II Phi-e-rơ | Công Dã Tràng

Lời ngỏ

Kính thưa quý vị và các bạn,

Trong văn học dân gian Việt Nam có kể về một truyện cổ tích, có một vài phiên bản khác nhau, tuy nhiên nội dung của chúng đều để giải thích cho hiện tượng con dã tràng xe cát trên những bãi cát bờ biển, người ta gọi là sự tích con dã tràng. Trong một phiên bản người ta kể rằng một người đàn ông có tên là Dã Tràng “xe cát” để lấp biển nhằm đòi lại viên ngọc quý có thể nghe hiểu tiếng nói của các loài động vật, do một con rắn hổ mang cho để trả ơn cứu mạng, mà Đông Hải Long Vương đã lập mưu để lấy trộm. Công việc không thể hoàn thành, Dã Tràng sau khi chết đã hóa thành con dã tràng (hay con còng còng) và vẫn tiếp tục xe cát để lấp biển. Vì vậy dân gian Việt Nam có câu: “Dã tràng xe cát Biển Đông. Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì!” Lời Chúa cho chúng ta ngày hôm nay được chép trong thư tín II Phi-e-rơ 3:10 nói về công lao của giáo sư giả tương tự như CÔNG DÃ TRÀNG.

10 Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.

Giải thích

Kẻ trộm hay những tay ‘đạo chích’ là những người cố tình ‘ăn cắp’ của cải của người khác làm thành tài sản của mình. Để có thể ăn cắp được thì họ phải đợi đêm khuya để người ta không nhận ra mặt mình. Họ thường tính toán và tìm cách chọn ngày giờ mà chủ nhà không có ở nhà, hay chủ nhà ngủ say không hay biết việc họ đột nhập vào nhà. Lời Chúa khuyên dạy Cơ đốc nhân chúng ta đừng có ăn trộm, đừng có ăn cướp; nhưng ngược lại hãy lấy tay mình làm lụng để có đủ sinh kế cho mình và gia đình. Tuy nhiên, trong một vài ví dụ liên quan đến ngày Chúa Giê-xu tái lâm thì Kinh Thánh thỉnh thoảng có dùng hình ảnh ‘ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm’. Điều này không có nghĩa là Ngài như kẻ trộm; mà là ngày đó là ngày hoàn toàn bất ngờ đối với cả nhân loại, giống như giờ kẻ trộm. Hình ảnh ví dụ về ngày giờ diễn ra thình lình thường được ví sánh giống như ngày giờ của kẻ trộm. Đó là thì giờ mà hầu như tất cả không ai ngờ đến.

Tại đây khái niệm ‘ngày của Chúa’ mà sứ đồ Phi-e-rơ quan niệm được ví sánh tương tự như khải niệm ‘ngày của Đức Giê-hô-va’ được đề cập xuyên suốt trong các sách tiên tri thời Cựu ước. Đó là ngày Đức Chúa Trời nổi cơn thịnh nộ vì cớ tội ác của con người và phán xét cách công bình theo hành vi của con người đã làm trên đất. Tuy nhiên, sứ đồ Phi-e-rơ đã miêu tả về sự kiện này liên quan đến sự tái lâm của Chúa Giê-xu với hai phương diện. Phương diện của con cái thật của Chúa thì sẽ được giải cứu khỏi ngày phán xét, ngược lại đối với thế gian vô tín thì sẽ chịu hậu quả về sự phán xét. Sự phán xét này là điều liên quan không chỉ con người, mà còn liên quan đến vũ trụ vật chất này nữa. Sứ đồ Phi-e-rơ miêu tả hình ảnh hết sức sống động, ông bảo rằng các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, tiếng vang này giống như chim lướt trên gió, mũi tên rít trong không khí, tên lửa bay trong không gian với tốc độ cao. Đó cũng có thể là tiếng lửa cháy trong những cánh rừng hay cơn hỏa hoạn bất ngờ.

Gần đây có nhiều quốc gia đã sản xuất bom nguyên tử, bom hạt nhân, bom phân hạch… điều này có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân nguyên tử, nếu xảy ra thì trái đất này sẽ tiêu tán. Chẳng hạn như việc hai quả bom hạt nhân đã nổ tại Nhật Bản trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thế nhưng, những điều ấy chỉ có thể làm nổ tại một số địa phương, còn nhiều nơi khác không bị ảnh hưởng hoặc nếu có thì khả năng phá hủy ở xác suất thấp. Tuy nhiên, sự phán xét trong ngày của Chúa khi Chúa Giê-xu tái lâm thì Ngài trực tiếp giáng xuống từ trời để con người không có cớ cho rằng mình đã giúp Chúa. Việc này cũng được Chúa cảnh báo trong lịch sử với biến cố về hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã từng bị. Tức là, lửa này không do con người vô tình ‘bấm nút’ nhầm vào những quả bom nguyên tử, hay vô ý gây nên hỏa hoạn; nhưng lửa và diêm sinh trong ngày Chúa phán xét được giáng xuống từ trời, và đổ xuống cùng một lúc cho toàn cả địa cầu. Toàn thể địa cầu sẽ bốc chảy và tiêu tán. Nước của biển dù có nhiều đến ba phần tư địa cầu cũng không thể cứu được sự phán xét này của Chúa. Có như thế thì không một ai trong vòng con người có thể thoát khỏi tai vạ này. Có như thế thì mọi công trình trên đất chắc chắn sẽ bị thiêu hủy hết. Có thể sẽ trở nên một hành tinh chết như Sao hỏa, cũng có thể sẽ tiêu tán hết cả. Tuy nhiên, trước khi Chúa thực hiện điều này trên đất thì Ngài sẽ cất con cái Ngài ra khỏi, giống như Ngài đã dắt gia đình Lót ra khỏi thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ năm xưa. Còn những kẻ không tin, chống nghịch lại Ngài giống như việc những con dã tràng xe cát nơi bãi biển, vất vả và lao khổ nhưng sẽ bị đùa đi hết trong những cơn thủy triều. Mọi công trình con người xây cất đều bị tiêu hủy hết. Giờ này, có một câu hỏi dành cho bạn: Hiện tại, bạn đang xây đắp điều gì cho cuộc đời mình?

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Cảm tạ Chúa vì Ngài đã báo trước cho chúng con về sự trở lại của Ngài. Ngài sẽ trở lại để đem chung con vào nước vĩnh hằng của Chúa. Lạy Chúa, xin Chúa thương xót vì hiện nay còn vô số người đã không cảnh tỉnh trước điều Ngài đã cảnh báo. Xin Chúa cho họ tỉnh thức để quay về bên Chúa. Xin Chúa cho họ ăn năn để không thì mọi công trình của họ đều trở nên vô ích như công dã tràng. Cảm tạ Chúa, nhân danh Chúa Giê-xu. A-men.

Thiên Gia Vĩnh

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa