Sáng Thế Ký | Hậu Quả Của Sự Thiếu Kiên Nhẫn Chờ Đợi

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Chúc quý anh chị em một ngày mới bình an phước hạnh!

Chúng ta đang học biết về câu chuyện của gia đình ông Y-sác. Đến phần cuối của Sáng Thế Ký 27:41-46 là một kết quả đau buồn, anh em thù hận, gia đình ly tán. Hôm nay chúng ta sẽ suy ngẫm phần Kinh Thánh này để rút ra những bài học thực tế cho linh trình theo của mỗi chúng ta.

41 Ê-sau trở lòng ghét Gia-cốp vì cớ cha mình chúc phước cho người, bèn nói thầm trong lòng rằng: Ngày tang của cha đã hầu gần; vậy, ta sẽ giết Gia-cốp, em ta, đi.
42 Họ đem lời Ê-sau, con lớn, thuật lại cùng Rê-bê-ca, thì người sai gọi Gia-cốp, con út mình, mà nói rằng: Nầy, Ê-sau, anh con, toan giết con để báo thù.
43 Vậy, bây giờ, hỡi con, hãy nghe lời mẹ, đứng dậy, chạy trốn qua nhà La-ban, cậu con, tại Cha-ran,
44 và hãy ở cùng người ít lâu, cho đến lúc nào cơn giận của anh con qua hết.
45 Khi cơn giận anh con bỏ qua rồi, và nó quên việc con đã gây nên với nó, thì mẹ sẽ biểu con về. Có lẽ đâu mẹ phải chịu mất cả hai đứa trong một ngày ư?
46 Rê-bê-ca nói cùng Y-sác rằng: Tôi đã chán, không muốn sống nữa, vì cớ mấy con gái họ Hếch. Nếu Gia-cốp cưới một trong mấy con gái họ Hếch mà làm vợ, tức một người con gái trong xứ như các đứa đó; thôi, tôi còn sống mà chi?

Giải thích

Sau khi Ê-sau nhận sự chúc phước của cha, Sáng Thế Ký 27:41 cho chúng ta biết: “Ê-sau trở lòng ghét Gia-cốp vì cớ cha mình chúc phước cho người, bèn nói thầm trong lòng rằng: Ngày tang của cha đã hầu gần; vậy, ta sẽ giết Gia-cốp, em ta, đi.” Ê-sau tức giận và nuôi mối thù nghịch cùng Gia-cốp đến nỗi muốn giết chính em mình. Tuy nhiên, bà Rê-bê-ca biết được ý định này của Ê-sau nên bà nói cho Gia-cốp biết: “Nầy, Ê-sau, anh con, toan giết con để báo thù.” Vì thế, bà bảo Gia-cốp phải chạy trốn vì cớ mạng sống của ông. Bà Rê-bê-ca tiếp tục lên kế hoạch cho Gia-cốp. Trước hết ông phải đến nhà người cậu La-ban – là anh của bà ở Cha-ran, cách đó khoảng 500 dặm đường, để tránh cơn tức giận của Ê-sau. Có lẽ bà mẹ hiểu tính tình của con, bà biết cơn giận của Ê-sau theo thời gian sẽ nguôi đi. Theo suy nghĩ của bà là đến khi nào thấy Ê-sau nguôi giận thì bà sẽ nhắn cho Gia-cốp trở về nhà.

Điều này cho thấy việc cướp đi phước hạnh và phúc lợi của người khác sẽ gây nên hận thù, đau khổ, chia lìa. Người thì thù hận, người thì lẩn trốn, người thì sẽ đau khổ cả đời khi chứng kiến con cái bất hoà, thù nghịch nhau.

Tiếp theo, để sắp xếp cho việc Gia-cốp rời khỏi nhà cách hợp lý thì bà nói với ông Y-sác rằng: “Tôi đã chán, không muốn sống nữa, vì cớ mấy con gái họ Hếch. Nếu Gia-cốp cưới một trong mấy con gái họ Hếch mà làm vợ, tức một người con gái trong xứ như các đứa đó; thôi, tôi còn sống mà chi?” (câu 46)  

Một phương diện là bà Rê-bê-ca đã chán nản không thiết sống vì nan đề của Ê-sau, về hai nàng dâu người Hếch – không thuộc dân tộc Y-sơ-ra-ên mà Ê-sau đã cưới khiến bà chịu nhiều tổn thương. Vì thế bà không muốn Gia-cốp cưới vợ ngoại như Ê-sau nữa nên cần gửi Gia-cốp về quê hương bà để tìm vợ. Trước đây ông Áp-ra-ham cũng đã sai người đầy tớ về quê hương để cưới vợ cho Y-sác nên đây là điều hoàn toàn hợp lý nhưng thực tế thì việc ra đi của Gia-cốp không vì mục tiêu tìm vợ như lời bà nói mà là một cuộc trốn chạy khỏi sự truy sát của anh.     

Rõ ràng là Gia-cốp đã nhận được điều mình muốn là sự chúc phước của cha, nhưng việc làm này không ngay thẳng, nên ông phải trả giá cho sự gian dối của mình. Thay vì được phước thì ông phải rời xa gia đình, xa cha mẹ, trở thành thù nghịch với chính người anh của mình đến nỗi phải chạy trốn để bảo toàn mạng sống. Tại sao Gia-cốp rơi vào tình cảnh này? Vì ông thiếu sự kiên nhẫn chờ đợi ý muốn Đức Chúa Trời.

Trong linh trình theo Chúa, sự chờ đợi là kỷ luật khó nhất trong đời sống Cơ Đốc. Thi Thiên 37:7 chép: “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài.” Hầu hết chúng ta đều không muốn yên tịnh và chúng ta không muốn chờ đợi. Chúng ta muốn câu trả lời phải có ngay nên đã làm theo mưu tính của mình để đạt được theo mong ước nhưng kết cuộc là chúng ta lại phải trả giá cho những việc làm thiếu kiên nhẫn, thiếu trung thực, không ngay thẳng của mình.

Qua câu chuyện này cho chúng ta học thêm một khía cạnh nữa là nhận biết được tầm quan trọng của sự kiên nhẫn chờ đợi ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể nhìn vào sự thật này ở cả hai mặt: tích cực và tiêu cực. Người nào chờ đợi Chúa, dù có khó khăn nhưng đến cuối cùng sẽ không thất vọng. Còn người mất kiên nhẫn mà tìm cách thúc đẩy bàn tay của Đức Chúa Trời sẽ nhận được điều mình muốn theo mưu toan của mình nhưng đến lúc sẽ phải gánh lấy những hậu quả của việc làm sai trái ấy.

Chúng ta thử hỏi chính mình xem: Bạn đã bằng lòng đánh đổi điều gì trong cuộc sống để nhận được thứ mình mong muốn? Có thể đó là gia đình, bạn bè, sự nghiệp hay con cái chăng? Hay bạn sẵn sàng đánh đổi sự thanh sạch, tính ngay thẳng, sự chân thật cho những ham muốn của mình để rồi kết cuộc phải chịu hậu quả đau thương?

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Có nhiều điều không như con mong muốn thì xin Ý Cha được nên. Có những điều không hiểu thì nguyện ý Ngài được nên. Khi lòng con có những nỗi sợ hãi, và có những lúc con dường như không đủ sức chờ đợi Ngài thì xin Chúa dạy con và bày tỏ ý Ngài cho con. Xin tha thứ cho con vì chưa hiểu biết ý Ngài. Lạy Chúa, dù như thế nào thì con vẫn xin ý Cha được hoàn thành trên cuộc đời con. Con cầu nguyện trong danh thánh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa