Châm Ngôn | Tội Lỗi Của Lưỡi
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Giê-rê-mi | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Thưa quý anh chị em! Gia-cơ nhận định về cái lưỡi thật hay, ông nói: “Hãy xem những chiếc tàu: dầu cho lớn mấy mặc lòng, và bị gió mạnh đưa đi thây kệ, một bánh lái rất nhỏ cùng đủ cạy bát nó, tùy theo ý người cầm lái. Cũng vậy, cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên! Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy.” (Gia-cơ 3:4-6). Khi chúng ta quay về với sách Châm Ngôn của Sa-lô-môn chúng ta cũng thấy ông liệt kê những tội lỗi đến bởi lời nói. Chúng ta sẽ cùng nhau suy ngẫm Châm Ngôn 18 những câu nói về lời nói.
6 Môi kẻ dại gây ra xung đột; Miệng nó mời đòn vọt vào thân.
7 Miệng kẻ dại khiến nó bị hủy diệt; Môi nó là cái bẫy để hại linh hồn mình.
8 Lời kẻ mách lẻo giống như miếng ăn ngon ngọt; Nó thấm vào tận gan ruột người nghe.
13 Ai trả lời trước khi nghe là kẻ dại và chuốc lấy sự hổ thẹn cho mình.
20 Bông trái của miệng làm cho bụng no thỏa; Kết quả của môi khiến bao tử no nê.
21 Sống hay chết do quyền của lưỡi; Ai yêu mến nó sẽ ăn hoa lợi của nó.
Trước hết là Châm Ngôn 18:6-8 chúng ta thấy lời nói gây những điều hết sức tai hại. Thứ nhất nó gây ra xung đột, khi xung đột tăng đến một mức độ nào đó sẽ khiến cho người ta thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, dùng vũ lực với nhau. Hoặc cũng vì lời nói mà người gây ra tổn hại phải chịu đòn vọt như một sự trừng phạt.
Môi, miệng được dùng như ngôn ngữ hình ảnh để diễn tả lời nói. Miệng kẻ dại hay những lời nói thiếu khôn ngoan khiến kẻ dại bị hủy diệt. Vì một lời nói dại dột có thể khiến danh dự, sự nghiệp, địa vị của một người có thể bị tiêu tan thành mây khói. Môi miệng hay lời nói của một người do đó có thể trở thành cái bẫy để hại linh hồn của chính họ. Hại linh hồn ở đây có nghĩa là làm hại cho sự sống, một lời dại dột khiến cho thân tàn ma dại, dở sống dở chết, làm mọi thứ tôn trọng không còn.
Một hình thức lầm lỗi trong lời nói, lần này không phải của kẻ dại mà là của kẻ mách lẻo, tức người có thói nghe đầu này rồi đi kể lại đầu khác. Lời kẻ mách lẻo như miếng ăn ngon ngọt, thấm vào tận gan ruột người nghe, đó là vì đa số là những chuyện xấu xa về người khác, những lầm lỗi, sai sót mà người ta muốn che đậy, không muốn người khác biết hoặc bàn luận đến. Vì cái tính bí mật của nó nên các câu chuyện của người mách lẻo có sự thu hút mạnh đối với những người thích nghe. Biết bao nhiêu sự chia rẽ, cay đắng, xung đột đã xảy ra cho những người trong gia đình, cho bè bạn, cho Hội Thánh vì những câu chuyện mách lẻo cùng với những lời thêm mắm giặm muối vào đó. Không phải vô tình mà sứ đồ Phi-e-rơ xếp tội mách lẻo mà ông gọi là “thày lay việc người khác” ngang bằng với hành động giết người, trộm cướp, hung ác, và khuyên anh chị em tín hữu: “Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác.” (I Phi-e-rơ 4:15).
Một dạng lầm lỗi khác trong lời nói là nói quá vội, không suy xét như Châm Ngôn 18:13 đã chép: “Ai trả lời trước khi nghe là kẻ dại và chuốc lấy sự hổ thẹn cho mình.” Vội vàng trả lời trước khi nghe hoặc không nghe cho kỹ vấn đề sẽ khiến chúng ta trở nên người hớ hênh, dại dột, hồ đồ, thiếu suy xét. Những điều này dễ lắm biến chúng ta thành trò cười cho người nghe và chuốc lấy sự xấu hổ cho mình. Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần là thế. Phao-lô cũng dạy anh chị em tín hữu nêm thêm muối vào trong lời nói, hay nói sao cho lời nói được ân hậu, đem lại sự khích lệ và gây dựng cho người nghe (Cô-lô-se 4:6). Hội Thánh, gia đình và các cộng đồng Cơ Đốc đang cần lắm thay những người biết mau nghe, chậm nói, chậm giận để nhờ đó ma quỷ không còn có thể lợi dụng những lỗi lầm của chúng ta gây chia rẽ, ngăn cách, giận phiền.
Ngoài những điều tiêu cực về lời nói mà chúng ta vừa bàn qua, lời nói còn có những tác dụng tích cực. Châm Ngôn 18:20-21 nói: “Bông trái của miệng làm cho bụng no thỏa; Kết quả của môi khiến bao tử no nê. Sống hay chết do quyền của lưỡi; Ai yêu mến nó sẽ ăn hoa lợi của nó.”
Những lời nói tốt lành đem lại những lợi ích thật thực tế, nó làm cho bụng no thỏa, làm cho bao tử được no nê. Câu Kinh Thánh này diễn tả một sự thỏa lòng của một người thấy lời nói của mình đem lại gây dựng thiết thực cho anh chị em xung quanh. Bởi một lời khích lệ chúng ta có thể đem lại sự sống, sự phục hồi, sức mạnh, hy vọng để anh chị em mình tiếp tục đi tới và ngược lại, lời nói ác của chúng ta có thể làm chết cuộc đời của họ. Sống hay chết do quyền của lưỡi là một cách nói cường điệu nhưng phản ánh một sự thật không thể chối cãi về sức mạnh của lời nói.
Cầu nguyện
Lạy Chúa là Ngôi Lời Hằng Sống, xin cho chúng con nói được những điều khôn ngoan, chinh phục được lòng người nghe và bày tỏ được chân lý về Ngài. Xin cho chúng con cũng có thể dùng lời nói để bày tỏ tình yêu thương và sự gây dựng anh chị em trong Hội Thánh, nơi Chúa đặt để chúng con để cùng dắt dìu nhau đi theo Chúa. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét