Sáng Thế Ký | Sa-ra - Tổ Mẫu Đức Tin

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Xin chào quý anh chị em yêu dấu trong Chúa Cứu Thế Giê-xu!

Xưa nay người Việt thường xem hình tượng Âu Cơ như là tổ mẫu của dân tộc Việt Nam. Truyện tích này bắt nguồn từ truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân sinh ra một bọc trăm trứng đẻ ra trăm con. Truyền thuyết này lần đầu được xem như chính sử và ghi lại trong Đại Việt Sử ký Toàn thư thời Hậu Lê, một việc hoàn toàn không có trong cuốn sử cổ hơn là Đại Việt sử lược thời nhà Trần.[1]

Âu Cơ có thật là tổ mẫu của người Việt hay không thì khó có thể xác thực được, vì ai cũng biết truyền thuyết chỉ là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian để lí tưởng hóa nhân vật hay sự kiện nào đó trong lịch sử theo điều mà con người mong muốn chứ hoàn toàn không phải là sự thật. Dù thế nào thì chúng ta là con cái Chúa vẫn có một TỔ MẪU ĐỨC TIN vì chúng ta là những người tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời và công tác cứu chuộc của Đức Chúa Giê-xu. Sự thật này được Chúa truyền dạy trong Sáng Thế Ký 17:15-16. Hôm nay chúng ta cùng học biết về Sa-ra – tổ mẫu của nhiều dân tộc.

15 Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: còn Sa-rai, vợ ngươi, chớ gọi là Sa-rai nữa; nhưng Sa-ra là tên người đó.
16 Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng ta sẽ cho ngươi một con trai. Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng, mà ra.

Giải thích

Khi Đức Chúa Trời đổi tên Áp-ram thành Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 17:5) thì Ngài cũng đổi tên Sa-rai thành Sa-ra như lời Kinh Thánh chúng ta vừa đọc (câu 15). Sa-ra có nghĩa là “công chúa”. Chúng ta không biết chắc “Sa-rai” có nghĩa là gì. Một số người tìm hiểu từ cổ gốc nói rằng tên “Sa-rai” có nghĩa là “chế nhạo” hoặc “tranh luận”. Nhưng cũng không loại trừ “sa-rai” là một thể thức khác của từ “sa-ra” (công chúa). Với tên gọi mới này Sa-ra là công chúa không những của Áp-ra-ham và dòng dõi người, song của hết thảy các vua trên đất. Đức Chúa Trời cũng phán rằng Sa-ra sẽ sinh một con trai, Áp-ra-ham sẽ thành tổ phụ của nhiều dân tộc (Sáng Thế Ký 17:5), còn Sa-ra sẽ “làm mẹ của các dân tộc”.

Sa-ra đóng một vai trò quan trọng không kém so với Áp-ra-ham trong kế hoạch cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời. Giống như chồng, bà Sa-ra cũng có những lỗi lầm. Có lúc bà đã sai lầm khi đồng ý để chồng không nhận mình là vợ mà chỉ là em gái (Sáng Thế Ký 12:13, 20:5, 3). Trong lúc chờ đợi lời hứa của Đức Chúa Trời về dòng dõi sẽ ra từ gia đình ông bà mà lâu quá chưa thành hiện thực, bà lại sai lầm thêm khi gợi ý cho Áp-ra-ham lấy cô hầu của mình là A-ga để có được con (Sáng Thế Ký 16:1-3). Rồi sai lầm tiếp nối sai lầm khi chính người hầu A-ga sinh con cho Áp-ra-ham xong thì khinh bỉ bà chủ nên khiến bà tức giận ngược đãi người hầu (Sáng Thế Ký 16:5). Thậm chí bà đã cười vì không thể tin lời Đức Chúa Trời hứa rằng bà sẽ sanh con trong lúc già nua (Sáng Thế Ký 18:12). Nhưng tất cả những sai lầm của Sa-ra cũng như của Áp-ra-ham đều được xóa nhòa bởi đức tin trọn vẹn nơi sự thành tín của Chúa. Hê-bơ-rơ 11:11 chép: “Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín.” Dù trước đây nghi ngờ nhưng khi Đức Chúa Trời hành động thì đức tin đã thắng hơn. Đúng như Lời Chúa phán bà Sa-ra trở thành “mẹ của các dân tộc”, bà không chỉ là mẹ của dân tộc Do Thái (Ê-sai 51:2) nhưng cũng là “tổ mẫu đức tin” của chúng ta, như Lời Chúa trong I Phi-e-rơ 3:6 ghi “như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình; nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy”.

Quả thật Sa-ra là một tấm gương tốt cho những người nữ Cơ Đốc noi theo “vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời, vâng phục chồng mình, đều trau giồi mình dường ấy” (I Phi-e-rơ 3:5) và điều mà những người nữ Cơ Đốc cần trau dồi “là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời”.

Chỉ có người nữ được Đức Chúa Trời cho thiên chức làm mẹ. Mặc dù Đức Chúa Trời không kêu gọi mọi người nữ lấy chồng, hay mọi người nữ có chồng phải sinh con, nhưng Ngài có một mối quan tâm đặc biệt đối với người mẹ lẫn đứa con, và sự ra đời của một đứa trẻ được chào đón bằng sự vui mừng “Ngài khiến đàn bà hiếm muộn được làm mẹ vui vẻ với đàn con trong nhà!” (Thi Thiên 113:9). Thế mà trong xã hội vị kỷ ngày nay, có nhiều người xem thiên chức làm mẹ như một rào cản và con cái như một gánh nặng. Những người đó không biết rằng tử cung của người mẹ là một nơi chí thánh mà Đức Chúa Trời hành động “vì chính Chúa nắn nên tâm can con, Dệt thành con trong lòng mẹ con. Con cảm tạ Chúa vì con được dựng nên một cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật quá diệu kỳ, lòng con biết rõ lắm. Khi con được dựng nên trong nơi kín đáo, được đan dệt cách tinh xảo ở nơi sâu thẳm của đất” (Thi Thiên 139:13-15). Thật đáng buồn biết bao khi chúng ta biến tử cung đó thành một phần mộ, nơi chí thánh đó thành một nơi hủy diệt sự sống trước khi mầm sống ấy có một cơ hội để trở thành phước hạnh.

Và dù có nhiều người nữ không có cơ hội để trở thành một người mẹ thuộc thể thì hãy học hỏi theo gương của Sa-ra là tổ mẫu đức tin. Mọi người nữ Cơ Đốc đều được Chúa ban cho thiên chức để trở thành người mẹ thuộc linh. Chị em có thể là người khích lệ những bạn trẻ và cầu nguyện cho những người mà Chúa gửi đến cho mình. Có những đứa bé cần nhận được tình yêu thương, cần sự giúp đỡ, lời động viên từ những người mẹ. Hãy cầu nguyện để Chúa sẽ sử dụng các chị em là một người mẹ thuộc linh và là người mẹ truyền lại đức tin cho thế hệ trẻ ngày nay.  

Cầu nguyện

Kính lạy Cha yêu dấu! Chúng con cảm tạ ơn Chúa về gương mẫu Sa-ra, người mẹ đức tin cho mọi dân tộc. Bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu mà chúng con được trở thành con cháu của Sa-ra. Xin Chúa thêm sức cho những người nữ Cơ Đốc làm tròn thiên chức làm mẹ, nhất là có tâm tình để trở thành người mẹ thuộc linh cho nhiều bạn trẻ đang cần tình yêu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.

Thiên Mỹ Ngôn

[1] Theo Bách Khoa toàn thư mở https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%82u_C%C6%A1

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa