Lu-ca | Dâng Gì Cho Chúa?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Một nét đẹp trong văn hóa của nhiều nước trên thế giới là tặng quà cho nhau trong các dịp lễ hay sự kiện cá nhân dưới nhiều hình thức. Món quà là phương tiện để người ta bày tỏ lòng yêu mến, kính trọng đối với ai đó. Nét đẹp văn hóa này có lẽ xuất phát từ những món quà của các nhà thông thái dâng tặng cho Hài Nhi Jesus. Thật ra, món quà giá trị nhất đối với tất cả mọi người không phải là vàng bạc châu báu quý giá mà chính là tình yêu thương vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại qua Hài Nhi Jesus. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta sự khôn ngoan để nhận biết điều này. Vậy thì, bước vào năm mới 2022, chúng ta sẽ dâng gì cho Chúa để bày tỏ lòng biết ơn đối với Ngài? Hôm nay xin mời quý vị cùng tôi đọc Kinh Thánh trong Lu-ca 2:22-24, cầu xin Chúa thay đổi tư duy của mỗi người chúng ta để những ảnh hưởng từ đời sống của chúng ta chính là món quà yêu thương mà chúng ta có thể trao tặng cho nhiều người.
22 Khi đã hết những ngày tinh sạch rồi, theo luật pháp Môi-se, Giô-sép và Ma-ri đem con trẻ lên thành Giê-ru-sa-lem để dâng cho Chúa,
23 như đã chép trong luật pháp Chúa rằng: Hễ con trai đầu lòng, phải dâng cho Chúa,
24 lại dâng một cặp chim cu, hoặc chim bồ câu con, như luật pháp Chúa đã truyền.
Giải thích
Trong phần Kinh Thánh trên có liên quan đến ba nghi lễ của người Do Thái: Trước hết là lễ cắt bì cho Con Trẻ. Đến ngày thứ tám sau khi sinh, nghi lễ được thực hiện (Lê-vi Ký 12:3). Đây là dấu hiệu giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên, cũng là hình thức để gia nhập vào đại gia đình Do Thái (Sáng Thế Ký 17:11, 14). Trong nghi lễ này Con Trẻ được đặt tên là Jesus, cái tên đã được thiên sứ báo trước cho Ma-ri (Lu-ca 2:21). Để thực hiện nghi lễ cắt bì, bản thân đứa trẻ phải chịu đau đớn và đây cũng là một dấu trên thân thể. Nghi lễ này là việc không thể xem thường nếu muốn gia nhập cộng đồng. Môi-se vì không thực hiện việc này cho hai con trai, ông suýt nữa đã bị Chúa giết, nếu không nhờ vợ ông làm thay (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:24-26)
Với chúng ta là Cơ Đốc nhân ngày nay, thông qua thánh lễ báp-têm để chúng ta gia nhập cộng đồng Cơ Đốc. Tuy nhiên vẫn chưa đủ, nếu chúng ta vẫn chưa chết đi con người cũ, con người với đầy tham vọng xấu xa; bản chất tội lỗi phải được thay mới bằng bản chất thánh khiết của Đức Chúa Trời. Cả cái tên tội nhân cũng phải được đặt lại là thánh nhân. Dù là hình thức hay nội dung, khi được nhận vào đại gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta phải có dấu, để chỉ sự kết ước của chúng ta với Chúa, như chiếc nhẫn làm bằng chứng cho một người đã lập gia đình. Đời sống chúng ta đã thuộc về Chúa phải có sự thay đổi khiến người khác nhận thấy.
Nghi lễ thứ hai tiếp theo liên quan đến sự tinh sạch của Ma-ri. Sau khi sinh bốn mươi ngày, là thời gian quy định theo luật pháp Môi-se sau khi sinh con trai (Lê-vi Ký 12:1-4). Khi đã hết những ngày tinh sạch, cha mẹ đứa trẻ sẽ đem của lễ đến đền thờ dâng. Thông thường của tế lễ sẽ là một chiên con làm của lễ thiêu; còn của lễ chuộc tội là bồ câu con hoặc chim cu con.
Đối với người mẹ, khi lên đền thờ dâng con thì theo luật pháp người mẹ phải tinh sạch. Còn đối với Cơ Đốc nhân ngày này, sự tinh sạch muốn đề cập ở đây là sự thánh khiết trong đời sống thuộc thể. Có nhiều người lầm tưởng giữ thân thể thánh khiết hay thanh sạch là không ăn những thức ăn Kinh Thánh cấm. Không hẳn thế, nó còn lên quan đến nhiều khía cạnh khác như: tư tưởng trong sạch, giữ gìn thân thể mạnh khỏe qua đời sống sinh hoạt hằng ngày; phát triển tốt mối quan hệ với Chúa, với người… Điều quan trọng là khi chúng ta tư duy bằng tinh thần sống Cơ Đốc, Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta cách sống thánh khiết, không cần phải tự xây dựng những tiêu chí cho riêng mình. Chúa không gò bó, ép buộc chúng ta trong những cái khung cứng nhắc, nhưng Ngài cho đời sống mỗi người được tự do phong phú theo bản chất của Ngài. Khi Chúa thấu hiểu điều chúng ta muốn dâng, Ngài dắt dìu bước, chúng ta không phải tự chiến đấu với bản thân mình nữa.
Thứ ba là nghi lễ dâng Con Trẻ Jesus tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Luật lệ ban đầu định rằng các con trai đầu lòng được dâng cho Đức Chúa Trời để được đào tạo thành các thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:2). Sau này, khi chi phái Lê-vi được biệt riêng để hầu việc Chúa trong đền tạm, rồi đến đền thờ (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:1) thì cha mẹ đứa trẻ phải nộp năm siếc-lơ (tiền cổ Do Thái bằng bạc nặng khoảng 120gram) để chuộc lại con trai đầu lòng của họ (Dân Số Ký 3:44-47).
Nghi lễ này ngày nay vẫn được Hội Thánh thực hiện, tuy nhiên không chỉ là dâng con đầu lòng, nhưng tất cả các con đều được đem lên dâng Chúa. Trong nghi lễ, cha mẹ sẽ phải hứa nuôi dạy con bằng Lời Chúa, dạy dỗ con tin kính Chúa trước sự chứng kiến của Hội Thánh. Đó là những điều cha mẹ hứa với Chúa, và phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa trong việc nuôi dạy con. Nếu chính đời sống của những người làm cha, làm mẹ chưa dâng cho Chúa hướng dẫn, thì làm sao dạy con sống theo chuẩn mực Cơ Đốc? Dạy con bằng Lời Chúa thật khó, nếu cơ bản cha mẹ không sống theo Lời Chúa dạy. Đừng xem việc dâng con giống như nghi lễ cầu an hay rửa tội cho con. Hiểu đúng việc này, Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta trong trách nhiệm nuôi dạy con cho Đức Chúa Trời. Dù Ma-ri sanh Chúa Jesus, về phần xác Ngài là con bà, nhưng Ngài không thuộc về bà. Chúng ta có bằng lòng dâng con mình để Chúa sử dụng cuộc đời nó không, hay đòi hỏi con mình phải có trách nhiệm chăm sóc lại cha mẹ? Một thách thức khiến chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc. Nguyện những điều chúng ta đem dâng cho Chúa sẽ là những tuyệt phẩm quý giá nhất dành cho Ngài. Chúa sẽ ghi nhận và chúc phước cho chúng ta.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa, con vui mừng cảm tạ ơn Ngài vì tình yêu thương lớn lao Ngài cho con được làm con Ngài. Cuộc đời con không có chi, và cũng không ra gì nhưng Ngài bằng lòng tiếp nhận con. Xin dâng Chúa đời sống hèn mọn này để Ngài sử dụng như một đồ dùng ích lợi việc Ngài cần, nơi Ngài muốn. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét