Sáng Thế Ký | Vở Kịch Của Cuộc Đời
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Chúc quý anh chị em một ngày mới bình an phước hạnh!
Trong ngành nghệ thuật giải trí, có rất nhiều yếu tố để một tác phẩm được xem là thành công. Có thể bao gồm các yếu tố liên quan đến cốt truyện, cách viết kịch bản, đạo diễn, sự trình diễn của các diễn viên, quản lý sân khấu hay phim trường, thiết kế bối cảnh và đạo cụ, trang phục, thiết kế ánh sáng và âm thanh… Nhưng điều mấu chốt đầu tiên là kịch bản phải hay, phải thức thời, phải đáp ứng được nhu cầu của khán giả khi người viết kịch có thể nói thay tâm tư và nguyện vọng của người xem.
Hôm nay chúng ta xem phần Kinh Thánh tiếp theo trong Sáng Thế Ký 27:14-25. Tại đây không phải là vở kịch mà là câu chuyện có thật đã xảy ra trong gia đình của ông Y-sác, nhưng tình tiết của sự việc đã được lên kịch bản bởi vợ ông là bà Rê-bê-ca và con trai của bà là Gia-cốp, cả hai đã hợp tác thực hiện một cách hoàn hảo kịch bản của mẹ để lừa cha và cướp lấy phần chúc phước của anh. Xin mời cùng theo dõi phần Kinh Thánh này.
14 Vậy, Gia-cốp đi bắt hai dê con, đem lại cho mẹ, làm món ngon, tùy theo cha sở thích.
15 Đoạn, Rê-bê-ca lấy quần áo tốt nhứt của Ê-sau, con trưởng nam, sẵn để trong nhà, mà mặc vào cho Gia-cốp, con út mình;
16 rồi người lấy da dê con bao hai tay và cổ, vì tay và cổ Gia-cốp không có lông.
17 Rê-bê-ca bèn để món ngon và bánh của mình đã dọn vào tay con út mình.
18 Gia-cốp bưng đến cha mình và nói rằng: Thưa cha! Y-sác đáp: Có cha đây; con là đứa nào đó?
19 Gia-cốp thưa: Tôi là Ê-sau, con trưởng nam của cha; con đã làm theo lời cha dặn biểu; xin cha dậy, ngồi ăn lấy thịt săn của con, đặng linh hồn cha sẽ chúc phước cho con.
20 Y-sác hỏi rằng: Sao con đi săn được mau thế? Thưa rằng: Ấy nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của cha xui tôi gặp mau vậy.
21 Y-sác nói cùng Gia-cốp rằng: Hỡi con! Hãy lại gần đặng cha rờ thử xem có phải là Ê-sau, con của cha chăng.
22 Gia-cốp bèn lại gần Y-sác; người rờ và nói rằng: Tiếng nói thì của Gia-cốp, còn hai tay lại của Ê-sau.
23 Người chẳng nhận biết đặng vì hai tay cũng có lông như của anh, là Ê-sau. Vậy Y-sác chúc phước cho.
24 Người lại hỏi rằng: Ấy con thật là Ê-sau, con trai ta, phải chăng? Gia-cốp thưa: Phải, con đây.
25 Y-sác bèn nói: Hãy dọn cho cha ăn lấy thịt săn của con, đặng linh hồn cha chúc phước cho con. Gia-cốp dọn cho người ăn, cũng có đem rượu cho người uống nữa.
Giải thích
Kịch bản mà bà Rê-bê-ca đưa ra rất đơn giản: Trong khi con trai lớn Ê-sau đi vào rừng săn thịt về nấu cho cha ăn thì bà bảo Gia-cốp đi ra ngoài đồng bắt hai con dê được chọn lọc kỹ, giết lấy thịt rồi bà sẽ nấu và dọn một bữa ăn ngon cho ông Y-sác. Gia-cốp sẽ đóng vai anh mình và dọn bữa cho cha ăn rồi nhận sự chúc phước từ cha.
Khi Gia-cốp nghe xong kịch bản của mẹ, ông chỉ có một thắc mắc: “Biết đâu cha sẽ rờ con và con bị phát hiện là kẻ lừa gạt thì con chắc lấy cho mình sự rủa sả, chớ chẳng phải sự chúc phước đâu.” (Sáng Thế Ký 27:12). Đây là sự đối kháng về mặt kỹ thuật trong vở kịch của mẹ mà thôi, chứ Gia-cốp chẳng có một sự đối kháng nào về mặt đạo đức trước ý tưởng dối gạt cha mình. Ông chỉ muốn biết phải làm gì nếu ông bị bắt quả tang và hậu quả ông phải chịu trách nhiệm trước sự lừa gạt này là sự rủa sả từ cha. Tuy nhiên, khi nghe mẹ hứa rằng “để mẹ chịu sự rủa sả đó cho con; con cứ nghe lời mẹ” thì ông xuôi tai và bắt đầu trở thành diễn viên chính trong vở kịch do mẹ viết kịch bản và là đạo diễn.
Bà Rê-bê-ca không chỉ là người tạo kịch bản kiêm đạo diễn mà bà còn chuẩn bị cả mọi đạo cụ cần thiết cho vở kịch. Bà mang quần áo tốt nhất của Ê-sau cho Gia-cốp mặc, vì người Ê-sau có lông nhiều nên bà còn khoác lớp da dê lên cả hai tay và cổ của Gia-cốp để ngụy trang cho thật giống Ê-sau. Rồi bà làm thức ăn ngon cho Gia-cốp mang lên cho cha. Gia-cốp đã vào vai rất hoàn hảo khi xưng với cha rằng: “Tôi là Ê-sau, con trưởng nam của cha, con đã làm theo lời cha dặn biểu; xin cha dậy, ngồi ăn lấy thịt săn của con, đặng linh hồn cha sẽ chúc phước cho con.” Những lời này cho Gia-cốp mong muốn được cha chúc phước. Có thể lúc đó ông đã tự biện minh cho lời nói dối của mình rằng: “Đức Chúa Trời muốn mình được phước, vì vậy nếu mình lừa dối một chút để có phước ấy chắc cũng không sao, Đức Chúa Trời sẽ hiểu cho lòng mình mà thôi”. Rõ ràng Gia-cốp đã đúng phân nửa là Đức Chúa Trời đã muốn ông được phước nhưng cách thức thực hiện này chưa phải là điều Chúa muốn ông làm.
Còn Y-sác mặc dù ông đã già và làng mắt, nhưng ông cảm nhận có gì đó khác lạ. Lý trí ông cho ông biết rằng Ê-sau không thể săn thịt rừng nhanh như thế nên ông thắc mắc, Gia-cốp không ngần ngại mà đáp rằng: “Ấy nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của cha xui tôi gặp mau vậy.” Rõ ràng việc làm dối gạt này là kế hoạch của con người nhưng Gia-cốp tự bênh vực cho mình rằng đó là nhờ Chúa vùa giúp. Đến đây thì ông Y-sác cũng ngờ ngợ về giọng nói không giống Ê-sau. Ông đã đưa tay ra sờ chạm vào tay của Gia-cốp thì lại là tay có nhiều lông của Ê-sau. Ông muốn một lần nữa xác định nên đã hỏi: “Ấy con thật là Ê-sau, con trai ta, phải chăng? Gia-cốp thưa: Phải, con đây.” Sự lừa dối lặp đi lặp lại và Gia-cốp vào vai anh của mình rất hoàn hảo. Thế là ông Y-sác tin hoàn toàn và biểu con dọn món ngon cho mình ăn để ông sẽ chúc phước cho con.
Vở kịch của hai mẹ con Gia-cốp đã thành công về một phương diện vì Gia-cốp đã vào vai anh Ê-sau một cách hoàn hảo đến nỗi ông Y-sác không thể nhận ra và đã bằng lòng chúc phước cho Gia-cốp mà tưởng là Ê-sau. Nhưng trong cái nhìn của Đức Chúa Trời thì rõ ràng họ đã thất bại. Đây cũng là điều dễ xảy ra với con cái Chúa ngày nay khi chúng ta muốn đạt một lợi ích nào đó trước mắt mà sẵn sàng trở thành người tạo kịch bản, thành đạo diễn và diễn viên dối gạt thực thụ trong cuộc sống. Khi đã phóng lao thì phải theo lao. Khi đã nói dối một lần thì phải tiếp tục dẫn tới lời nói dối khác và khác nữa, rồi chúng ta cứ nói dối mãi để che đậy mọi lời dối trá trước kia.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta cần tra xét lại mọi kế hoạch, suy nghĩ, lời nói, hành động nào trong đời sống mình đang là người đóng kịch nhằm dối gạt người khác, thậm chí là dối gạt chính Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải ăn năn và quay trở lại con người chân thật mà Chúa muốn.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Trong cuộc đời chúng con có nhiều lúc vô tình hay cố ý có những ý tưởng và lời nói không chân thật mà cướp lấy phần của người khác để hưởng lợi cho mình thì qua bài học hôm nay xin Chúa cảnh tỉnh chúng con cần biết ăn năn và trông đợi Chúa, là Đấng luôn có kế hoạch và ý muốn tốt lành trên đời sống chúng con. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét