Ma-thi-ơ | Biết Ơn & Phục Vụ
Matthew Henry (18.10.1662 – 22.6.1714) là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18. Một ngày kia ông bị bọn cướp trấn lột và đêm hôm đó Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của ông như sau: Cảm tạ Chúa vì: Thứ nhất, bởi vì cho đến bây giờ con mới bị ăn cướp; trước giờ con chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả. Thứ hai, bởi vì mặc dù bọn chúng cướp ví tiền và những gì con có trên người lúc đó nhưng chúng nó không cướp mạng sống của con. Thứ ba, cảm tạ Chúa vì con không phải là quân đi ăn cướp mà là người bị cướp. Qua điều mà ông Henry cảm tạ Chúa cho thấy dù trong hoàn cảnh mất mát vì bị cướp, thay vì phàn nàn hay oán trách thì ông cũng có lý do để cảm tạ, biết ơn Chúa và càng dấn thân trong sự phục vụ Ngài. Cuộc đời phục vụ Chúa cách tận tụy của ông đã để lại cho chúng ta bộ giải kinh Tân Cựu Ước gồm 6 bộ rất quý báu và có giá trị. Vậy mà, chúng ta là những người đã nhận được ân điển lớn lao của Chúa dường bao nhưng đôi khi chúng ta không thấy hết được giá trị thuộc linh quý báu mà Chúa đã ban cho mình để cảm tạ Chúa và biết ơn Ngài trong sự phục vụ Chúa. Xin mời xem Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 8:14-17.
14 Đoạn, Đức Chúa Jêsus vào nhà Phi-e-rơ, thấy bà gia người nằm trên giường, đau rét.
15 Ngài bèn rờ tay người bịnh, rét liền mất đi; rồi người đứng dậy giúp việc hầu Ngài.
16 Đến chiều, người ta đem cho Đức Chúa Jêsus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh,
17 vậy cho được ứng nghiệm lời của Đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta.
Quay lại với đoạn Kinh Thánh vừa đọc trên, đây là câu chuyện thứ ba mà sứ đồ Ma-thi-ơ đã ghi lại về những công việc quyền năng của Đức Chúa Jêsus đã làm qua việc chữa lành. Cả ba câu chuyện đều nói về việc Chúa chữa bệnh nhưng mỗi trường hợp Chúa có một phương cách khác nhau. Điều này cho thấy Chúa có quyền trên bệnh tật và Chúa chọn từng phương cách phù hợp với mỗi trường hợp. Chúa chữa bệnh phung bởi lòng yêu thương trắc ẩn Ngài đã vượt lên cả luật pháp, rờ chạm đến người phung và ra lệnh cho được sạch. Còn đối với đầy tớ của viên sĩ quan La Mã, Chúa đã chữa bệnh qua đức tin của viên sĩ quan này, chỉ bằng lời phán không cần đến gặp người bệnh mà vẫn được lành, điều đó cho thấy Chúa không bị giới hạn bởi không gian và khoảng cách. Còn tại câu chuyện này chúng ta cùng xem xét cách Chúa chữa lành như thế nào.
Theo ký thuật của Phúc Âm Mác, trong bối cảnh của câu chuyện này thì hôm đó là ngày Sa-bát, Đức Chúa Jêsus từ nhà hội trở về, thì Ngài đã chữa lành người bị quỷ ám (Mác 1:21-28). Lúc ấy chắc chắn Đức Chúa Jêsus cũng đã mệt nên Ngài cần nghỉ ngơi. Các môn đồ đưa Chúa vào nhà Phi-e-rơ. Tuy nhiên, vừa vào đến nhà, lại có yêu cầu xin Ngài cứu giúp. Bà gia của sứ đồ Phi-e-rơ đang nằm trong nhà vì cơn sốt rét. Sự thật là bà đang nằm ở đó, không thể ngồi dậy, cho thấy bà bệnh nặng lắm. Thời đó, với cơn sốt rét cũng có thể đe dọa mạng sống của một người, lúc ấy chưa có thuốc hạ sốt hay thuốc kháng sinh. Đức Chúa Jêsus đã bước lại gần và “rờ tay” người bệnh, chính giây phút ấy “rét liền mất đi”. Điểm đặc biệt trong câu chuyện này là hành động của người được chữa lành. Bà liền “đứng dậy giúp việc hầu Ngài” (câu 15). Vừa khi được Đức Chúa Jêsus chữa lành, với lòng biết ơn Chúa, bà gia của sứ đồ Phi-e-rơ đã bắt tay phục vụ, lo cho nhu cầu của Chúa và của những người khác. Bà nhận thức là mình được chữa lành không phải để nghỉ ngơi, để hưởng thụ hay chờ người khác phục vụ mình. Để cảm tạ Chúa về sự chữa lành của Ngài, bà gia của Phi-e-rơ đã dùng sức khỏe được phục hồi, đó là sức lực mới Chúa ban cho để phục vụ Chúa và người khác. Bà đã thể hiện hành động của lòng biết ơn là sự phục vụ.
Qua đó, sứ đồ Ma-thi-ơ trình bày một lẽ thật sâu xa của sự chữa lành chúng ta nhận được ở trong Danh của Đức Chúa Jêsus. Ngài là Đấng năng quyền, Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta và cũng là Đấng chữa lành chúng ta. Việc Chúa chữa lành bệnh tật là để làm ứng nghiệm lời của tiên tri về Ngài: “Vậy cho được ứng nghiệm lời của Đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bệnh hoạn của chúng ta.” (câu 17). Tội lỗi và bệnh tật đi chung với nhau như vậy cho nên khi Đức Chúa Jêsus đến thế gian để chịu chết chuộc tội cho chúng ta, Ngài cũng mang lấy bệnh tật của chúng ta. Do đó chữa lành bệnh tật cũng mang ý nghĩa tha thứ: “Bởi lằn roi Người chúng ta được lành bệnh.” (Thi Thiên 103:3). Hiện nay, chúng ta là con cái của Chúa, bởi đức tin nơi Đức Chúa Jêsus, chúng ta đã được Ngài tha thứ mọi tội lỗi và Ngài đã gánh lấy mọi bệnh hoạn, tật nguyền của chúng ta, nhưng vì chúng ta vẫn còn sống trong xác thịt và ở trong thế gian này nên chúng ta vẫn phải chịu những hậu quả của sự sa ngã, vẫn phải chịu những ốm đau bệnh tật trong thân thể. Nhưng sẽ đến một ngày, khi Đức Chúa Trời cất hết mọi tội lỗi đi, sẽ chẳng còn bệnh tật và chết chóc nữa. Các phép lạ chữa bệnh của Đức Chúa Jêsus là những phước hạnh Chúa cho chúng ta nếm trước, sẽ đến ngày chúng ta được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Đàng vinh hiển, tại đó không còn tội lỗi nữa.
Bạn thân mến, không phải bệnh tật nào cũng đều có nguồn gốc từ tội lỗi, nhưng bệnh tật và điều ác vốn là hậu quả của một thế giới sa ngã. Nếu trong thân thể bạn có sự đau ốm nào, có sự bất thường nào… bạn hãy đến trình dâng hết cho Chúa. Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian, Ngài đã đắc thắng tội lỗi, Ngài có quyền trên tất cả các tà linh và các căn bệnh trên thế gian này. Nhưng không phải vì thế mà Chúa dùng năng quyền để tiêu trừ mọi bệnh tật của chúng ta. Ngài vẫn cho phép tật bệnh xảy ra trên thân thể chúng ta để chúng ta kinh nghiệm được sự thương khó của Đức Chúa Jêsus khi Ngài ở trên đất, hầu khi được chữa lành thì chúng ta nhận biết đó là vì Chúa đã chịu mọi đau đớn, chịu sự đánh đập, roi vọt để gánh thay mọi đau ốm, tật nguyền của chúng ta. Vì thế, khi được chữa lành thì chúng ta cần nhận biết đó là việc Chúa làm và cần tỏ lòng biết ơn, tôn vinh Ngài. Bà gia của sứ đồ Phi-e-rơ là một tấm gương đẹp đẽ cho chúng ta noi theo. Sau khi được Đức Chúa Jêsus chạm tay vào người để chữa bệnh cho bà, cách đáp lại tình yêu của Chúa là bà tức khắc phục vụ Ngài và các môn đệ Ngài. Hãy nhớ lại xem Đức Chúa Trời đã từng giúp bạn thoát khỏi một hoàn cảnh khó khăn, hay được chữa lành khỏi một căn bệnh nào không? Nếu có, bạn cần phải hỏi chính mình rằng: “Tôi đã làm gì để bày tỏ lòng biết ơn Chúa?” Có nhiều cách để chúng ta cảm ơn Ngài, nhưng phục vụ Chúa là điều Ngài đẹp lòng nhất. Phục vụ Chúa có thể chúng ta sẽ không nhận được ích lợi gì ở đời này nhưng Đức Chúa Trời đã hứa rằng: “Công khó của anh em trong Chúa chẳng hề vô ích đâu.” (I Cô-rinh-tô 15:58).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Cha! Con cảm tạ Ngài vì Ngài đã ban Đức Chúa Jêsus đến thế giới này để chịu mọi đau đớn, chịu sự đánh đập, roi vọt để gánh thay mọi đau ốm, bệnh tật của chúng con. Nhưng Chúa ơi, khi con được Chúa chữa lành thì con đã mau quên ơn Chúa và xem đó là việc bình thường. Xin tha thứ cho con một lần nữa về sự vô ơn đó. Thì giờ này, con cầu xin sự chữa lành của Chúa sẽ hoàn toàn ứng nghiệm trên thân thể con. Con cảm tạ Chúa. Con nguyện phục vụ Chúa trọn cuộc đời con. Nguyện Danh Chúa được vinh hiển qua đời sống con. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét