Rô-ma | Yêu Kẻ Thù
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chúc quý anh chị em một ngày tốt lành!
Có một chuyện vui kể lại ở một Hội Thánh kia, trong buổi học Kinh Thánh về đề tài tha thứ. Đến cuối giờ người hướng dẫn hỏi “ai trong quý vị sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù mình?” Tất cả mọi người đều giơ tay đáp ứng lại lời dạy. Ngay lúc đó, có một đứa bé chạy từ ngoài vào tìm mẹ, bé va chân vào cái ghế té ngã khóc òa lên. Bà mẹ ôm con dỗ dành: “Cái ghế làm con ngã đau lắm phải không?” Mọi người đều suýt xoa dỗ đứa bé. Một bà lớn tuổi xoa đầu đứa bé và nói: “Cái ghế này hư lắm, làm cho cháu ngã, để bà đánh cái ghế này cho cháu nhé!” Rồi bà lấy tay đánh nhẹ lên cái ghế, thằng bé thấy vậy nín khóc ngay. Mọi người ai cũng khen bà cụ có cách dỗ con trẻ thật tài tình. Nhưng thật ra những gì họ đã học về sự tha thứ trong Kinh Thánh đã không được ứng dụng trong trường hợp này. Mọi người đã vô tình gieo hạt giống trả thù vào tâm trí của đứa bé. Hạt giống ấy có thể nảy nở và lớn lên khiến đứa bé luôn phản ứng và trả thù lại với những ai làm hại nó.
Danh từ “kẻ thù” được dùng để chỉ những người đối nghịch với mình. Người bị gọi là “kẻ thù” là người có thể trở thành mối nguy hiểm cho chúng ta. Theo quan niệm thông thường, người ta chủ trương “không đội trời chung” với kẻ thù nhưng Phúc Âm của Chúa Giê-xu thì ngược lại, Chúa dạy chúng ta “hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:14). Bài tĩnh nguyện hôm nay trong Rô-ma 12:17-21 sẽ giúp chúng ta ứng dụng bài học YÊU KẺ THÙ một cách cụ thể hơn.
17 Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người.
18 Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.
19 Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng.
20 Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người.
21 Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.
Giải thích
Những câu Kinh Thánh trên là tóm tắt phần cốt lõi của nếp sống Cơ Đốc. Lòng yêu thương là nguyên tắc chỉ đạo trong các mối quan hệ của Cơ Đốc nhân, không chỉ đối với anh em cùng niềm tin mà còn với kẻ thù nghịch nữa. Khi chúng ta yêu ai theo cách Chúa Giê-xu đã yêu chúng ta thì chúng ta mới có thể sẵn lòng tha thứ cho người đó. Theo tiêu chuẩn sống của đời thì người ta sẽ “lấy điều ác trả cho điều ác” hoặc tốt lắm là “lấy điều thiện trả cho điều thiện” nhưng là con cái Chúa thì khác, chúng ta cần học theo cách Chúa Giê-xu là “lấy điều thiện trả cho điều ác”. Để thực hiện điều này đòi hỏi phải có đức tin, đó là tin rằng Đức Chúa Trời có thể hành động và hoàn tất ý muốn của Ngài trong đời sống chúng ta và trong đời sống của những người làm hại chúng ta. Bởi vì chúng ta từng kinh nghiệm được ân điển của Đức Chúa Trời nên chúng ta mới có thể chuyển tải ân điển của Ngài cho người khác được. Vì thế, Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy tha thứ và nhường quyền phân xử cho Chúa, đừng đóng vai Đức Chúa Trời và tìm cách trả thù cho mình. “Nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (câu 19) có nghĩa là chúng ta hãy để yên cho Chúa báo thù, như Lời Ngài phán trong Phục truyền Luật lệ Ký 32:35: “Sự báo thù sẽ thuộc về ta, phần đối trả sẽ qui về ta.” Người thật sự sống trong tình yêu thương sẽ luôn luôn bày tỏ lòng thương xót thay vì trả thù hay ăn thua với người làm hại mình.
Thay vì trả thù thì Cơ Đốc nhân cần phải thể hiện hành động tích cực đối với kẻ thù, đó là “nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống” (câu 20). Có lẽ Phao-lô trích lại câu này trong Châm ngôn 25:21-22. Đây là nguyên tắc cư xử với “kẻ thù” mà chúng ta cần áp dụng: Đừng trả thù nhưng cứ đối xử tử tế với người hại mình, làm như thế kẻ thù sẽ được cảm hóa và sẽ không làm hại chúng ta nữa. Câu giải thích “vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người”. Hình phạt nặng nề đối với kẻ ác là bị quăng vào hồ lửa (Thi Thiên 140:10) và theo tục lệ của người Ai Cập ngày xưa thì khi một người có tội muốn được tha thứ hoặc muốn chuộc lỗi thì người ấy đội trên đầu mình một cái dĩa tro với những cục than cháy đỏ. Đội than lửa đỏ là dấu chỉ cho sự ăn năn, vì thế câu trên hàm ý rằng hành động nhân từ, tử tế của chúng ta sẽ khiến kẻ thù xấu hổ, ăn năn, thay đổi thì đó là kết quả của việc lấy điều thiện báo trả điều ác.
Nguyên tắc sống yêu thương theo Lời Chúa dạy thật là khó làm, nhưng bởi tình yêu thương của Chúa mà chúng ta học yêu thương và tha thứ như Chúa Giê-xu đã yêu chúng ta và vì đức tin nơi Chúa mà chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời dùng cả những việc tai hại do người khác gây ra cho chúng ta để làm điều tốt cho chúng ta khi chúng ta tin cậy phó thác đời sống mình cho Ngài như Rô-ma 8:28 đã nói “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định”.
Hãy tra xét xem hiện giờ có ai đã từng gây tổn hại đến bạn mà bạn khó tha thứ cho không? Hay có ai mà bạn xem như là “kẻ thù” không thể hòa giải, khó có thể chấp nhận được không? Xin Chúa giúp bạn thực hành tình yêu tha thứ và áp dụng được nguyên tắc yêu thương “lấy điều thiện thắng điều ác” hầu cho Danh Chúa được vinh hiển và giúp người ấy ăn năn mà được phục hồi lại với Ngài.
Cầu nguyện
Kính lạy Cha yêu dấu! Xin Chúa đổ đầy trên chúng con tình yêu thương của Ngài để chúng con được trừ bỏ khỏi tình yêu vị kỷ, toan tính mà có lòng yêu thương như Chúa yêu chúng con, ngay cả với những người xem như là kẻ thù, chống đối và có ác cảm với chúng con. Lạy Chúa xin giúp con không báo thù ai nhưng biết tha thứ và biết lấy điều thiện để đáp trả với điều ác hầu cho kẻ ác cũng sớm ăn năn, đầu phục tình yêu của Ngài. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét