II Phi-e-rơ | Hãy Tăng Trưởng Trong Chúa

Lời ngỏ

Kính chúc quý vị và các bạn tuần lễ mới luôn tăng trưởng trong ân điển của Chúa!

Kính thưa quý anh chị em, TĂNG TRƯỞNG TRONG CHÚA cũng là chủ đề của bài học Mana Thuộc Linh hôm nay. Trong bốn tháng qua chúng ta đã học và suy ngẫm những bài học thuộc linh qua hai thư tín của sứ đồ Phi-e-rơ viết cho hội thánh Chúa trong thế kỷ đầu tiên và cũng là Lời Chúa ứng dụng cho hội thánh ngày nay. Hôm nay là bài học từ câu cuối cùng của thư tín này, II Phi-e-rơ 3:18. Ước ao Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta mạnh dạn trong sự học biết về Chúa Cứu Thế của chúng ta để được sự tăng trưởng ở trong Ngài.

18 Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men.

Giải thích

Sứ đồ Phi-e-rơ kết thúc bức thư ngắn gọn này theo như cách ông đã bắt đầu nó, đó là khuyến giục con cái Chúa “hãy tấn tới…”. Từ ‘tấn tới’ có nghĩa là lớn lên, là tăng trưởng. Và đây là một mệnh lệnh con cái Chúa cần thực hiện. Để có sự tăng trưởng thuộc linh này thì cần có sự đồng hành và đồng công giữa Đức Chúa Trời và con cái Ngài chứ không phải là một điều tự động xảy ra sau khi chúng ta tin Chúa. Ai trong chúng ta khi bắt đầu một công việc gì cũng trông chờ kết quả tốt đẹp sẽ đến. Người nông dân không thể trông chờ mùa gặt nếu không chịu lao nhọc cày xới, gieo hạt, bón phân, vun tưới. Vận động viên không thể mong đạt giải cao trong cuộc thi đấu nếu không cố gắng luyện tập ngày đêm. Và trong mọi việc làm của mình chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời cùng làm việc với chúng ta. Chúng ta không thể làm việc Đức Chúa Trời làm, và Ngài cũng không làm việc của chúng ta. Vậy thì chúng ta cần sự đồng công của Chúa để thực hiện hai điều:

1/ Tăng trưởng trong ân điển Chúa.

Chúng ta được cứu bởi ân điển nhưng ân điển không chấm dứt ở đó. Chúng ta phải lớn lên trong ân điển. Ban cho ân điển là việc Chúa làm, còn việc của chúng ta là tiếp nhận và nhờ ân điển Ngài để sống, dù cho gặp thử thách, khó khăn, đau khổ và ngay lúc cùng cực nhất vẫn có thể ngợi khen Chúa được.

Vì vậy, tăng trưởng trong ân điển là từng trải những thử thách, hoạn nạn. Cho đến khi nào chúng ta không còn nhờ sức riêng của mình mà đầu phục Chúa thì lúc đó chúng ta mới có thể kinh nghiệm được ân điển của Đức Chúa Trời cho mình. Những bài học trong trường ân điển luôn là những bài học đắt giá, nhưng đó là những bài học có giá trị. Khi chúng ta lớn lên trong ân điển thì chúng ta càng trở nên giống Chúa Giê-xu Christ, vì từ nơi Ngài chúng ta nhận được mọi ơn có cần “bởi sự đầy dẫy của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn.” (Giăng 1:16).

2/ Tăng trưởng trong sự hiểu biết Chúa.

Chúng ta cũng phải lớn lên trong sự hiểu biết. Chúng ta được thách thức để lớn lên, không chỉ trong sự hiểu biết Kinh Thánh, nhưng “trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Chúa Giê-xu Christ”. “Hiểu biết Kinh Thánh” là một chuyện, biết về Đấng Christ, nhân vật trung tâm của Kinh Thánh là một chuyện khác. Có thể chúng ta biết Kinh Thánh nhiều nhưng chúng ta chưa thực sự hiểu biết Chúa và không sống theo lời Kinh Thánh dạy. Hiểu biết mà không có ân điển cặp theo thì rất nguy hiểm, như các tà giáo đã làm. Nhưng nếu chỉ cậy vào ân điển ban cho mà chúng ta không nỗ lực học biết về Chúa thì đức tin của chúng ta rất nông cạn. Nhưng khi chúng ta kết hợp ân điển và sự hiểu biết, đó là phương tiện tuyệt vời để xây dựng cuộc đời chúng ta và xây dựng Hội Thánh Chúa.

Khi chúng ta càng hiểu biết Đấng Christ qua lời Kinh Thánh bao nhiêu, chúng ta càng lớn lên trong ân điển và ngược lại càng lớn lên trong ân điển thì chúng ta càng hiểu biết lời của Đức Chúa Trời. Vì vậy, mục tiêu hành động của chúng ta là lớn lên trong ân điển và sự thông biết Chúa. Điều này đòi hỏi phải siêng năng, phải có kỷ luật trong đời sống tin kính. Đó là sự cam kết đồng hành với Chúa. Không ai tự động lớn lên và vững vàng trong đời sống thuộc linh được. Giống như chiếc thuyền cần chiếc neo, Cơ Đốc nhân cũng cần phải có Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chúng ta là “Đức Chúa Trời của mọi ơn lành” (1 Phi-e-rơ 5:10), Đấng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6). Khi suy ngẫm lời Kinh Thánh, chúng ta học biết về chính Chúa và mọi phước hạnh của ân điển dành sẵn cho chúng ta là con cái của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa yêu dấu,

Thật chúng con chẳng có gì và cũng không ra chi trước mặt Ngài. Mọi điều chúng con có là nhờ ân điển Chúa ban cho. Chúng con cảm tạ Ngài. Xin cho chúng con có lòng khao khát được lớn lên, được tăng trưởng trong ân điển và trong sự nhận biết Chúa, thực hành những điều Chúa dạy để con được Ngài biến đổi càng ngày càng trở nên giống Chúa Giê-xu hơn. Nguyện tình yêu, ân điển của Chúa bao phủ mỗi một chúng con, giữ gìn chúng con được trọn vẹn không chỗ trách được, sẵn sàng cho ngày của Chúa, là ngày phán xét chung cuộc, và chúng con được gặp Ngài và được Ngài tiếp rước vào Nước Đời Đời Vinh Hiển. Nguyện Ma-ra-na-tha. Trong Danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-men.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa