I Cô-rinh-tô | Tự Do Trong Trách Nhiệm
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Khi đề cập đến tự do thì đa số chúng ta thấy thoải mái và nhẹ nhàng. Nhưng khi đề cập đến trách nhiệm thì phần lớn chúng ta cảm thấy ngột ngạt và nặng nề. Tuy nhiên, đại đa số vấn đề khi đề cập đến tự do thì đều phải liên kết với trách nhiệm và ngược lại. Đặc biệt, Cơ Đốc nhân chúng ta thường gắn kết chặt chẽ hai điều này với nhau trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bởi vì chính Chúa đã hoàn tất cả hai. Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay trong thư tín I Cô-rinh-tô 10:23-30 đề cập đến điều này.
23 Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt.
24 Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác.
25 Phàm vật gì bán ở hàng thịt, hãy ăn, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi về việc đó;
26 bởi chưng đất và mọi vật chứa trong đất đều thuộc về Chúa.
27 Nếu có người chẳng tin mời anh em, và anh em muốn đi, thì không cứ họ dọn ra đồ gì, hãy ăn đi hết thảy, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi hết.
28 Song nếu có ai nói với anh em rằng: Cái nầy đã dâng làm của cúng, thì chớ ăn, vì cớ người đã bảo trước mình, lại vì cớ lương tâm:
29 tôi chẳng nói về lương tâm anh em, nhưng về lương tâm người đó. Vả, vì cớ nào sự tự do tôi phải bị lương tâm kẻ khác đoán xét?
30 Nếu tôi tạ ơn rồi ăn, cớ nào vì một bữa ăn đã cảm ơn mà lại bị chê bai?
Giải thích
“Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” là câu Kinh Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến sự tự do của Cơ Đốc nhân trưởng thành được hưởng các đặc quyền trong Đấng Christ. Nhưng ông cũng cho biết không phải mọi việc được tự do làm ấy đều có ích, vì một số điều dẫn chúng ta đến nô lệ cách tinh vi hơn mà chúng ta không biết trước. Cũng như có những hoạt động tự do nhưng có thể gây cho anh em còn đang yếu đuối thuộc linh bị vấp ngã. Nói cách khác Cơ Đốc nhân chúng ta được giải phóng để được tự do, nhưng chính chúng ta cần có trách nhiệm trong sự tự do của mình. Đó là dấu hiệu của những Cơ Đốc nhân tăng trưởng, có sự trưởng thành thuộc linh thật sự.
Về mặt trách nhiệm trong sự tự do thuộc linh của Cơ Đốc nhân thì trước hết chúng ta cần có trách nhiệm với anh chị em trong Hội Thánh. Vì chúng ta đều là chi thể trong thân thể chung của Đấng Christ. Đó là bổn phận gây dựng anh chị em khác cùng được lớn lên trong đức tin và tìm kiếm những điều lợi ích cho họ. Lợi ích ở đây không chỉ là lợi lộc vật chất, tiền tài danh tiếng, mà là những điều tốt lành trong đời sống gương mẫu liên quan đến thuộc linh.
Vấn đề tiếp theo sứ đồ Phao-lô áp dụng chân lý này vào thực tế liên quan đến việc mua thịt ngoài chợ và dự tiệc người lân cận mời. Trong bối cảnh xã hội tại thành Cô-rinh-tô thì đại đa số người dân tin theo đa thần giáo nên bất cứ cái gì, thậm chí là thịt hay thức ăn họ đều cúng cho thần tượng trước khi bán ngoài chợ. Nên thịt mà mà người ta đãi trong bàn tiệc đều liên quan đến sự cúng bái thần tượng. Việc này chắc chẳng xa lạ với người dân ở Việt nam chúng ta. Trước khi ra bán thì người buôn sỉ bán lẻ đều cúng thần tài, ông địa hay các thần linh mà họ thờ. Còn những người tin Chúa Giê-xu là những người mới có niềm tin vào Đức Chúa Trời hằng sống và Đấng Cứu Thế duy nhất chỉ là cộng đồng nhỏ. Vì thế, mọi sinh hoạt theo tinh thần Cơ Đốc còn gặp khó khăn vì vẫn bị ảnh hưởng theo những thói quen, phong tục của xã hội đa thần giáo.
Vì thế, ngoài trách nhiệm thuộc linh của Cơ Đốc nhân đối với anh chị em tín hữu trong Hội Thánh liên quan sự hiểu biết thấu đáo chân lý đã trình bày ở trên, thì chúng ta cũng có trách nhiệm tinh thần liên quan đến lương tâm của những người thân hữu, bạn hữu và người lân cận mình. Vậy làm thế nào mà chúng ta có thể giảng Tin Lành cứu rỗi về danh của Chúa Giê-xu một cách tự do mà không bị ngăn trở bởi những việc ăn uống liên quan đến thịt đã cúng cho thần tượng? Cho dù chúng ta biết thần linh không ẩn núp trong những món ăn của bữa tiệc; nhưng tham dự những bữa tiệc ấy đôi khi gây ngăn trở cho anh em mình vì lương tâm của họ bị ảnh hưởng. Đó là những người có đức tin còn yếu và có lương tâm còn non trong đức tin nơi Đấng Christ.
Điều quan trọng cần hướng đến về trách nhiệm trong sự tự do thuộc linh của Cơ Đốc nhân là chúng ta cần chinh phục linh hồn tội nhân trở về với Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế. Cơ Đốc nhân chúng ta được tự do mọi bề khi tin Chúa Giê-xu Christ; nhưng chúng ta đừng vì sự tự do đó mà gây ngăn trở và khó khăn cho người mới tin. Chúng ta không nên quá khắt khe và rập khuôn để gây tổn thương tấm lòng và lương tâm của những người mới chưa biết Chúa hay mới có cảm tình về Đạo Chúa. Chúng ta không nên sống với mục tiêu tìm lợi riêng cho cá nhân mình, mà phải tìm lợi cho người khác để họ được cứu rỗi.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu! Chúng con cầu xin Chúa vùa giúp chúng con có thể dung hoà vấn đề tự do và trách nhiệm để đạt hiệu quả tốt cho việc dẫn đưa nhiều linh hồn tội nhân trở về cùng Chúa. Qua đó nhiều người được nhận sự cứu rỗi, tự do thật trong Thánh Linh; và từ đó cũng sẵn sàng vì danh Chúa mà chịu trách nhiệm với chính Chúa và Hội Thánh của Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét