II Phi-e-rơ | Chúa Không Chậm Trễ
Lời ngỏ
Kính thưa quý vị và các bạn,
Có lẽ không ai trong chúng ta thích chờ đợi và bị trễ hẹn. Khi phải chờ vì sự trễ hẹn thì chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua rất lâu và dễ nổi cáu khi phải chờ đợi. Nhưng có những cái trễ là cần thiết và giúp ích cho chúng ta. Có một lần gia đình chúng tôi có chuyến đi Đài Loan, khi đến phi trường thì được biết là chuyến bay dời giờ cất cánh hai tiếng đồng hồ, chúng tôi cảm thấy bất tiện vì sự trì hoãn này, khi vào kiểm tra hành lý thì được biết là visa của chúng tôi không hợp lệ và phải đăng ký lại. Việc đăng ký lại này phải mất thời gian nhưng cảm tạ Chúa là vì chuyến bay hoãn hai tiếng nên chúng tôi kịp đăng ký lại visa, khi hoàn thành mọi thủ tục thì cả gia đình chúng tôi kịp giờ của chuyến bay, chúng tôi là những hành khách cuối cùng vào máy bay để kịp cất cánh. Chúng tôi cảm tạ Chúa vì giờ cất cánh trễ thì mới có thể làm visa lại và chúng tôi kịp chuyến bay. Thì cũng vậy, con cái Chúa từ thời kỳ đầu cho đến ngày nay nôn nóng về lời hứa Chúa tái lâm mà chờ hoài vẫn chưa thấy, vì Chúa có chương trình cho sự trì hoãn này, lời Kinh Thánh II Phi-e-rơ 3:8-9 đã nói. Vậy thì chúng ta hãy tin rằng CHÚA KHÔNG CHẬM TRỄ và chúng ta cùng suy ngẫm về chủ đề này trong giờ tĩnh nguyện hôm nay.
8 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.
9 Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.
Giải thích
Qua hai câu Kinh Thánh trên sứ đồ Phi-e-rơ vạch rõ mưu đồ nhạo báng Lời Chúa của những tiên tri giả và giáo sư giả. Họ đã dốt nát chẳng biết Đức Chúa Trời là ai, không hiểu được tính chất đời đời của Đức Chúa Trời mà cũng không nhận biết những việc Ngài đã làm trong quá khứ thể nào (2 Phi-e-rơ 3:5). Họ xây dựng Đức Chúa Trời theo ảnh tượng của họ với sự giới hạn như con người và họ không chấp nhận được tính chất đời đời của Ngài, tức là Chúa không có khởi điểm cũng chẳng có kết thúc.
Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ nói “chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.” Tại đây, ông nhắc đến Thi thiên 90:4: “Vì một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm.” Độ dài của thời gian mà con người đo bằng giờ, ngày, tháng, năm là vô nghĩa đối với Chúa. Vì Ngài không đo đạc thời gian theo tiêu chuẩn của con người nên Môi-se đã nói một ngàn năm trước mắt Chúa như một canh của đêm. Khi nghiên cứu công việc của Đức Chúa Trời, đặc biệt trong Cựu Ước, chúng ta có thể thấy rằng trong một ngày Đức Chúa Trời có thể hoàn thành công việc mà con người phải mất một ngàn năm mới hoàn tất. Chúa không bao giờ vội vã, nhưng Ngài chẳng chậm trễ chút nào. Đức Chúa Trời hoàn toàn có thể sáng tạo toàn vũ trụ trong một lần, tuy nhiên Ngài muốn làm điều đó trong thời gian sáu ngày. Có thể Ngài giải phóng dân Do Thái ra khỏi Ai-cập trong một thoáng chốc, nhưng Chúa muốn dành tám mươi năm để huấn luyện Môi-se trở thành nhà lãnh đạo và đầy tớ khiêm nhường của Ngài. Và có thể Đức Chúa Trời đã sai Đấng Cứu Rỗi đến thế giới sớm hơn, nhưng Ngài chờ đợi cho đến “kỳ hạn đã được trọn” (Ga-la-ti 4:4) thì mới đến. Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi thời gian, đối với Chúa không có chậm, không có nhanh, mà chỉ có đúng thời điểm.
Thế nên, sứ đồ Phi-e-rơ một lần nữa bác bỏ luận điệu của những người không tin vào Lời Chúa hứa sẽ tái lâm rằng “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu”. Không phải Chúa không thể thực hiện hay không muốn thực hiện, không ai trên đất này có quyền quyết định khi nào Đức Chúa Trời phải hành động. Đức Chúa Trời tể trị trong tất cả mọi việc và không cần ai thúc giục Chúa làm cả nhưng nếu con người cảm thấy Chúa chậm trễ hoàn tất chương trình của Ngài là vì “Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Đức Chúa Trời hoãn sự trở lại của Chúa Cứu Thế và ngày đoán phạt lớn chỉ vì Ngài nhịn nhục chờ đợi và muốn ban cho tội nhân hư mất cơ hội được cứu rỗi.
Sự trì hoãn này cho thấy một Đức Chúa Trời đầy sự nhân từ và giàu lòng thương xót, đó là Ngài muốn tất cả mọi người đều ăn năn và được cứu. I Ti-mô-thê 2:4 khẳng định rằng Đức Chúa Trời “muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết chân lý”, sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ đổ trên kẻ gian ác nếu họ không ăn năn nhưng Ngài không vui về sự chết của kẻ ác (Ê-xê-chi-ên 18:23) nhưng Ngài muốn tất cả mọi người đều được cứu.
Là con dân Chúa, chúng ta phải tin Chúa sẽ hoàn thành những điều Ngài đã hứa. Chúa thành tín luôn giữ lời hứa của Ngài đối với chúng ta. Còn đối người chưa tin thì đây là cơ hội Chúa còn chờ đợi quý vị, hãy nắm lấy cơ hội Chúa ban cho mình ngay hôm nay để nhận ơn cứu rỗi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa là Đức Chúa Trời thành tín,
Ngài là Đấng hằng hữu và đời đời. Chúng con biết rằng mọi sự với con người đều có giới hạn, nhưng Ngài là vô cùng, vô hạn. Cảm tạ Chúa vì sự nhân từ, nhẫn nhục của Ngài đối với chúng con và vì thế nên chúng con tưởng Chúa chậm trễ và trì hoãn việc thực hiện lời hứa của Ngài. Xin cho chúng con những cơ hội còn sống trên đất này để làm chứng cho Chúa hầu đến ngày Chúa quang lâm thì tất cả mọi người đều được cứu. Trước mắt chúng con con thường nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, vì vậy con không hiểu hết được. Xin giúp con thấy được những cơ hội sống cho Chúa, cho người, và cho con qua cái nhìn của Ngài. Con cầu nguyện những lời này trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét