Rô-ma | Tình Yêu Chân Thật

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

 

Lời ngỏ

Kính chúc quý anh chị em một ngày tốt lành!

Tất cả chúng ta đều được Đức Chúa Trời phú ban cho một đức tính tuyệt vời, đó là đức tính yêu thương. Bởi vì tình yêu thương là bản chất của Đức Chúa Trời như trong I Giăng 4:16 cho biết “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” và Ngài tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, tức là theo đặc tính yêu thương giống như Ngài. Vì yêu thương mà Chúa đã bày tỏ tình yêu bằng hành động hy sinh chính Con Một của Ngài để cứu chuộc nhân loại. Là con cái Chúa, chúng ta cũng cần bày tỏ bản chất yêu thương của Ngài trong nếp sống của mình. Qua yêu thương, chúng ta có thể biến điều khiếm khuyết thành điều hoàn hảo; nhờ yêu thương, chúng ta có thể san bằng mọi hố sâu ngăn cách. Con người chúng ta được sinh ra với hai bàn tay trắng, bước vào đời, chúng ta luôn cần sự trợ giúp của người khác. Vì thế Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết để phục vụ người khác và để làm vinh hiển danh Chúa. Vì vậy TÌNH YÊU CHÂN THẬT là đức tính chúng ta cần phải có và cần thực hành trong đời sống như Lời Kinh Thánh trong Rô-ma 12:9-16 đã dạy.

9 Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành.
10 Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau.
11 Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa.
12 Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện.
13 Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách.
14 Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa.
15 Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.
16 Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan.

Giải thích

Khi tin Chúa thì chúng ta được gọi là Cơ Đốc nhân. Và một trong những phẩm chất đầu tiên mà Cơ Đốc nhân có được đó là tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Tình yêu thương này không phải đến từ con người nhưng được phát xuất từ nơi Đức Chúa Trời, bởi con người nhận được tình yêu của Chúa, được Chúa đổi mới cho nên tình yêu thương này không phải là cảm tính nhất thời hay những cảm xúc chóng qua mà là tình yêu chân thành và lâu bền cùng với những hành động tích cực giống như tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta. Lòng yêu thương chân thật ấy được biểu lộ qua nếp sống bằng những hành động cụ thể được mô tả trong Rô-ma 12:9-21. Hôm nay chúng ta sẽ học và thực hành những hành động yêu thương này từ câu 9-16.

  1. Ghét điều ác, thích điều lành: Biểu hiện đầu tiên của nếp sống yêu thương là sẽ gớm ghê, ghét bỏ và tránh xa điều ác, điều tội lỗi và thay vào đó là yêu thích và theo đuổi những việc thiện lành.
  2. Yêu mến và kính nhường nhau: Tình yêu thương thành thật của con cái Chúa sẽ bày tỏ trong sự đối đãi với mọi người xung quanh bằng tình yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Không những thế còn bày tỏ sự “kính nhường” nhau, hàm ý vừa tôn trọng người trên vừa nhường nhịn người dưới và xem lợi ích của người khác trên lợi ích của chính mình.
  3. Siêng năng làm việc, sốt sắng hầu việc Chúa: Con cái Chúa cần có tinh thần làm việc siêng năng, cần cù chứ không biếng nhác. Ngoài ra, tinh thần làm việc nhiệt thành này không chỉ là trong công việc mưu sinh mà cũng phải có tinh thần sốt sắng phục vụ Chúa và mọi người. Cụm từ “có lòng sốt sắng” nguyên văn là “tâm linh nhiệt thành” và “tâm linh” thường được hiểu là chỉ về Đức Thánh Linh, vì thế người “có lòng sốt sắng” có nghĩa là lòng nhiệt thành do Đức Thánh Linh cung ứng.
  4. Vui mừng trong hy vọng, nhẫn nại trong hoạn nạn, bền lòng trong cầu nguyện: Người có lòng yêu thương thành thật sẽ có niềm hy vọng chắc chắn vào Chúa, sẽ không chán nản hay than phiền mà luôn có tinh thần vui mừng, có sự kiên trì chịu đựng khi gặp khó khăn, hoạn nạn và bền lòng cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, dù thuận cảnh hay nghịch cảnh vẫn luôn duy trì sự tương giao với Chúa.
  5. Chia sẻ sự cần dùng cho các thánh đồ và ân cần tiếp khách: Vì được kể là anh em trong Chúa như anh em ruột thịt nên sẵn sàng chia sẻ những nhu cầu cần dùng cho nhau. Đây là điều các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên đã áp dụng (Công vụ 4:34-35). Cơ Đốc nhân không chỉ có sự quan tâm, chăm sóc người cùng niềm tin với nhau mà cả đối với người khác, nhất là đối với khách lạ. Khi nói “ân cần tiếp khách” không có nghĩa là ân cần tiếp đãi những người quen biết đến nhà, mà là những người lạ, những người chưa quen cần có chỗ trú ngụ thì con cái Chúa phải có tấm lòng yêu thương và tiếp đãi những người đó cách chu đáo.
  6. Chúc phước cho người bắt bớ mình: Tại đây chúng ta nhớ lại lời dạy trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 5:44). Người ta thường chúc phước cho người thân, người mình kính mến, người yêu thương mình nhưng Chúa Giê-xu dạy chúng ta cần phải yêu cả người bắt bớ mình và chúc phước cho họ. Khi chúng ta có thể chúc phước cho người gây khó khăn, bức hại chúng ta là chúng ta đang bày tỏ tình yêu của Chúa Giê-xu thực sự được lưu xuất trong chúng ta, vì đó cũng là bản chất tình yêu tha thứ giống như Ngài tha thứ cho kẻ bắt bớ và đóng đinh Ngài.
  7. Hòa mình với anh em mình: “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (câu 15) thể hiện sự hòa mình, đồng cảm với mọi cảnh ngộ của anh em trong Chúa, chúng ta vui khi thấy người khác thành công và cùng khóc với những người anh em đang trong sự hoạn nạn, thử thách.

Phần kết luận cho những hành động yêu thương ở trên là “trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan.” (câu 16). Những điều này thật khó áp dụng nhưng chúng ta là những người đã thuộc về Chúa, khi có tình yêu thương chân thật sẽ giúp cho chúng ta nhận biết chính mình mà ăn ở hòa hiệp với mọi người, có thái độ khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn mình thì tự nhiên sẽ nảy sinh những hành động yêu thương phát xuất từ tấm lòng yêu thương chân thành.

Cầu nguyện

Kính lạy Cha yêu dấu! Chúng con nhận biết mình không đủ sức để có thể sống bày tỏ tình yêu thương như Lời Chúa dạy hôm nay. Nguyện xin Chúa Thánh Linh hành động mạnh mẽ trong lòng con để mỗi ngày con biết từ bỏ chính mình bằng sự đổ đầy tình yêu của Ngài trong lòng con hầu cho con có thể sống bày tỏ tình yêu của Ngài. Chỉ bởi nếp sống yêu thương của chúng con là con cái của Ngài thì thế giới này mới có thể nhận biết được tình yêu của Cha Thiên Thượng. Con cảm tạ Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa