến một ngày sự đau khổ, buồn thảm tạm thời sẽ nhường chỗ cho sự vui mừng, vinh hiển đời đời.

Bạn đang trải qua những nỗi nhọc nhằn, gian khổ nào? Hãy vận dụng đức tin và niềm hy vọng chắc chắn nơi lời hứa của Chúa để tiếp tục sống và bền đỗ cho đến ngày Chúa trở lại.

Cầu nguyện

Kính lạy Cha yêu dấu! Giữa những gian khổ mà con người và vạn vật đang trải qua, xin cho con có lòng nhẫn nhục chờ đợi với niềm hy vọng chắc chắn về lời hứa của sự giải cứu trọn vẹn trong ngày Chúa trở lại. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa