II Phi-e-rơ | Đặc Tính Của Tà Giáo - Phần 12: Cượng Giải Thánh Kinh

Lời ngỏ

Kính thưa quý anh chị em thân mến!

Trong những bài học trước chúng ta đã nhận diện chân tướng của tà giáo. Tà giáo không nhất thiết phải là những nhóm người có lối sống lập dị, đạo đức vô luân, ham muốn xác thịt cách tỏ tường. Họ cũng không hoàn toàn chối bỏ giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi hay chối bỏ thần tính, hoặc nhân tính của Chúa Giê-xu. Tà giáo ngày nay tinh vi hơn nhiều. Họ vẫn dùng Lời Chúa làm nền tảng cho lý lẽ của họ nhưng sự giải thích Kinh Thánh của họ chỉ theo ý riêng mình, chỉ để thỏa mãn cái tôi của con người, để thuyết phục người khác nghe theo mình, làm theo mình, chứ không phải thuận phục Chúa và sống đẹp lòng Ngài theo sự dạy dỗ thuần túy của Thánh Kinh. Trong bài học hôm nay dựa trên II Phi-e-rơ 3:15-16 chúng ta sẽ thấy được thêm một đặc tính của những kẻ cầm đầu tà giáo là CƯỢNG GIẢI THÁNH KINH.

15 Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thư cho anh em vậy.

16 Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

Giải thích

Một lần nữa Phi-e-rơ nhắc lại lý do tại sao Chúa chưa thực hiện lời Ngài hứa “Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em”. Câu này có liên quan mật thiết với II Phi-e-rơ 3:9 “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em”. Thế giới này đã bại hoại từ lâu nhưng Chúa vẫn nhẫn nhục chưa phán xét là bởi lòng thương xót nhân từ của Ngài, “Chúa không muốn cho mọi người chết mất, song muốn mọi người đều ăn năn.”

Sau đó, Phi-e-rơ nhắc đến những thư tín mà Phao-lô đã viết cho các hội thánh “cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thư cho anh em vậy”. Hội thánh lúc bấy giờ đều công nhận những lời trong các bức thư của Phao-lô đã được Đức Thánh Linh cảm động để ông giảng giải cách cặn kẽ về chương trình của Đức Chúa Trời dành cho thế giới trong thời đại hiện nay. Mặc dù Phi-e-rơ và Phao-lô vốn có lai lịch và cá tính khác nhau, cách thức truyền giảng cũng khác nhau, Phao-lô nhấn mạnh sự cứu rỗi nhờ ân điển chớ không phải nhờ luật pháp, trong khi Phi-e-rơ thích nói về đời sống và sự phục vụ của Cơ Đốc nhân hơn. Tuy nhiên, hai vị đã không mâu thuẫn nhau, họ luôn tôn trọng nhau.

“Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa”. Tại đây Phi-e-rơ đã đề cập đến ‘mấy khúc khó hiểu’ trong thư tín của Phao-lô, có lẽ là phân đoạn trong Rô-ma đoạn 9 đến đoạn 11 liên quan đến số phận của dân Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh, luật pháp và ân điển, đức tin và việc làm… Các giáo sư giả đã cố ý giải thích sai lạc các thư tín của Phao-lô. Từ “giải sai” có nghĩa là vặn vẹo, bóp méo và làm sai lạc đi ý nguyên gốc của bản văn. Họ xuyên tạc rằng Phao-lô đã dung túng lối sống vô luật pháp khi đề cao về ân điển mà thôi. Chắc điều đó đã khiến cho các giáo sư giả ấy được nổi tiếng, vì thiên hạ bao giờ cũng thích để cho tội lỗi ưa thích của mình được biện bạch, nhưng mục đích chính của họ là xuyên tạc và hủy hoại thông điệp của Chúa. Hầu hết những tà thuyết đã bóp méo một số giáo lý căn bản của Thánh Kinh. Các giáo sư giả rút những câu Kinh Thánh này ra khỏi mạch văn, làm sai lệch Kinh Thánh và tạo nên những giáo lý trái với Lời Đức Chúa Trời.

Điều gì xảy ra cho những kẻ bóp méo, cượng giải lời Kinh Thánh? Họ làm vậy “là tự chuốc lấy sự hư mất riêng về mình”. Chữ ‘sự hư mất’ thường được nhắc nhiều lần trong thư tín này (2:1-3, 3:7,16). Trong các bản Kinh Thánh khác chữ này được dịch là ‘đáng ghét’, ‘nguy hại’, và ‘kiếp đọa đày’ cũng có nghĩa như ‘sự hư mất’ tức là chối bỏ sự sống đời đời, và kết quả là sự chết đời đời. Tại đây, Phi-e-rơ không có ý nói nếu ai thấy khó hiểu Lời Đức Chúa Trời thì sẽ bị ‘hư mất’. Thật ra, chẳng có ai hiểu trọn vẹn mọi lời Thánh Kinh nhưng nếu ai cố tình ‘giải sai’ Lời Đức Chúa Trời để chứng minh cho giáo lý sai lạc của mình sẽ chuốc lấy ‘sự hư mất’ mà thôi. Vì thế, ông cảnh cáo con cái Chúa phải tránh xa sự sai lầm của việc cượng giải lời Chúa mà thay vào đó là tăng trưởng trong ân điển và sự thông biết Chúa Giê-xu. Có những đoạn Kinh Thánh chúng ta có thể chưa hiểu thì chúng ta lấy đức tin mà chấp nhận chứ đừng tìm cách hướng Kinh Thánh đi theo ý riêng của mình để đến chỗ sai lạc và dẫn dắt người khác đi theo sự lầm lạc của mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Ngày nay các nhóm tà giáo đang gia tăng và những giáo lý độc hại của họ bởi sự cượng giải Kinh Thánh theo ý con người khiến đang phá tán hội thánh và đầu độc nhiều con cái Chúa. Xin Chúa cho chúng con cẩn thận suy xét, biết tra xem lời Chúa để nhận ra những sự dạy dỗ độc hại này mà không bị dẫn dụ theo. Xin giúp chúng con nhận biết sự hạn hẹp của mình để được Đức Thánh Linh giải tỏ những điều còn chưa hiểu trong Thánh Kinh, hầu cho chúng con có thể hiểu được những lẽ mầu nhiệm của Lời Chúa và sống vâng phục, tin kính Chúa cũng như qua đời sống chúng con là lời chứng sống động về ân điển cứu rỗi của Chúa Giê-xu Christ cho nhiều người xung quanh. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa