Hê-bơ-rơ | Lời Hứa Chắc Thật
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Giê-rê-mi | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Bạn thân mến! Có một lời truyền miệng giữa những người Việt đi hành hương đến núi Bà Đen tại Tây Ninh rằng: Khi leo lên núi viếng Bà nếu có mệt thì đừng nói mệt, hãy nói khỏe thì sẽ được khỏe. Điều này có tác dụng như một liều thuốc an thần đánh lừa tâm trí. Hay trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng có câu chuyện về Tào Tháo, khi ông dẫn quân băng qua sa mạc. Quân lính khát nước và mệt lã, ông bảo họ rằng: ráng chút nữa là đến một khu rừng Mai (tức là me). Quân lính nghe nói đến me họ chảy nước miếng và quên đi cái khát khô cả cổ họng. Điều này cũng là một lời nói đánh lừa vị giác. Con người thường có những lời hứa hảo để gạt mình, gạt người. Hôm nay, chúng ta cùng suy ngẫm Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 4:1-2, 11-13 về một lời hứa của Đấng Chân Thật.
1 Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng.
2 Vì Tin Lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình.
11 Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã.
12 Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.
13 Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại.
Sau khi trước giả Hê-bơ-rơ trình bày cho các tín hữu Cơ Đốc nhân thấy sự nguy hiểm vô cùng của lòng vô tín đã khiến cho nhiều người Y-sơ-ra-ên phải ngã chết trong đồng vắng mà không được vào sự yên nghỉ trong đất hứa. Giờ đây, trước giả có lời cảnh báo nghiêm khắc cho mọi người: “Hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng.” Thời kỳ ân điển được gọi “ngày nay” là một giai đoạn được ban cho mọi người như là cơ hội có một không hai. Nếu ai không biết nắm bắt hôm nay thì sẽ không bao giờ còn cơ hội. Chính vì vậy Lời Chúa cảnh báo “hãy lo sợ”. Từ ngữ lo sợ này không mang ý nghĩa của tấm lòng bất an, mà có ý nghĩa của một sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn một lối đi cho linh hồn. Phao-lô cũng đã nhắc nhỡ các tín hữu trong thư viết cho Hội Thánh tại Phi-líp: “Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu-dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình.” (Phi-líp 2:12).
Tấm gương của những người bị trật mất lời hứa vào sự yên nghỉ còn đó, bởi vì họ đã không tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã đến, Ngài hứa ban cho một sự yên nghỉ khác, sự yên nghỉ trong tâm linh. Ngài kêu gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28-29).
Ngày nay, khi chúng ta đọc phân đoạn Kinh Thánh này, lời Chúa hứa cho vào sự yên nghỉ cũng đang còn ở trong thời kỳ gọi là ngày nay. Lời hứa của Chúa vẫn còn chờ đợi mỗi chúng ta cẩn trọng trong quyết định đón nhận hay chối từ. Hãy biết rằng Chúa chúng ta là thành tín trong mọi lời Ngài hứa. Người biết sợ sẽ cẩn thận giữ linh hồn mình, trung tín bước đi trong đức tin, luôn tỉnh thức, vâng giữ, nắm chắc lời Chúa hứa để không bị trật mất phần ân điển của lời hứa. Người không biết sợ sẽ liều lĩnh hoặc buông trôi số phận mình. Lòng vô tín đã khiến cho “họ đã mất cả sự cảm-biết, đành bỏ mình trong một đời buông-lung, đem lòng mê-đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô-uế”.
Sau khi phân tích cho biết số phận của những người vô tín, Lời Chúa tiếp tục khuyên: “Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã.” Từ ngữ “gắng sức” được ghi nhận nhiều trong Kinh Thánh. Chúa Giê-xu nói “hãy gắng sức vào cửa hẹp” (Lu-ca 13:24). “Chúng ta khá nhìn-biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn-biết Ngài.” (Ô-sê 6:3). Sự gắng sức này không phải là nỗ lực riêng của con người để đạt được cứu cánh mà nói lên tính kiên trì, không bỏ cuộc nửa chừng.
Kết thúc phân đoạn này trước giả khẳng định cách quả quyết về tính chất và công dụng của Lời Đức Chúa Trời: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” Chúng ta cần biết chắc vững vàng lời hứa về sự yên nghỉ của Chúa không phải là lời hứa suông mà là lời linh ứng, sẽ được hoàn thành cho kẻ tin. Hãy để Lời của Chúa xuyên thấu vào lòng mỗi chúng ta, soi sáng những góc khuất tối tăm do sự thiếu hiểu biết và chậm tin trong chúng ta, dẫn dắt tư tưởng trong lòng chúng ta phơi bày nó ra để chúng ta nhận biết mình là ai. Người vô tín sẽ không nhận được lời hứa, nó chỉ được ban cho những ai có lòng kính sợ với đức tin kiên trì. Hãy thận trọng dùng Lời Chúa suy xét: Tôi là ai?
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, con tạ ơn Chúa vì Lời hứa rất quý, rất lớn của Ngài dành cho con, để con được vào trong sự an nghỉ của Ngài. Xin giúp con luôn giữ lòng kính sợ Chúa với đức tin neo chắc trong Lời của Ngài, để con thật được yên nghỉ trong linh hồn, cho đến sự yên nghỉ trong vương quốc đời đời của Ngài. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét