I Cô-rinh-tô | Những Con Trẻ Thuộc Linh
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính thưa quý anh chị em thân mến! Ngoại trừ A-đam và Ê-va, thì bất kỳ ai từng sống trên đời cũng đều trải qua những tháng ngày ấu thơ. Qua nhiều năm tháng, em bé sơ sinh non đỏ dần lớn lên và trở nên người trưởng thành. Tuy nhiên, cũng có không ít người bị khiếm khuyết trong thể chất nên cứ mãi mang hình thể và tâm trí của một đứa trẻ.
Trong phương diện thuộc linh, khi một tội nhân quay về với Thiên Chúa, thì người đó sẽ được Đức Thánh Linh sinh lại trong gia đình của Đấng Christ. Từ lúc đó, người ấy bắt đầu bước đi trên tiến trình trưởng thành thuộc linh của mình. Dẫu vậy, cũng có lắm người đã tin Chúa nhiều năm mà vẫn chỉ là một đứa trẻ như ngày mới được tái sinh.
Bài học Kinh Thánh hôm nay dựa trên thư I Cô-rinh-tô 3:1-4 sẽ giúp chúng ta nhận biết những Cơ Đốc nhân con đỏ trong nhà Chúa.
1 Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy.
2 Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt.
3 Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?
4 Có người thì nói: Ta là môn đồ của Phao-lô; kẻ thì rằng: Ta là của A-bô-lô, vậy anh em há chẳng phải là người cũng như kẻ khác sao?
Giải thích
Trong phần Kinh Thánh cuối đoạn hai, sứ đồ Phao-lô mô tả sự khác biệt giữa người thiêng liêng và người xác thịt. Ông khẳng định rằng người có tính thiêng liêng thì lãnh hội được những điều thiêng liêng, còn người có tính xác thịt thì không thể nhận biết và hiểu thấu được.
Bước qua bốn câu đầu của đoạn ba, ông gọi những tín hữu trong Hội Thánh Cô-rinh-tô là những Cơ Đốc nhân xác thịt. Tuy nhiên, theo nguyên ngữ Hy Lạp thì chữ “xác thịt” trong hai phân đoạn Kinh Thánh này là hai chữ khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau. Cụ thể, chữ “xác thịt” trong đoạn hai là chỉ những người chưa được tái sinh vì không tin Chúa, nên Phao-lô gọi họ là người bị hư mất; còn chữ “xác thịt” trong đoạn ba thì chỉ về những Cơ Đốc nhân đã được tái sanh nhưng chưa trưởng thành thuộc linh nên ông gọi họ là trẻ sơ sinh.
Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt giải nghĩa từng câu để hiểu biết tình trạng thuộc linh của các tín hữu Cô-rinh-tô.
Bắt đầu ngay trong câu đầu tiên, sứ đồ Phao-lô không ngại ngần tuyên bố thẳng thừng là ông không thể nói với họ theo như cách ông thường nói với những Cơ Đốc nhân thiêng liêng. Ông chỉ có thể nói với họ như thể đang nói với những Cơ Đốc nhân xác thịt, thậm chí như nói với những Cơ Đốc nhân vừa được tái sinh. Chữ “nói” trong câu Kinh Thánh này còn có nghĩa là “rao giảng” hoặc “dạy dỗ”. Ý của sứ đồ Phao-lô là ông không thể rao giảng sứ điệp cho họ giống như ông đã rao giảng cho những người trưởng thành thuộc linh, vì họ không thể lãnh hội được.
Trong câu thứ hai, sứ đồ Phao-lô sử dụng hình ảnh yếu ớt của một em bé sơ sinh để mô tả tình trạng thuộc linh rất yếu đuối của các tín hữu Cô-rinh-tô. Một trẻ sơ sinh chỉ uống được sữa mẹ mà không thể ăn được thức ăn đặc, thì những tín hữu Cô-rinh-tô cũng chỉ có thể tiếp thu những lẽ thật đơn giản, mà không cách nào thích ứng với những lẽ thật sâu nhiệm. Sứ đồ Phao-lô hẳn rất thất vọng và buồn lòng về mức độ tăng trưởng thuộc linh quá chậm của họ, đến nỗi ông quả quyết rằng ngay tại thời điểm ông viết thư, thì các tín hữu Cô-rinh-tô vẫn chưa thể lãnh hội được những chân lý cao sâu của Lời Đức Chúa Trời.
Trong Hội Thánh Chúa ngày nay, có không ít tín hữu lẽ ra đã trưởng thành từ lâu, nhưng đến tận bây giờ – sau nhiều năm tin Chúa – vẫn cần người khác lấy những điều sơ học của Tin Lành để dạy dỗ và hướng dẫn mình (Hê-bơ-rơ 5:12-13). Vấn đề của những người đó là họ bằng lòng với tình trạng hâm hẩm. Họ không khao khát Lời Chúa và cũng không quyết tâm rèn tập để trở nên bậc thành nhân. Họ yêu thích những giá trị trong thế gian hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.
Chính tình trạng thuộc linh non trẻ của các tín hữu đã đưa đến sự chia rẽ và xung đột nghiêm trọng trong Hội Thánh Cô-rinh-tô như được nhắc đến trong câu thứ ba. Vì chưa dứt khoát đóng đinh con người cũ trên thập tự giá, nên những bông trái xấu của tâm tánh xác thịt cứ liên tục sản sinh trong đời sống họ. Họ bắt đầu bằng sự đố kỵ, sau đó dần tiến đến xung đột và đỉnh điểm là phân chia phe nhóm trong Hội Thánh. Bởi đó, sứ đồ Phao-lô vạch trần sự thiêng liêng giả tạo của họ và nhận xét thẳng thừng rằng họ đã ăn ở theo bản tánh xác thịt, không khác gì người ngoại đạo trong thế gian.
Trong câu thứ tư, tình trạng phân chia phe nhóm trong Hội Thánh Cô-rinh-tô được nhắc lại. Trước đó, trong I Cô-rinh-tô 1:12 sứ đồ Phao-lô nói đến tình trạng phe nhóm là để cảnh báo các tín hữu Cô-rinh-tô là họ đang xé rách thân thể thuộc linh của Đấng Christ, còn trong câu 4 ông nhắc lại điều này là để minh chứng cho điều ông đã khẳng định: “anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?”
Một điểm khác biệt trong lần nhắc này của sứ đồ Phao-lô là ông chỉ đề cập đến hai nhóm phái mà thôi: Một nhóm mang danh ông và một nhóm mang danh A-bô-lô. Có lẽ trong số bốn nhóm, thì hai nhóm này gây nên ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Nhóm tự xưng môn đồ Phao-lô đề cao công trạng người sáng lập Hội Thánh, còn nhóm tự xưng môn đồ A-bô-lô thì theo đuổi triết lý và tri thức mới lạ.
Bạn thân mến! Hội Thánh Cô-rinh-tô đã xung đột và chia rẽ nghiêm trọng vì có quá nhiều Cơ Đốc nhân non trẻ thuộc linh. Đã đến lúc, chính bạn và tôi cần nghiêm túc xét mình trước mặt Chúa: Chúng ta đã là người trưởng thành thuộc linh hay vẫn còn là con trẻ? Để nên bậc thành nhân, mỗi người chúng ta chẳng những cần hấp thụ Lời sống của Chúa mỗi ngày mà cũng cần “… phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Giê-xu! Con ngợi khen Ngài vì Ngài là nguồn ban sự sống cho Hội Thánh. Con cầu xin Ngài tha thứ cho những yếu đuối trong đời sống con, và xin Chúa ban thêm năng lực thuộc linh để con thắng được mọi tham dục của xác thịt trong con. Nguyện Chúa luôn dưỡng nuôi linh hồn con bằng Lời mầu nhiệm của Ngài. Mong cho con đạt đến mức trưởng thành thuộc linh, mang tầm thước vóc giạc của Đấng Christ. Con thành kính cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.
NPH
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét