Giê-rê-mi | Ôn Cố Tri Tân

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônGiê-rê-mi

Công Vụ   Các Sứ Đồ

Hê-bơ-rơI Phi-e-rơ

Ôn Cố Tri Tân của tác giả Mộng Bình Sơn là một tập truyện tổng hợp các câu nói, mưu lược, lối sống của người xưa để làm tấm gương cho hậu thế ngày nay suy ngẫm noi theo. Có những gương xấu để tránh vết xe đã đổ, có những gương tốt để học hỏi. Cũng vậy, ôn cố tri tân theo Kinh Thánh cho thấy hai hướng tích cực và tiêu cực của dân Y-sơ-ra-ên. Trong thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên lưu lạc trong đồng vắng, họ nhớ lại những ngày tháng ở Ai Cập, nhớ đến dưa hành củ kiệu để so sánh với Ma-na. Đây là gương xấu cần tránh. Trong phần Kinh Thánh hôm nay, Đức Chúa Trời đã kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên nhớ lại tình yêu của họ với Đức Chúa Trời thuở ban đầu. Mời bạn đến với Lời Chúa trong Giê-rê-mi 2:1-2, 32 để ngẫm suy về tình trạng của chính mình hôm nay.

1 Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng tôi rằng:
2 Hãy đi, kêu vào tai Giê-ru-sa-lem rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta còn nhớ về ngươi lòng nhân từ của ngươi lúc đang thơ, tình yêu mến trong khi ngươi mới kết bạn, là khi ngươi theo ta nơi đồng vắng, trong đất không gieo trồng.
32 Con gái đồng trinh há quên đồ trang sức mình, nàng dâu mới há quên áo đẹp của mình sao? Nhưng dân ta đã quên ta từ những ngày không tính ra được.

Đức Chúa Trời truyền Lời Ngài cho Giê-rê-mi: “Hãy đi, kêu vào tai Giê-ru-sa-lem…” Hãy tưởng tượng, khi bạn nói với một người bị lãng tai hoặc một người không chú ý vào lời nói của bạn, bạn sẽ làm gì? Sẽ kê miệng vào sát tai của họ mà hét lớn để họ có thể nghe trọn vẹn lời của bạn. Đó là cách mà Đức Chúa Trời muốn Giê-rê-mi nói sao cho “thấu lòng Giê-ru-sa-lem”. Lịch sử Y-sơ-ra-ên cho thấy Đức Chúa Trời liên tục sai các tiên tri để dạy dỗ, nhắc nhở cho dân sự về giao ước yêu thương Ngài đã kết ước với họ. Nhưng càng ngày dân sự Chúa càng xa cách Ngài. Đức Chúa Trời đã nhắc lại kỷ niệm về những ngày xưa thân ái để dân Ngài nhớ lại thuở ban đầu lưu luyến ấy, lúc Ngài tìm gặp người yêu của Ngài trong một nơi rừng rú, tại nơi vắng-vẻ, giữa những tiếng hét la của đồng vắng” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:10).

Ngài đã ôm ấp, che phủ, bảo vệ, nuôi nấng họ “như phụng hoàng phấp phới giỡn ổ mình, bay chung quanh con nhỏ mình, sè cánh ra xớt nó, và cõng nó trên chéo cánh mình thể nào, thì một mình Ðức Giê-hô-va đã dẫn dắt người thể ấy” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:11-12). Khi đã yên ổn trong xứ Ca-na-an, khi Giô-suê già yếu, ông đã kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên tái lập giao ước với Chúa, dân Y-sơ-ra-ên đã hứa trung thành với Chúa, lập lại giao ước với Ngài. Sau khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên bước vào thời kỳ các quan xét, một chu kỳ luôn được lặp đi lặp lại: Khi quên Chúa, họ bị phạt; khi họ bị phạt, họ ăn năn và Chúa giải cứu, ban cho họ sự bình an, phước hạnh; khi ở trong phước hạnh họ lại quên Chúa.

Khi dân Y-sơ-ra-ên trở thành một quốc gia, Chúa ban phước cho họ trở nên cường thịnh. Sự giàu có, hùng cường đã làm họ quên đi giao ước, quên đi tình yêu thuở ban đầu của họ với Đức Chúa Trời. Vì thế Chúa dùng các dân tộc xung quanh hà hiếp để họ nhớ đến Chúa mà trở lại với Ngài. Nhưng thật tiếc họ đã quên, không nhớ lại những gì Chúa đã làm để bảo vệ họ. Họ nhìn qua bên hữu, ngó qua bên tả, tìm kết ước với những dân tộc ngoại bang, tìm sự che chở, bảo vệ nơi con người. Chúa kêu gọi họ, họ càng chạy xa, họ “tợ như rắn hổ-mang điếc lấp tai lại” (Thi Thiên 58:4).

Đức Chúa Trời đã dùng hình ảnh con gái đồng trinh há quên đồ trang sức mình, nàng dâu mới há quên áo đẹp của mình sao? Nhưng dân ta đã quên ta từ những ngày không tính ra được”. Về phương diện lịch sử chúng ta có thể tính được những ngày mà Y-sơ-ra-ên bỏ Chúa đi theo thần tượng, nhưng tại đây Lời Chúa nói rằng dân Ta quên Ta từ những ngày không tính ra được. Điều này cho chúng ta nhận ra sự bội bạc của dân Chúa là ở trong bản chất của họ. Một khi sự hư hỏng từ trong bản chất thì chỉ có thể phá bỏ như chiếc bình gốm đã nung cứng, mà bị hư thì vô phương cứu chữa.

Chúa Giê-xu đã cho thấy Hội Thánh của Ngài tại Ê-phê-sô bỏ đi lòng yêu mến ban đầu đối với Ngài. Chúa khuyên “hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình” (Khải Huyền 2:4-5). Thật thời gian là liều thuốc thử tấm lòng của con Chúa đối với Ngài. Mỗi khi thời gian làm phôi phai tình yêu Chúa trong chúng ta, mỗi khi cuộc sống đầy bận rộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền lôi cuốn chúng ta quên đi những thói quen gần gũi, thông công với Chúa, mỗi khi chúng ta xu hướng về trần gian, tìm kiếm sự an toàn từ những giá trị của tiền bạc, danh vọng trần thế, bám lấy nó để tìm kiếm sự an toàn thì hãy nhìn lại tấm gương của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Ôn cố để tri tân. Xin Chúa nhắc chúng ta nhớ lại tình yêu ban đầu chúng ta có với Chúa để giúp chúng ta trở lại, thiết lập lại mối quan hệ yêu thương sâu đậm với Ngài, đừng để đến khi cứng lòng không còn phương cứu chữa.

Cầu nguyện

Chúa Giê-xu ôi! Đã bao lần con hứa yêu Ngài rồi con lại quên, đã bao lần con nói yêu Ngài rồi con nuốt lời. Xin Chúa tha tội cho con. Xin Chúa nhắc con nhớ lại tình yêu của Ngài đối với con khi Ngài tìm gặp con và cứu con. Khi con phôi phai tình yêu Chúa, xin giúp con nhớ lại tình yêu của con với Ngài, để con trở lại yêu Chúa như thuở ban đầu. Con cảm ơn Chúa. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa